10:24 29/09/2007

Có hạn chế quyền nhập khẩu theo cam kết WTO?

Lưu Tiến Dũng

Bài viết đóng góp ý kiến cho việc triển khai cam kết về quyền nhập khẩu của nhà đầu tư nước ngoài

Theo cam kết WTO, mọi cá nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài sẽ được tự do lựa chọn (các) nhà phân phối để tiến hành phân phối (các) sản phẩm nhập khẩu liên quan trong phạm vi lãnh thổ hải quan của Việt Nam.
Theo cam kết WTO, mọi cá nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài sẽ được tự do lựa chọn (các) nhà phân phối để tiến hành phân phối (các) sản phẩm nhập khẩu liên quan trong phạm vi lãnh thổ hải quan của Việt Nam.
Quyền nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là bước tiến đáng kể cho sự mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không kém là việc triển khai thực thi các cam kết đó như thế nào khi ban hành, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật trong nước.

Bài viết này không nhằm mục đích nào khác ngoài việc đóng góp ý kiến mang tính xây dựng cho việc triển khai cam kết về quyền nhập khẩu của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là ý kiến riêng của tác giả, không nhằm phản ánh hoặc liên quan đến quan điểm của Văn phòng Luật sư YKVN cũng như của bất kỳ cá nhân và tổ chức nào khác.

Về quyền nhập khẩu của cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi chung là nhà đầu tư nước ngoài) theo cam kết của Việt Nam gia nhập WTO tại Điều 147 Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO thì mọi cá nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký tiến hành các hoạt động nhập khẩu sẽ được tự do lựa chọn (các) nhà phân phối để tiến hành phân phối (các) sản phẩm nhập khẩu liên quan trong phạm vi lãnh thổ hải quan của Việt Nam.

Việt Nam sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với việc lựa chọn (các) nhà phân phối. Cam kết này nhằm mục đích bảo đảm quyền nhập khẩu của nhà đầu tư nước ngoài đồng thời cũng bảo hộ các nhà phân phối trong nước theo lộ trình đã cam kết.

Văn bản pháp lý trong nước triển khai cam kết WTO

Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định số 90/2007/NĐ-CP ngày 31/5/2007 quy định về quyền xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiển diện tại Việt Nam là hai văn bản pháp lý đầu tiên triển khai thực hiện cam kết nêu trên. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài có quyền nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam.

Và cũng theo các quy định này thì quyền nhập khẩu của nhà đầu tư nước ngoài không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác.

Tuy nhiên, cũng theo Nghị định 23 nêu trên thì phân phối không chỉ bao gồm hoạt động bán lẻ và đại lý mà còn bao gồm cả hoạt động bán buôn. Vậy ngay trong Nghị định này cũng đã có một quy định có phần mâu thuẫn, đó là việc nhà đầu tư nước ngoài nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam và bán lại cho nhà phân phối ở Việt Nam có được coi là hoạt động bán buôn hay không?

Bán buôn, cũng theo quy định tại Nghị định 23, được hiểu là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân, tổ chức khác mà không phải là bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Và như vậy, nhà đầu tư nước ngoài nhập hàng hóa vào Việt Nam và bán lại cho thương nhân khác, theo các quy định nêu trên, thì về thực chất hoạt động đó cũng được coi là việc bán buôn và cũng “tham gia hệ thống phân phối” hàng hóa tại Việt Nam (?).

Vấn đề mà Việt Nam quan tâm là vậy thì quản lý việc bán lại hàng hóa nhập khẩu như thế nào để vẫn bảo hộ hoạt động phân phối của các nhà phân phối Việt Nam?

Giải quyết vấn đề không đơn giản này, Việt Nam đã chọn phương án chỉ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài bán lại hàng hóa đã nhập khẩu cho một thương nhân có quyền phân phối.

Cụ thể, Thông tư của Bộ Thương mại số 09/2007/TT-BTM ngày 17/7/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 23 nêu trên thì chỉ cho phép những nhà nhập khẩu đó bán mỗi nhóm hàng nhập khẩu cho một thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối nhóm hàng đó. Thông tư cũng quy định rằng nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký thương nhân đó với cơ quan cấp phép có thẩm quyền của Việt Nam.

Liệu có hạn chế quyền nhập khẩu theo cam kết WTO?

Quy định trên của Thông tư đã gây sự chú ý và có phần băn khoăn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài vì họ cho rằng quy định như Thông tư 09 đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ và không đúng với tinh thần cam kết WTO mà báo chí và một số diễn đàn đầu tư đã đề cập khá nóng hổi trong thời gian gần đây. Trong phạm vi bài viết này xin nêu và trao đổi một số vần đề pháp lý của quy định nói trên tại Thông tư 09:

Thứ nhất, về sự phù hợp và tương thích của Thông tư 09 với Nghị định 23 và cam kết WTO. Cam kết WTO và Nghị định 23 không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài chỉ được bán lại hàng nhập khẩu cho một nhà phân phối.

Do đó, vấn đề đặt ra là liệu Thông tư 09 có thể hiện đúng tinh thần của Nghị định 23 cũng như cam kết WTO hay không khi cam kết WTO và Nghị định 23 không hạn chế việc bán hàng nhập khẩu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ cho một nhà phân phối và không yêu cầu phải đăng ký nhà phân phối.

Ở đây, lại một lần nữa vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng như công chúng đã và đang tiếp tục băn khoăn là hệ thống pháp luật của chúng ta có bảo đảm tính pháp chế hay không, hay nói cách khác là liệu nguyên tắc văn bản pháp luật “cấp dưới” phải phù hợp, thống nhất và không trái với văn bản “cấp trên” có được bảo đảm?

