07:57 08/06/2007

“Cơ chế giám sát dệt may ngày càng nguy hiểm”

Đức Thành

Việc Mỹ áp dụng cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam đã có những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp

Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang tăng thấp hơn so với kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang tăng thấp hơn so với kế hoạch.
Việc Mỹ áp dụng cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam đã có những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp.

Trong 5 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng thấp hơn so với kế hoạch, bình quân mỗi tháng chỉ đạt hơn 500 triệu USD. Nếu tình hình cứ tiếp diễn như vậy, rất có thể mục tiêu xuất khẩu 7,35 tỷ USD kim ngạch dệt may trong năm 2007 sẽ rất khó hoàn thành.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM, với tỷ trọng trên 3% trong tổng giá trị hàng dệt may nhập khẩu vào Hoa Kỳ, ngành dệt may Việt Nam không thể là mối nguy cơ làm hại đến công nghiệp dệt may Hoa Kỳ

Thưa ông, giả sử cơ chế giám sát hàng dệt may của Mỹ cứ kéo dài mãi như thế này thì nó sẽ tác động như thế nào đối với xuất khẩu dệt may của Việt Nam?

Theo như hiện nay, cơ chế này sẽ kéo dài đến hết năm 2008, đó là cam kết của Bộ Thương mại Hoa Kỳ với Quốc hội Hoa Kỳ, kéo dài đến hết nhiệm kỳ của chính quyền hiện tại, tức là hết năm 2008. Rõ ràng, nếu phía Hoa Kỳ không dừng chương trình giám sát này lại sẽ tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với ngành dệt may Việt Nam.

Vừa qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có một số thông tin là một số doanh nghiệp ở tỉnh Quãng Ngãi đã ngưng hoạt động là do các khách hàng của họ lo sợ chính sách giám sát này. Chúng tôi cho rằng tác hại của cơ chế giám sát này ngày càng nguy hiểm và đặc biệt là chúng tôi đang chờ đợi xem đến tháng 8/2007 tới, nhận xét đầu tiên của kỳ giám sát đầu tiên sẽ như thế nào.

Tôi xin nhấn mạnh là nếu những nhận xét này là bất lợi thì nó sẽ có tác động nguy hại đến phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong tương lai.

Trước tình hình hiện nay, xin ông cho biết những động thái tiếp theo của Hiệp hội Dệt may là gì?

Chúng tôi đã có khá nhiều hoạt động. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có một bản điều trần gửi Nhóm phụ trách giám sát bên Hoa Kỳ. Trong ngày 22/4 vừa rồi, Hiệp hội đã gửi người tham gia điều trần trực tiếp đối với Uỷ ban Thương mại Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng liên tục thông tin về những bất hợp lý của cơ chế giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, chúng tôi liên tục theo dõi các số liệu nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Theo số liệu mà chúng tôi nắm gần đây nhất thì ngay cả việc số lượng và giá cả xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng như đơn giá bình quân đang ở mức mà chúng tôi cho rằng ở tăng trưởng bình thường so với các năm trước đây khi mà chúng ta còn bị Hoa Kỳ áp dụng hạn ngạch (quota).

Chúng tôi cũng tác động đến Hiệp hội Doanh nghiệp nhập khẩu Hoa Kỳ và Hội Người tiêu dùng Hoa Kỳ để họ hỗ trợ chúng ta có những tác động đối với Chính phủ Hoa Kỳ trong vấn đề chống giám sát này.

Ông có thể dẫn chứng về sự vô lý khi Hoa Kỳ áp dụng cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ?

Chương trình này có nhiều điểm vô lý. Trước hết, ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đứng thứ 9 về số lượng và đứng thứ 6 về giá trị. Trong khi đó, trừ Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ đang bị áp đặt chính sách tự vệ, tất cả các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhiều hơn Việt Nam đều không bị bất kỳ sự giám sát nào.

Thứ hai, mức giá bình quân quy ra mét vuông nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2006 là 2,96 USD/m2, cao hơn nhiều so với mức giá nhập khẩu bình quân là 1,79 USD/m2 và cao hơn nhiều nước có mức xuất khẩu lớn vào Hoa Kỳ như Trung Quốc với 1,55; Ấn Độ 1,98; Bangladesh với 2,01; Indonesia với 2,44...

Như vậy, Việt Nam không thể xem là nước có khả năng bán phá giá.

Mặt khác, với tỷ trọng trên 3% trong tổng giá trị hàng dệt may nhập khẩu vào Hoa Kỳ, ngành dệt may Việt Nam không thể nào đủ sức tạo nên một ảnh hưởng, lại càng không thể là mối nguy cơ làm hại đến công nghiệp dệt may Hoa Kỳ.

Ngoài ra, trên 95% hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ là hàng may sẵn là dòng sản phẩm mà các nhà máy công nghiệp tại Hoa Kỳ đã không còn sản xuất trong nhiều năm qua do chi phí cao và thiếu lao động.

Việc chủ động để đối phó với các “rào cản” kiểu như thế này sẽ được Hiệp hội dệt may Việt Nam ứng phó như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Đại hội Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa qua có sáng kiến thành lập 11 uỷ ban chuyên trách để đảm trách từng chuyên đề đối với sự phát triển của ngành dệt may. Nhiệm kỳ trước đây, tất cả công việc đều do Ban thường vụ và Ban chủ tịch giải quyết nên nhiều vấn đề không thể giải quyết một cách triệt để và dứt điểm.

Chính vì thế, việc lập ra 11 uỷ ban lần này là giúp cho từng thành viên, đặc biệt là những người đứng đầu Ủy ban nâng cao trách nhiệm và đồng thời có từng nhóm hành động để họ tập trung vào từng vấn đề riêng.

Ví dụ Ủy ban về chính sách sẽ tập trung vào những vấn đề về chính sách phát triển cho ngành dệt may và đối phó với các chính sách thương mại từ các nước khác, cụ thể là vấn đề chống giám sát hàng dệt may sang Mỹ hiện nay. Như vậy, chúng tôi có hẳn một ủy ban phụ trách về vấn đề này mà không phải tập trung mọi việc vào Ban chấp hành.

Tất nhiên là để đạt được mục tiêu cũng cần nỗ lực rất nhiều, trước hết là chủ nhiệm uỷ ban chuyên trách và thành viên trong ban. Tôi xin nhấn mạnh là ngành dệt may đang đứng trước những thách thức trực tiếp sau khi gia nhập WTO.