16:28 06/10/2010

Chuyện lạ từ giá cổ phiếu AAA

Hoàng Thạch Lân

Vụ AAA có lẽ chính là trường hợp “chính thức” đầu tiên cho thấy cái rủi ro hệ thống của thị trường

Hiện nay đã có ý kiến đề xuất rằng các công ty chứng khoán cần phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán liên tục về dòng tiền margin, và cao cấp hơn nữa là Ủy ban Chứng khoán cần sớm đưa ra các quy định để thống nhất và chuẩn hóa loại hình dịch vụ này.
Hiện nay đã có ý kiến đề xuất rằng các công ty chứng khoán cần phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán liên tục về dòng tiền margin, và cao cấp hơn nữa là Ủy ban Chứng khoán cần sớm đưa ra các quy định để thống nhất và chuẩn hóa loại hình dịch vụ này.
Hơn tuần qua, vụ việc (tin đồn là chính) liên quan đến cổ phiếu AAA của Công ty Cổ phần Nhựa An Phát đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thu hút sự quan tâm đặc biệt, không chỉ từ dư luận nói chung, mà ngay cả đối với dân lướt sóng và các công ty chứng khoán nói riêng.

Vụ việc này một lần nữa cho thấy, pháp luật về chứng khoán đang đứng ngoài cuộc với những diễn biến hàng ngày của thị trường.

Giá tăng giảm bất thường trong 20 ngày

Theo những thông tin chính thức được công bố từ HNX, khởi đầu và kết thúc của câu chuyện như sau.

Ngày 18/8/2010, tổ chức là Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Thăng Long - cổ đông lớn, đã bán được 540.000 cổ phiếu. Ngày 25/8: tổ chức Công ty TNHH Đầu tư FC - cổ đông lớn, đã bán xong 1.050.000 cổ phiếu, và tổ chức Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Sơn - cổ đông lớn, đăng ký bán 3.000.000 cổ phiếu từ 25/8/2010. Ngày 29/9: Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Sơn - cổ đông lớn, đã bán xong 3.000.000 cổ phiếu, thời gian thực hiện giao dịch: từ ngày 20/8/2010 đến ngày 20/9/2010.

Theo dõi diễn biến giá  của AAA trong khoảng thời gian nói trên, có thể thấy rằng, cổ phiếu này bắt đầu chuỗi tăng giá “khủng” kể từ ngày 19/8, ngay sau khi Công ty Tài chính Thăng Long - cổ đông lớn tuyên bố bán xong, nhưng trước khi Công ty Đầu tư FC và Công ty Tam Sơn - hai cổ đông lớn khác của AAA (trên bản cáo bạch của AAA không có nhiều thông tin về cổ đông lớn này) đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu.

Và AAA cũng bắt đầu rớt giá ngay sau khi Công ty Tam Sơn bán hết 3 triệu cổ phiếu.

Xin lưu ý rằng, đối với một mã cổ phiếu chỉ có 9,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, trừ đi khoảng 1,8 triệu cổ phiếu nằm trong tay các thành viên Hội đồng Quản trị, thì số lượng 3 triệu cổ phiếu mà Công ty Tam Sơn đăng ký bán chiếm 37% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, lại bán được trong vòng 19 phiên là điều “kỳ diệu” mà không phải nhà đầu tư nào cũng làm được.

Vậy thị trường đồn chuyện gì liên quan đến mã này? Có một số nhà đầu tư (có thể liên quan đến Công ty Tam Sơn chứ Công ty FC thì chắc là may mắn bán “đúng lúc”) và một số công ty chứng khoán đã ký các hợp đồng margin, theo đó, mỗi công ty chứng khoán sẽ cung cấp đòn bẩy cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu AAA.

Xin lưu ý là khối lượng giao dịch bình quân/phiên của AAA trong giai đoạn 15/7-18/8 (tức là ngay trước khi cổ phiếu bắt đầu tăng giá mạnh) chỉ có khoảng 246.516 cổ phiếu/phiên, nhưng trong giai đoạn tăng giá mạnh thì bình quân giao dịch đạt 616.540 cổ phiếu/phiên (tức gấp 2,5 lần số giao dịch bình quân của giai đoạn trước đó), mà thông tin công bố chính thức tạm coi là có thể kéo giá AAA trong giai đoạn này chỉ duy nhất là báo cáo tài chính hợp nhất quý 2.  

