Có chính sách tiền lương hài hòa khi làm thêm giờ
Nếu tăng giờ làm thêm cần có các chính sách để đảm bảo sức khỏe của người lao động, nhất là tiền lương cần được tính toán kỹ để hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động
Nếu tăng giờ làm thêm cần có các chính sách để đảm bảo sức khỏe của người lao động, nhất là vấn đề tiền lương cần được tính toán kỹ để hài hòa quyền lợi của cả doanh nghiệp và người lao động.
Cân nhắc nhiều yếu tố
Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp đang diễn ra. Một trong những nội dung lớn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và người lao động tại dự thảo lần này là việc mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm lên mức tối đa 400 giờ/năm trong một số trường hợp đặc biệt.
Dưới góc độ tổ chức đại diện người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thực tế làm thêm giờ là vấn đề luôn được người lao động và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhất là ở các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.
Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, làm thêm giờ phải đặt trên nhiều yếu tố từ sức khỏe, việc làm, thất nghiệp, an toàn lao động, nhất là các quyền lợi của người lao động phải được đảm bảo, tương quan phù hợp với xu thế của thế giới là giảm giờ làm và tăng thời gian nghỉ ngơi.
Cũng theo ông Quảng, trên thực tế giờ làm việc chính thức của người lao động Việt Nam hiện nay cũng đang ở mức khá cao, với 48 giờ trong một tuần, trong khi thời gian nghỉ lễ, tết hằng năm lại ở mức trung bình thấp với chỉ 10 ngày.
Tuy nhiên, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không phủ nhận trong bối cảnh tiền lương tối thiểu còn thấp và đời sống của một bộ phận người lao động chưa được cải thiện nhiều, thì làm thêm là yêu cầu cần thiết của người lao động.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó ban Chính sách - Pháp luật, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho rằng, quy định mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa trong những trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ trong năm là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu của một bộ phận người lao động để tăng thu nhập tốt hơn.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường cũng như sự linh hoạt trong việc sắp xếp và huy động nhân công của nhóm doanh nghiệp thâm dụng lao động, theo bà Thoa cần nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của việc tăng thời gian làm thêm giờ như: sẽ giảm thời gian nghỉ ngơi, ít có cơ hội cải thiện đời sống tinh thần...
Có chính sách tiền lương thỏa đáng
Dù khẳng định quan điểm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ bản đồng tình xem xét nâng giới hạn làm thêm giờ như dự thảo đề xuất, song ông Lê Đình Quảng cho rằng, điều kiện tiên quyết là tiền lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến. Đó chính là cần một chính sách tiền lương thỏa đáng để hài hòa quyền lợi của cả người lao động và doanh nghiệp.
"Chính sách tiền lương phải phù hợp để doanh nghiệp không lợi dụng làm thêm giờ nhằm trả lương cho người lao động thấp bằng mức lương tối thiểu, khiến đời sống của người lao động khó khăn hơn, thậm chí buộc người lao động không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải tự nguyện làm thêm giờ mới có thu nhập để đủ trang trải cuộc sống. Do đó, tăng giờ làm thêm là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ, cũng như cần xem xét một loạt các yếu tố có liên quan", ông Quảng lưu ý.
Liên quan đến đề xuất bỏ giới hạn giờ làm thêm 30 giờ/tháng, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng không nên. "Chúng tôi cũng không đồng tình với việc bỏ trần làm thêm giờ theo tháng bởi vì rõ ràng nâng giờ làm thêm trong năm nhưng lại bỏ trần làm thêm theo tháng thì rất dễ xảy ra tình trạng người sử dụng lao động huy động làm thêm liên tục trong một khoảng thời gian làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Do đó, chúng tôi tiếp tục đề nghị nên duy trì giờ làm thêm theo tháng, nhưng có thể nới rộng hơn 30 giờ", ông Quảng đề xuất.
Ngoài ra, cùng với việc mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất nên xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần là cần thiết.
"Điều này sẽ bảo đảm hài hòa với các yếu tố sức khỏe, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho người lao động, tạo động lực để doanh nghiệp cải tiến trang thiết bị, đổi mới quản trị, nâng cao năng suất lao động", ông Quảng nhấn mạnh.