09:16 17/12/2007

Chuyện lao động, tiền lương sau cổ phần hóa

Thạch Phùng

Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa phản đối việc vẫn phải chi trả lương theo thang bảng lương như khi còn là... doanh nghiệp Nhà nước

Một số doanh nghiệp cổ phần hóa đã có cách làm riêng của mình đối với một vài chế độ khác có liên quan đến chi phí tiền lương.
Một số doanh nghiệp cổ phần hóa đã có cách làm riêng của mình đối với một vài chế độ khác có liên quan đến chi phí tiền lương.
Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau tiến trình cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo luật công ty, đã sắp xếp lại lao động; để từ đó có điều kiện quan tâm, chăm sóc công nhân viên trong doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tất nhiên, việc sắp xếp lại lao động này cũng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một số người, như: bị giảm lương, giảm mức tham gia bảo hiểm xã hội, thậm chí có không ít người phải nghỉ việc vì không thể bố trí được những công việc phù hợp trong điều kiện của một doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Nhiều giám đốc doanh nghiệp cổ phần hóa cho biết, sau cổ phần hóa họ vẫn phải tiếp tục chi trả tiền lương cho công nhân viên theo thang bảng lương như khi còn là doanh nghiệp Nhà nước, dù rất nhiều người trong số đã được sắp xếp bố trí, chuyển đổi lại công tác; hàng năm cũng phải tiến hành xác định mức lương mới cho cán bộ công nhân viên và phải thông qua sở lao động - thương binh và xã hội địa phương.

Quá trình thực hiện này đã khiến không ít đơn vị gặp phải khó khăn, vì chi phí lao động trong giá thành sản phẩm lên quá cao, khả năng cạnh tranh bị sụt giảm nghiêm trọng.

Giám đốc một công ty cổ phần (nguyên là doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi) nhận xét: điều này khá vô lý, vì như vậy gần như là chính Nhà nước, thông qua các sở lao động - thương binh và xã hội quyết định tiền lương của cán bộ công nhân viên, trong khi chính hội đồng quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp lại phải chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi, theo các quy định hiện hành, thì việc nâng, chuyển xếp lương cho cán bộ công nhân viên trong các công ty cổ phần thuộc thẩm quyền của hội đồng quản trị công ty quyết định.

“Hội đồng quản trị và giám đốc các doanh nghiệp cổ phần hóa cần phải được chủ động thực sự trong việc quyết định tiền lương khi sử dụng lao động, nhằm phát huy được năng lực và khả năng chuyên môn của từng người, từng vị trí công tác. Doanh nghiệp không thể duy trì những tình trạng bất công, bất xứng do những điều kiện lịch sử vốn đã tồn tại từ thời doanh nghiệp Nhà nước…” Giám đốc nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa đã tỏ ra nhất trí với ý kiến trên của bà Phan Thị Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau.

Bà Ánh cũng thừa nhận rằng: việc xếp chuyển lại lương cho cán bộ công nhân viên các công ty cổ phần là không đơn giản, dù ai cũng công nhận cần có sự hợp lý, công bằng trong chế độ tiền lương. Nhưng đối với những ai bị cắt giảm tiền lương so với trước, dù hiện nay họ không còn đảm đương trách nhiệm hoặc công việc cũ... vấn đề còn phức tạp hơn. Có lẽ cũng vì vậy, mà hầu như chưa có doanh nghiệp nào sau cổ phần hóa đủ mạnh dạn để vượt qua lối mòn cũ, dám cách tân chế độ tiền lương?

Một số doanh nghiệp cổ phần hóa đã có cách làm riêng của mình đối với một vài chế độ khác có liên quan đến chi phí tiền lương. Như ngày 30/9/2006, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau ký ban hành quy định mức tham gia bảo hiểm xã hội cho từng đối tượng cán bộ công nhân viên, và được áp dụng từ 1/10/2006.

Theo quy định này, mức tham gia bảo hiểm xã hội cho từng đối tượng được xác định gồm 3 mức: Mức 1 (hệ số 1- theo mức lương tối thiểu do nhà nước quy định) áp dụng cho công nhân viên có hợp đồng lao động từ 01 năm trở lên; mức 2 (hệ số 1,5- theo mức lương 675.000 đồng) áp dụng cho nhân viên mua hàng, kiểm hàng, nhóm trưởng, tổ trưởng, tổ phó các tổ sản xuất; cán bộ công nhân viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và là lực lượng đào tạo, kế thừa do các phòng, ban, bộ phận đề nghị được ban giám đốc quyết định; mức 3 (theo mức hệ số lương chức vụ, chuyên môn, nghiệp vụ thực tế) áp dụng cho cán bộ lãnh đạo từ phó phòng ban và tương đương trở lên; ban điều hành các xí nghiệp..., và một số trường hợp khác (như cán bộ công nhân viên có thành tích cao, ý thức kỷ luật lao động tốt...) được ban giám đốc quyết định.

Sau hơn 1 năm áp dụng quy định này một cách công khai, đã có hàng chục lượt cán bộ công nhân viên được xét điều chỉnh tăng mức mua bảo hiểm xã hội, trong số có những người tăng từ mức 1,0 lên các mức 2,42- 3,3- 3,7; đồng thời cũng có trường hợp phải hạ mức từ 3,27 xuống 1,5 do không còn làm nhiệm vụ cũ nữa. Không có ai kêu ca, khiếu nại gì.

Nhiều cán bộ công nhân viên ở đây thừa nhận rằng: việc quy định mức tham gia bảo hiểm xã hội như vậy là hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp; quy định này của lãnh đạo công ty đã tạo nên một lực đẩy cho phong trào thi đua có hiệu quả thực sự, và khích lệ đông đảo người lao động phấn đấu để được nâng mức đóng bảo hiểm xã hội.

Ông Huỳnh Minh Hồng, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính của công ty cũng cho biết: nhờ cách làm này, mà Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau đã thực hiện đầy đủ được việc lập sổ và đóng bảo hiểm xã hội cho tất cả gần 1.400 cán bộ công nhân viên, trong đó có 946 nữ. Điều này cũng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cà Mau ghi nhận trong biên bản kiểm tra về quản lý lao động và tiền lương tại công ty, ngày 9/11/2007...

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của đoàn kiểm tra: công ty cần phải đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ công nhân viên căn cứ theo số tiền lương (hay tiền công) ghi trong hợp đồng lao động đã ký; và không thể đóng ở mức lương tối thiểu.