10:57 26/04/2010

Cổ đông lên tiếng

Các cổ đông lớn đã sử dụng vai trò phủ quyết, cổ đông thiểu số đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình

So với trước đây, tuy vẫn còn một số công ty phải tổ chức họp đại hội đồng lần hai, lần ba vì số cổ đông tham dự không đủ 65%, nhưng cổ đông thiểu số đang thể hiện vai trò đóng góp ý kiến, phản biện, chất vấn tích cực hơn ở mùa đại hội năm nay.
So với trước đây, tuy vẫn còn một số công ty phải tổ chức họp đại hội đồng lần hai, lần ba vì số cổ đông tham dự không đủ 65%, nhưng cổ đông thiểu số đang thể hiện vai trò đóng góp ý kiến, phản biện, chất vấn tích cực hơn ở mùa đại hội năm nay.
Các cổ đông lớn đã sử dụng vai trò phủ quyết, cổ đông thiểu số đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình là hai hiện tượng đang nổi lên từ mùa họp đại hội đồng cổ đông của các công ty niêm yết đã và đang diễn ra năm nay.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2009 trình lần thứ nhất tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông sáng 16/4/2010 của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (BHS - HOSE) đã không được thông qua.

Đa số cổ đông tham dự cho rằng tỷ lệ trích lập quỹ đầu tư phát triển, quỹ phúc lợi khen thưởng chưa hợp lý. Ngoài ra cổ đông cũng nhấn mạnh mức khen thưởng 5% cho hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát nếu lợi nhuận năm 2010 vượt kế hoạch là quá cao.

Chỉ đến khi, thuận theo ý kiến đề xuất của cổ đông, tỷ lệ trích lập quỹ đầu tư phát triển tăng từ 7% lên 11%; quỹ phúc lợi khen thưởng giảm từ 15% xuống 11%; mức khen thưởng cho lãnh đạo giảm từ 5% xuống 3% thì việc phân phối lợi nhuận năm ngoái của BHS mới được biểu quyết thông qua 100%.

Yêu cầu trích lập nhiều hơn cho quỹ đầu tư phát triển và ít hơn cho quỹ phúc lợi khen thưởng không chỉ xảy ra với BHS. Cổ đông của nhiều doanh nghiệp khác đã lên tiếng khi nhận thấy ưu đãi dành cho cán bộ công nhân viên khá cao. Điều này ảnh hưởng sát sườn đến quyền lợi của họ. Chẳng hạn nếu trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi nhiều, thì lợi nhuận dành để chia cổ tức hẳn sẽ giảm đi.

Hầu hết cổ phiếu của các công ty khai thác than trên sàn Hà Nội đều tăng giá chậm hơn mức tăng chung của thị trường vì các cổ phiếu này, tuy có chỉ số tài chính cơ bản khá tốt, song doanh nghiệp lại trích lập quỹ phúc lợi khen thưởng quá nhiều. Các doanh nghiệp khai thác than thường chỉ trả cổ tức 12%/năm bằng tiền mặt trong khi lợi nhuận trước thuế có thể bằng 50-100% vốn điều lệ.

Cũng liên quan đến bảo vệ lợi ích, cổ đông nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lần đầu tiên đã yêu cầu thay đổi phương án phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động tại Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC - HOSE). Hội đồng Quản trị SSC đề xuất phương án phát hành nửa triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ công nhân viên (bằng 10% lượng cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn từ 100 lên 150 tỉ đồng), nhưng SCIC bác bỏ.

SCIC yêu cầu chào bán cho cán bộ công nhân viên với giá ưu đãi bằng 60% giá bình quân của ba phiên gần nhất trước ngày đăng ký cuối cùng chốt thưởng thay vì thưởng (không phải đóng tiền mua). Với vai trò cổ đông lớn và có quyền phủ quyết tại đại hội, đề nghị của SCIC đã được SSC thông qua.

So với trước đây, tuy vẫn còn một số công ty phải tổ chức họp đại hội đồng lần hai, lần ba vì số cổ đông tham dự không đủ 65%, nhưng cổ đông thiểu số đang thể hiện vai trò đóng góp ý kiến, phản biện, chất vấn tích cực hơn ở mùa đại hội năm nay.

Tuy nhiên không phải ở cuộc họp nào cổ đông bên ngoài cũng giành ưu thế. Ở những đơn vị niêm yết mà vốn nhà nước còn chiếm từ 51% trở lên, các kế hoạch kinh doanh năm 2010, chia thưởng phát hành cổ phiếu... đều do cổ đông nhà nước quyết định. Dù cổ đông bên ngoài phản đối, họ cũng không sở hữu đủ tỷ lệ cổ phiếu để bảo vệ ý kiến của mình.

Cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM - HOSE) là một thí dụ. DPM đặt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, cổ tức năm nay thấp hơn hẳn năm ngoái. Năm nay kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trước thuế, cổ tức của tổng công ty tương ứng là 5.646 và 1.007 tỉ đồng và 13% so với mức thực hiện 6.830 và 1.520 tỉ đồng và 20% năm 2009.

Việc lợi nhuận giảm tới 33,8% đã khiến cổ đông nhỏ lẻ không hài lòng. Họ lập luận chỉ tiêu như vậy là khiêm tốn, không phản ánh đúng năng lực doanh nghiệp. Và họ có lý bởi quý 1/2010 doanh thu của DPM đã đạt 1.600 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 400 tỉ đồng.

Ngoài ra, những chất vấn của cổ đông thiểu số về hiệu quả kinh doanh nhập khẩu phân bón cũng không được trả lời thỏa đáng. Tổng công ty giải thích do là doanh nghiệp đầu ngành, DPM nhập phân bón chủ yếu để bình ổn giá thị trường, chứ không đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Năm 2008 nhập khẩu phân khiến DPM lỗ, còn năm ngoái cũng chỉ lãi rất ít, chưa đầy 50 tỉ đồng.

Song bức xúc của cổ đông cũng chỉ để cho có, không thể thay đổi các chỉ tiêu đề ra vì Petro Vietnam vẫn đang nắm giữ 60% cổ phần DPM và giữ quyền quyết định khi bỏ phiếu.

Năm nay không có nhiều công ty niêm yết đưa ra kế hoạch lợi nhuận đột biến so với năm trước. Ngay cả các công ty bất động sản, vốn được xem là đầu tàu về tăng trưởng lợi nhuận, cũng tỏ ra thận trọng khi công bố chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức.

Kết quả kinh doanh quý 1/2010 của một số công ty đã hé mở thấy lợi nhuận chỉ bằng 20-25% kế hoạch năm. Cổ đông nói chung không thỏa mãn với kết quả đó, nhưng phỏng đoán như một nhà đầu tư, có thể các doanh nghiệp chưa muốn hạch toán hết lợi nhuận vào quý 1 vì còn được giãn thời hạn nộp thuế.

So với trước đây, tuy vẫn còn một số công ty phải tổ chức họp đại hội đồng lần hai, lần ba vì số cổ đông tham dự không đủ 65%, nhưng cổ đông thiểu số đang thể hiện vai trò đóng góp ý kiến, phản biện, chất vấn tích cực hơn ở mùa đại hội năm nay.

Lưu Hảo (TBKTSG)