08:09 21/05/2007

Cơ chế “một cửa” tại Bộ Thương mại hoạt động ra sao?

Hồng Thoan

Trong giai đoạn 1, cơ chế “một cửa” sẽ được áp dụng thí điểm đối với 10 thủ tục hành chính sau

Các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thương mại có thể gửi hồ sơ thủ tục hành chính qua đường bưu điện hoặc trực tiếp mang đến bộ phận “một cửa” - Ảnh minh họa.
Các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thương mại có thể gửi hồ sơ thủ tục hành chính qua đường bưu điện hoặc trực tiếp mang đến bộ phận “một cửa” - Ảnh minh họa.
Ngày 18/5/2007, Bộ trưởng Bộ Thương mại đã ký Quyết định phê duyệt Đề án giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại Bộ Thương mại. Cũng trong ngày 18/5, Văn phòng “một cửa” của Bộ Thương mại đã chính thức khai trương.

Những thông tin chi tiết hơn xung quanh cơ chế này sẽ được làm rõ thông qua cuộc trao đổi dưới đây với ông Đỗ Như Đính, Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại.

Thứ trưởng nhận định như thế nào về tình hình cải cách hành chính trong cơ quan Bộ Thương mại thời gian qua?

Để triển khai Đề án triển khai thí điểm cơ chế “một cửa” ở Bộ Thương mại, năm 2006, Bộ đã tiếp tục rà soát và loại bỏ trên 130 văn bản không thiết thực và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện đánh giá những thủ tục cần duy trì trong một thời gian nữa. Kết quả sau khi xem xét có 35 thủ tục cần được duy trì thuộc 3 nhóm: nhóm liên quan đến các vụ thuộc Bộ, nhóm liên quan đến các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực và nhóm các thủ tục liên quan đến Cục Xúc tiến thương mại.

Trước mắt, Bộ Thương mại sẽ áp dụng cơ chế này đối với những thủ tục hành chính nào?

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Thương mại, trong giai đoạn 1 (được áp dụng ngay từ thời điểm Đề án được phê duyệt), cơ chế “một cửa” sẽ được áp dụng thí điểm đối với 10 thủ tục hành chính sau:

- Giấy phép kinh doanh thuốc lá;

- Giấy phép cho thương nhân nước ngoài đặt chi nhánh và hoạt động tại Việt Nam;

- Thẩm tra dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động mua bán hàng hoá và dịch vụ khác liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá tại Việt Nam;

- Giấy phép nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà phục vụ kinh doanh miễn thuế;

- Giấy phép tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu các mặt hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu;

- Xem xét và chấp thuận cho thương nhân tổ chức khuyến mại dưới hình thức vé số dự thưởng;

- Đăng ký tổ chức hội chợ triển lãm ở nước ngoài;

- Giấy phép xuất khẩu tự động (E/L) hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ;

- Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) các loại;

- Giấy phép quá cảnh hàng hoá Trung Quốc, Lào, Campuchia qua lãnh thổ Việt Nam.

Thưa Thứ trưởng, căn cứ vào những tiêu chí nào mà Bộ Thương mại lựa chọn ra 10 thủ tục hành chính nêu trên để triển khai thí điểm áp dụng cơ chế “một cửa” đầu tiên?

Những thủ tục hành chính sẽ thực hiện theo cơ chế “một cửa” trong giai đoạn 1 nêu trên được chọn lựa dựa trên các tiêu chí sau.

Thứ nhất là căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước, cần duy trì những gì để đảm bảo sự quản lý của ngành được chặt chẽ và đúng pháp luật.

Thứ hai là căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp và người dân yêu cầu phải cải tiến các thủ tục nào, thủ tục nào bức xúc cần phải cải tiến sớm hơn, thủ tục nào không bức xúc có thể chậm hơn.

Thứ ba là căn cứ vào các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế, trong đó có cam kết minh bạch hoá tất cả các chính sách, cơ chế. Vì thế, chúng tôi đã chọn 10 thủ tục trên để thí điểm thực hiện cơ chế “một cửa” bắt đầu áp dụng từ tháng 5/2007 trở về sau.

Xin Thứ trưởng cho biết quá trình giải quyết theo thủ tục “một cửa” tại Bộ Thương mại sẽ diễn ra như thế nào?

Các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thương mại có thể gửi hồ sơ thủ tục hành chính qua đường bưu điện hoặc trực tiếp mang đến bộ phận “một cửa”.

Bộ phận “một cửa” có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân và đôn đốc các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính đúng thời hạn theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, bộ phận “một cửa” sẽ ứng dụng phần mềm theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo cập nhật thông tin đầy đủ để các tổ chức, cá nhân có thể tra cứu về quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên website của Bộ Thương mại.

Vấn đề thực hiện “một cửa” liên thông đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng. Đối với Bộ Thương mại, lộ trình thực hiện thí điểm “một cửa” liên thông được đặt ra như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Trong quá trình triển khai các thủ tục hành chính “một cửa”, không chỉ riêng Bộ Thương mại có thể thực hiện mà còn có những thủ tục liên quan đến một số Bộ, ngành khác.

Ví dụ như việc cấp giấy phép nhập khẩu xe phân khối lớn từ 175 phân khối trở lên có liên quan đến Bộ Giao thông vận tải, cấp giấy phép nhập khẩu súng thể thao có liên quan đến Uỷ ban Thể dục thể thao, hay cấp giấy phép xuất khẩu hàng dệt may có liên quan đến việc cấp C/O của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...

Vì vậy, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi các thủ tục hành chính áp dụng cơ chế “một cửa”, Bộ Thương mại sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất áp dụng cơ chế “một cửa” liên thông đối với các thủ tục hành chính cần có sự phối hợp giữa Bộ Thương mại và các bộ, ngành khác để bắt đầu triển khai từ đầu năm 2008 (giai đoạn 2 của Đề án).