Mặt khác, theo cam kết WTO được trích dẫn ở phần trên thì các nhà đầu tư nước ngoài “đã đăng ký tiến hành các hoạt động nhập khẩu sẽ được tự do lựa chọn (các) nhà phân phối để tiến hành phân phối (các) sản phẩm nhập khẩu liên quan...”. Điều này có nghĩa việc đăng ký tiến hành các hoạt động nhập khẩu sẽ được thực hiện trước việc lựa chọn nhà phân phối.

Thông tư 09 nêu trên không quy định cụ thể thời điểm đăng ký thương nhân phân phối đó với cơ quan cấp phép được thực hiện khi nào: khi xin phép quyền nhập khẩu? hay trước khi bán hàng đã nhập khẩu cho nhà phân phối? Nếu hiểu theo nghĩa phải đăng ký nhà phân phối trước khi được cấp phép nhập khẩu thì điều đó sẽ không đúng với tinh thần cam kết WTO nêu trên.

Còn nếu hiểu theo nghĩa thứ hai là việc đăng ký thương nhân có quyền phân phối đó có thể được thực hiện sau khi đã nhập khẩu nhưng trước khi bán cho nhà phân phối thì liệu điều này có cản trở hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài hay không bởi lẽ có thể xảy ra trường hợp việc xin đăng ký đó bị từ chối và khi đó sẽ giải quyết hàng nhập khẩu như thế nào?

Thứ hai, về sự bảo đảm nguyên tắc tự do hợp đồng. Điều 4 Bộ luật Dân sự 2005 quy định quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập, quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Điều 11 Luật Thương mại cũng quy định rằng các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại, và Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.

Như vậy, giới hạn duy nhất mà luật pháp quy định trong bán hàng hóa nhập khẩu của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là họ chỉ có thể bán lại hàng đó cho thương nhân có quyền phân phối tại Việt Nam. Nghĩa là họ có quyền tự do lựa chọn, đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa nhập khẩu cho bất kỳ một hoặc các thương nhân nào có quyền phân phối hàng hóa đó ở Việt Nam.

Việc quy định chỉ cho phép lựa chọn một thương nhân để bán hàng nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến việc thực thi nguyên tắc tự do hợp đồng. Bởi theo quy định của Thông tư 09 nêu trên thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải lựa chọn duy nhất một thương nhân mà mình sẽ bán mỗi nhóm hàng nhập khẩu và đăng ký thương nhân đó với cơ quan cấp phép có thẩm quyền. Điều này có nghĩa, sau khi đăng ký thương nhân đó với cơ quan cấp phép, nhà nhập khẩu đã không còn sự tự do đàm phán ký kết hợp đồng với thương nhân đó vì họ không còn sự lựa chọn nào khác.

Nguyên tắc bình đẳng trong giao dịch thương mại cũng có thể bị vi phạm bởi lẽ nhà đầu tư nước ngoài đã ở thế không còn ngang hàng với thương nhân phân phối “độc quyền” trong quá trình ký kết và thực hiện các hợp đồng mua bán cho các lô hàng nhập khẩu tiếp theo khi mà thương nhân phân phối đó nhận rõ rằng “tôi là người duy nhất anh có quyền bán hàng cho tôi”.

Thứ ba, về việc bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Việc chỉ có một nhà phân phối được quyền mua hàng nhập khẩu của nhà đầu tư nước ngoài có nghĩa đã “cấm” các nhà phân phối khác tiếp cận với mặt hàng đó. Và điều này rất có thể tạo sự độc quyền trong phân phối hàng hóa và có tác động trực tiếp đến cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn người tiêu dùng trong nước.

Có thể dễ dàng nhận thấy khả năng nhà phân phối duy nhất đó có thể độc quyền áp đặt giá ở mức cao làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng hóa ở thị trường, và quan trọng là sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng khi họ không có sự lựa chọn và tiếp cận hàng hóa với giá cạnh tranh.

Thứ tư, về bảo đảm quyền tự do nhập khẩu về số lượng hàng hóa. Với quy định chỉ có một nhà phân phối cho nhóm hàng nhập khẩu thì số lượng hàng nhập khẩu phụ thuộc và khả năng phân phối hoặc ý muốn của nhà phân phối đó, mặc dù có thể sức tiêu thụ của thị trường trong nước cao hơn nhiều và nhà đầu tư cũng có khả năng nhập khẩu nhiều hơn.

Thay lời kết

Với kinh nghiệm thực tế của mình, tác giả đã được chứng kiến sự quan tâm rất lớn và nghiêm túc của các nhà đầu tư nước ngoài vào việc Việt Nam triển khai thực hiện cam kết WTO.

Phải thừa nhận rằng những cam kết súc tích đó không dễ gì có thể hiểu một cách thống nhất và lại càng không đơn giản khi triển khai việc thể chế chúng thông qua các văn bản pháp luật cụ thể. Chỉ có một điều khó có thể phủ nhận được là môi trường đầu tư của Việt Nam có tiếp tục hấp dẫn và cạnh tranh như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi các cam kết quốc tế của chúng ta.

Nhưng điều quan trọng hơn cả, có lẽ là vì một nền pháp quyền chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để bảo đảm thực thi nguyên tắc quan trọng về trật tự hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật và nghiêm chỉnh thực hiện cam kết quốc tế.