Do được cung cấp tiền margin, nên nhà đầu tư đã mua liên tục và đẩy giá AAA từ mức 44.600 đồng/cổ phiếu (đóng cửa ngày 18/8) lên đỉnh 94.000 đồng/cổ phiếu (ngày 8/9), tức tăng gấp 2,1 lần.

“Kết quả” là, thay vì chỉ bán hết được 3 triệu cổ phiếu với khoảng giá 45.000-55.000 đồng/cổ phiếu, Công ty Tam Sơn đã bán được với khoảng giá gấp 1,5 lần đến gấp đôi, và sau đó nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán có cho dùng margin “bỏ tài khoản”, mặc cho các công ty chứng khoán ôm đống cổ phiếu mà lúc này muốn xả hàng lại có vẻ rất khó khăn, do khối lượng giao dịch bình quân một tuần sau đó giảm về chỉ còn khoảng 95.000 cổ phiếu/phiên.

Có yếu tố lừa đảo?

Có rất nhiều bàn luận xung quanh chuyện này, nhưng theo tác giả, đáng chú ý nhất là hai vấn đề.

Thứ nhất, có chuyện lừa đảo ở đây hay không? Tức là liệu có chuyện nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở về giao dịch margin của các công ty chứng khoán để giúp Công ty Tam Sơn bán được số lượng cổ phiếu lớn?

Thứ hai, về góc độ quản trị rủi ro trong giao dịch margin, nếu nhìn từ góc độ công ty chứng khoán nói riêng và thị trường nói chung, rủi ro dạng này là gì và liệu sau sự việc này có phương pháp hay công cụ nào để ngăn chặn dạng rủi ro như vậy?

Về khả năng lừa đảo thì thật sự rất khó nói, nếu không có sự điều tra từ các cơ quan giám sát thị trường. Tuy nhiên, ngay cả khi không có lừa đảo, thì đây cũng được coi là “chiêu thức” cực kỳ thông minh của nhà đầu tư nào đó, khi phát hiện được và lợi dụng được kẽ hở của các công ty chứng khoán trong việc cung cấp và quản trị giao dịch margin.

Cá nhân tác giả cho rằng, ít nhất là có sự lợi dụng kẽ hở. Công ty FC và Tam Sơn thì chắc là có lợi nhất rồi (bây giờ chỉ cần HNX yêu cầu họ thông báo tổng số tiền thu được sau vụ bán 3 triệu cổ phiếu AAA này là biết liền họ lợi được bao nhiêu tiền), nhưng họ có can dự gì đối với vụ đẩy giá này? Liệu có phải chính họ là người lợi dụng kẽ hở của công ty chứng khoán không?  

Đứng từ góc độ công ty chứng khoán, rủi ro lớn nhất đối với các loại giao dịch margin là mất thanh khoản. nhà đầu tư khi dùng đòn bẩy thì vốn đã có máu liều, nhưng chưa chắc công ty chứng khoán cũng có máu liều khi cung cấp dịch vụ margin, thậm chí quan điểm của công ty chứng khoán là an toàn trên hết.

Nhưng vụ AAA có lẽ chính là trường hợp “chính thức” đầu tiên cho thấy cái rủi ro hệ thống, tức là cho cả thị trường chứ không đơn thuần là rủi ro của từng công ty chứng khoán riêng lẻ. Nói cách khác, cho dù là từng công ty chứng khoán có thể ý thức và nghĩ ra cách ngăn chặn rủi ro  mất thanh khoản, nhưng nếu nhiều công ty gặp rủi ro này cùng lúc thì rủi ro đó trở thành hệ thống.   

Hiện nay đã có ý kiến đề xuất rằng các công ty chứng khoán cần phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán liên tục về dòng tiền margin, và cao cấp hơn nữa là Ủy ban Chứng khoán cần sớm đưa ra các quy định để thống nhất và chuẩn hóa loại hình dịch vụ này. Dự thảo về giao dịch ký quỹ (margin) đã được đưa ra lấy ý kiến, nhưng chưa có quy định để lường trước và đề ra cách thức ngăn chặn rủi ro mất thanh khoản hệ thống này.

Chúng ta không nên coi thường loại rủi ro này, vì nó có thể khiến cho một công ty chứng khoán nào đó, vào lúc nào đó, “say sưa” dùng tiền của các khách hàng để cho một nhóm khách hàng đánh margin, rồi kẹt cả tiền lẫn hàng.

Khi đó, không chỉ tất cả khách hàng của công ty chứng khoán đó gặp rủi ro về ứng tiền, rút tiền…, mà các công ty chứng khoán khác có thể dính chùm vào rủi ro thanh toán bù trừ.