10:26 13/07/2009

Chuyện Internet ở... Lũng Cú

Mạnh Chung

Với hầu hết những thanh niên dân tộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Intrenet vẫn còn là cái gì đó xa vời

Những thanh niên dân tộc xã Lũng Cú đang được chiến sỹ biên phòng hướng dẫn sử dụng Internet - Ảnh: Đức Hiệp.
Những thanh niên dân tộc xã Lũng Cú đang được chiến sỹ biên phòng hướng dẫn sử dụng Internet - Ảnh: Đức Hiệp.
Đường lên Lũng Cú (Hà Giang) mùa này, chính hè nhưng mát lạnh. Mới xế chiều, sương và mây đã giăng kín đường. Chỉ có những tay lái thuộc đường nằm lòng bàn tay mới vượt qua được an toàn những đoạn đường gấp khúc liên hồi như khủy tay bẻ ngược, chìm trong biển sương trắng xóa, cách độ 10m là không nhìn thấy đường.

Đồn biên phòng Lũng Cú, cách mặt nước biển chừng 1.600 - 1.800m, là “đại bản doanh” của vỏn vẹn ba chiếc máy tính còn mới tinh được nối mạng Internet - công cụ mà người thành phố coi là “cánh cửa nhìn ra và hòa nhập vào thế giới”, thỉnh thoảng có một chiến sỹ biên phòng ngồi vào nhấp chuột xem tin tức.

Internet là cái gì vậy?

Giàng A Su, một thanh niên người Mông, 25 tuổi, tay bế chú gà trống ra chợ Lũng Cú bán, hồn nhiên trả lời: "Không. Tao không biết!", khi được hỏi có biết Internet là gì không.

Không chỉ với A Su, với nhiều thanh niên dân tộc ở miền cao nguyên Lũng Cú, máy tính và Internet với họ đều là những cái gì đó xa vời, lạ lẫm.

Đầu năm 2008, Internet lần đầu tiên về Lũng Cú, địa đầu tổ quốc. Đoạn đường chỉ 25km từ thị trấn Đồng Văn nhưng cán bộ, công nhân kỹ thuật của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - Chi nhánh Hà Giang đã phải tốn cả mấy ngày công sức vì đường kéo dây cáp về toàn là đèo dốc, núi đá hiểm trở. “Nhưng chúng tôi vẫn quyết làm vì mục tiêu bước đầu tiệm cận đưa Internet về xã, về bản, nâng cao dân trí cho người dân”, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó giám đốc VNPT Hà Giang nói.

Nhớ hôm các chiến sỹ đồn biên phòng Lũng Cú hướng dẫn một số thanh niên người Mông cách truy cập vào Internet, một số người vừa nhìn mũi tên trên màn hình di chuyển, vừa nhấc con chuột máy tính lên ngó ngó nghiêng nghiêng. Có thanh niên ngại ngùng không dám cầm chuột, phải để một chiến sỹ phải trực tiếp cầm tay đặt lên chuột chỉ dẫn cách bấm.

Ba chiếc máy tính nối mạng Internet vẫn im lìm, vắng khách. Ngày ngày, thỉnh thoảng có một chiến sỹ biên phòng hay giáo viên bên trường tiểu học gần đó vào truy cập. Vì phải trả tiền cho nhà cung cấp dịch vụ nên đồn biên phòng vẫn thực hiện thu phí 3.000 đồng/tiếng truy cập. Vì thế, thanh niên các dân tộc ở đây, vốn đã ngại, lại càng thêm “ngại” bỏ tiền để biết đến Internet. 

Do mức phí còn cao nên ngay như cô giáo Nguyễn Thị Hậu, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lũng Cú, cũng nói một tuần chỉ dám tranh thủ một vài giờ truy cập vào website của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một vài trang website khác để xem tin tức.

Đấy chưa kể, để đến được đồn Lũng Cú - nơi có máy tính nội mạng Internet, thôn gần nhất cũng mất một hai tiếng đi bộ. Như thôn của A Su, thôn Sán Sả Phìn, A Su bảo phải mất nửa ngày trời!

