11:13 09/10/2009

Chuyện tiền, quyền ở cuộc họp của WB và IMF

Kiều Oanh

Các nước giàu và nghèo bất đồng sâu sắc quanh chuyện điều chỉnh quyền lực và góp vốn trong IMF và WB

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn phát biểu tại Hội nghị thường niên IMF/WB 2009 - Ảnh: Getty Images.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn phát biểu tại Hội nghị thường niên IMF/WB 2009 - Ảnh: Getty Images.
Bất đồng sâu sắc giữa các nước giàu và nghèo xung quanh chuyện góp vốn để giải quyết hậu quả khủng hoảng và quyền lực trong Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là vấn đề nổi cộm trong cuộc họp thường niên vừa kết thúc ngày 7/10 của hai định chế này tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Các bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương tham dự các cuộc họp của WB và IMF lần này đều đồng thuận với quan điểm rằng, còn quá sớm để tính tới chuyện kết thúc các gói kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, khi bàn tới sự cần thiết phải tăng vốn cho hai định chế tài chính hàng đầu thế giới này, thì sự chia rẽ ngay lập tức xuất hiện. Sự bất đồng thậm chí còn căng thẳng hơn khi đại diện các nước bàn tới chuyện các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất như Trung Quốc và Ấn Độ muốn có thêm quyền bỏ phiếu trong WB và IMF.

Trên thực tế, sự chuyển dịch ảnh hưởng từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển trong WB và IMF đã được thể hiện rõ nét ở kết quả của cuộc họp thượng định khối 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại Pittsburgh, Mỹ, vào ngày 25/9 vừa qua.

Với cuộc họp này, G20 đã chứng minh cho thế giới thấy, họ là diễn đàn hàng đầu thế giới hiện nay cho hợp tác kinh tế quốc tế, thay cho G7. Từ giờ trở đi, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề an ninh.

Các thành viên G7 nhìn chung đều nhất trí với sự thay đổi này, nhưng một số nước trong nhóm không hài lòng với thỏa thuận của G20 về việc nên điều chỉnh 5% hạn ngạch của các nước trong IMF. Hạn ngạch này quyết định tỷ lệ phiếu của mỗi nước tại IMF và phần góp vốn của từng nước trong quỹ. Bất kỳ sự điều chỉnh nào về hạn ngạch cũng sẽ làm cho quyền lực của các nước giàu giảm đi và làm tiếng nói của các nước đang phát triển tăng lên.

Trên thực tế, quyền lực của các nước giàu trong IMF đang vượt quá tỷ lệ GDP của các nước này trong nền kinh tế thế giới, trong khi các nền kinh tế mới nổi chưa được hưởng mức quyền lực tương xứng với sức mạnh kinh tế của họ.

Không ai kỳ vọng cuộc họp ở Istanbul vừa qua sẽ quyết định cụ thể việc điều chỉnh hệ thống phiếu bầu ở IMF. Vấn đề này sẽ được tiếp tục đàm phán trong thời gian tới và giải quyết trong thời gian từ nay tới năm 2011 theo mục tiêu của IMF. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây sẽ là một mục tiêu không dễ đạt được.

Tuyên bố của các nước châu Âu - những “kẻ mất” nếu hệ thống phiếu bầu được điều chỉnh - có giọng điệu và bản chất rất khác so với tuyên bố của các nước châu Á và Mỹ Latin - những “người được” nếu sự điều chỉnh được thực hiện.

Ông Axel Weber, đại diện của Đức tại IMF, cho rằng “việc điều chỉnh hạn ngạch nên dựa trên sự đối xử bình đẳng đối với tất cả các nước thành viên. Cả Weber và vị đồng nhiệm người Pháp Christian Noyer đều không đả động cụ thể gì tới chuyển thêm 5% hạn ngạch cho các nước đang phát triển, mà chỉ có những phát biểu rất chung chung.

Mỹ cũng tỏ ra lạnh nhạt với các nền kinh tế mới nổi quanh vấn đề này.

Ông Eswar Prasad, một cựu quan chức của IMF, hiện đang giảng dạy tại Đại học Cornell, Mỹ, thì cho rằng, các nước châu Âu “về cơ bản vẫn ủng hộ sự điều chỉnh hệ thống phiếu bầu, nhưng họ chưa sẵn sàng chấp nhận những gì sẽ là kết quả thực tế của sự điều chỉnh đó”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee nhắc đi nhắc lại yêu cầu của nước này là đòi tăng hạn ngạch bỏ phiếu thêm 7%.

Tuy nhiên, Mỹ, Anh và Pháp đã hưởng ứng khá nồng nhiệt lời kêu gọi tăng vốn của WB. Từ đầu năm 2009 tới nay, WB đã cho vay tổng số tiền 33 tỷ USD, tăng 13,5 tỷ USD so với năm 2008, nên lo tới giữa năm 2010 sẽ rơi vào tình trạng thiếu vốn.

Các nước đang phát triển đều ủng hộ việc tăng vốn cho WB, nhưng các nước giàu do đã gánh hầu hết ngân sách của định chế này, tỏ ra kém hào hứng hơn với chuyện bơm thêm tiền. Họ muốn có thêm bằng chứng về việc WB sử dụng hiệu quả số vốn đã có trước khi tính tới chuyện rót thêm.

Bản thân WB cũng nhận thấy rằng, việc thuyết phục các nước góp thêm vốn cho các định chế quốc tế sẽ không phải là chuyện dễ ở thời điểm mà tình hình ngân sách của các chính phủ đang căng thẳng.

Ngoài việc thúc giục tăng vốn cho WB, các nước đang phát triển cũng kêu gọi việc họ có thêm tiếng nói trong định chế này, hơn những gì mà nhóm G20 đã đề xuất.

Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cho rằng, thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ khi diễn ra cuộc họp thường niên của định chế này vào năm ngoái, ngay sau vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers. Hầu hết mọi người đều tin là nền kinh tế thế giới hiện không còn đứng bên bờ vực của đại suy thoái.

Tuy nhiên, các cuộc họp ở Istanbul cho thấy rõ, sẽ phải mất một thời gian nữa thì tình hình chính trị trong hệ thống tài chính quốc tế mới theo kịp những chuyển biến trong quyền lực kinh tế được xem là kết quả của cuộc khủng hoảng này.

Theo WB, thậm chí trước khi xảy ra khủng hoảng, gần 3/5 tăng trưởng GDP toàn cầu xuất phát từ Trung Quốc và Ấn Độ. Năm nay, gần như toàn bộ tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ đến từ bên ngoài các nước giàu.

Thực tế này đã khiến việc cải cách các định chế tài chính quốc tế - nơi sự phân chia quyền lực giữa các nhóm nước vốn đã bị xem là không còn hợp thời trước khi xảy ra khủng hoảng  - càng trở nên cấp bách hơn. Vấn đề lúc này là sẽ mất bao nhiêu thời gian để những nước đang ôm giữ quyền lực chịu chấp nhận chuyển giao.

(Theo Economist)