Cũng vì thế, sau hơn một năm Internet "về núi", Thượng tá Nguyễn Hải Lý, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết, hiệu quả lớn nhất là các cán bộ, chiến sỹ của Đồn, nhờ có Internet đã có thể dễ dàng xem được bản tin nội bộ của bộ đội biên phòng, tình hình giữ gìn trị an nơi biên giới đất liền, hải đảo và an ninh quốc phòng.

Mục tiêu “phủ sóng”

Thời điểm hiện tại, mạng Internet mới chủ yếu phát triển ở trung tâm tỉnh, các huyện, còn các xã rất hạn hẹp, thưa thớt. Với chương trình dịch vụ viễn thông công ích của Nhà nước, sau khi có quỹ năm 2007, tốc độ phát triển lĩnh vực điện thoại và Internet ở Hà Giang đã phát triển mạnh hơn, 40% xã trên địa bàn tỉnh đã có đường dây cáp truyền dẫn Internet.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang, theo mục tiêu tỉnh đặt ra, đến hết năm 2010, Hà Giang phấn đấu 100% xã biên giới và 50% các xã trong toàn tỉnh sẽ có Internet.

Tiềm năng cho mục tiêu “phủ sóng” Internet của Hà Giang được mở rộng hơn khi, ngoài mạng lưới chủ lực là VNPT, còn có thêm các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin như Viettel, EVN, FPT cũng đã bắt đầu triển khai mạng lưới trên địa bàn tỉnh. “Viettel đang đầu tư mạng không dây là chủ yếu, tuy vậy, bà con các dân tộc vẫn gần như chưa tiếp cận được”, ông Phạm Mã Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang cho hay.

Để mục tiêu “phủ sóng” Internet một cách có hiệu quả và thực chất, thì ngoài trình độ dân trí của người dân miền núi chưa đồng đều, kế hoạch của tỉnh còn phải giải quyết bài toán cơm - áo - gạo - tiền.

Theo điều tra của tổ chức Plan tại Việt Nam, hiện Hà Giang được xếp là tỉnh nghèo thứ 3 của Việt Nam (sau tỉnh Bắc Kạn và Đắc Nông). Trong đó, mức thu nhập trung bình toàn tỉnh là 3,2 triệu/người/năm, các hộ gia đình có kinh tế khá giả tập trung chủ yếu ở các thị trấn. Và hiện là tỉnh có số huyện nghèo nhiều nhất cả nước, có 6 huyện nghèo trên tổng số 11 huyện, với gần 7.000 hộ nghèo.

Đặc biệt, với những người nông dân tại địa phương, nhất là các khu vực xa xôi, hẻo lánh có mức thu nhập rất thấp (2,5 - 2,6 triệu/người/năm), trung bình mỗi ngày, một người dân làm ra được 7.000 đồng để trang trải cho tất cả các chi tiêu. Vì thế, việc bỏ 2.000 - 3.000 đồng ra để sử dụng dịch vụ Internet sẽ khó có thể có trong khoản chi tiêu hàng ngày, hay thậm chí hàng tuần của những người dân tộc nơi đây.

Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), đơn vị chính đảm nhiệm vai trò “phủ sóng” Internet trên địa bàn, cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ phải giảm phí sử dụng đến mức thấp tối thiểu, thậm chí miễn phí sử dụng thì người dân miền núi Hà Giang (hơn 10% là dân tộc Kinh, còn lại gần 90% là các dân tộc khác - PV) mới có điều kiện dễ dàng tiếp cận dịch vụ Internet.

“Đồng thời, phải chỉ ra cho người dân về những tiện ích, hiệu quả từ Internet, nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của họ, như những giống cây, con mới cho năng suất, những phương thức sản xuất mới, nhu cầu giải trí tinh thần lành mạnh…”, ông Liên nói.

Dù kế hoạch “phủ sóng Internet” nhìn còn xa vời, nhưng vị Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang, ông Trịnh Duy Quyền, vẫn khoe ở xã Hoàng Su Phì có 500 hộ thì 385 hộ có điện thoại di động. Người dân đã dùng điện thoại để liên lạc, trao đổi mua bán, nhanh chẳng kém gì thành phố. “Nếu Internet cũng được “phủ sóng”, chắc chắn hiệu quả sản xuất kinh doanh, đời sống tinh thần của người dân sẽ được nâng cao hơn”, ông hy vọng.