06:00 10/09/2012

Có hay không “hội bán khống cổ phiếu”?

Hoàng Lộc

Bán khống chứng khoán được thực hiện tại Việt Nam dưới phương thức nào?

Thực tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giao dịch bán khống hầu hết là giao dịch ngầm, rất khó kiểm soát - Ảnh minh họa.
Thực tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giao dịch bán khống hầu hết là giao dịch ngầm, rất khó kiểm soát - Ảnh minh họa.
Ngày 7/9/2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo sẽ chuyển cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự những hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đặc biệt là hành vi bán khống. Vậy bán khống chứng khoán được thực hiện tại Việt Nam dưới phương thức nào?

Trong công văn của Ủy ban Chứng khoán gửi các tổ chức kinh doanh chứng khoán và các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát (ngày 7/9/2012) về việc chấn chỉnh các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu tổ chức kinh doanh chứng khoán (công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán) không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán (bán khống)...

Ủy ban Chứng khoán cũng khuyến cáo nhà đầu tư không vay và cho vay chứng khoán để bán do các hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây thất thoát tài sản của mình và dẫn tới các tranh chấp về tài sản.

Bán khống chứng khoán không dễ dàng

Bán khống trong giao dịch chứng khoán là bán một loại chứng khoán mà người bán không còn sở hữu tại thời điểm bán, do đó, người bán khống phải vay mượn chứng khoán của người khác, của các công ty quản lý quỹ hay công ty chứng khoán để bán.

Trên thực tế, người vay mượn chứng khoán để bán khống không thể đặt lệnh bán trực tiếp mà phải nhờ người cho vay bán dùm bởi sở hữu chứng khoán vẫn là người đang cho vay. Khi nhà đầu tư dự đoán rằng, trong tương lai giá cổ phiếu sẽ hạ, họ sẽ thực hiện bán khống, tức là đi vay cổ phiếu để bán.

Sau khi giá hạ, họ sẽ mua cổ phiếu đó trên thị trường để trả lại người cho vay và hưởng khoản chênh lệch giá, còn người cho vay được hưởng phí và lãi cho vay.

Nhưng nếu giá cổ phiếu bán khống trên thị trường không hạ như dự đoán mà lại tăng lên, nhà đầu tư vẫn phải mua cổ phiếu đó để trả và chấp nhận một khoản lỗ.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư cá nhân thường bị nhầm lẫn giữa bán khống và giao dịch ký quỹ (margin trading). Giao dịch ký quỹ là việc nhà đầu tư mua cổ phiếu có sử dụng hạn mức tín dụng do công ty chứng khoán cho vay, được đảm bảo bằng khoản ứng trước bằng tiền hoặc thế chấp bằng chính cổ phiếu được mua. Vì vậy, thông thường những nhà đầu tư nào dự đoán giá tăng sẽ thực hiện giao dịch ký quỹ.

Thực tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giao dịch bán khống hầu hết là giao dịch ngầm (bởi vì với công nghệ mới của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, nhà đầu tư không thể nào đặt lệnh bán mà trong tài khoản của họ không có chứng khoán), rất khó kiểm soát.

Do đó, trên thị trường chứng khoán hiện nay, bán khống hầu hết được thực hiện thông qua các nhà đầu tư cá nhân vay mượn chứng khoán của nhau để bán thông qua một hợp đồng vay mượn dân sự hay “hợp đồng miệng” nếu thật sự thân thiết và tin tưởng lẫn nhau, do đó, không có cách nào ngăn cấm được.

Theo pháp luật, nhà đầu tư có toàn quyền quyết định với tài sản của mình, có thể bán để kiếm lời hoặc cho vay rồi bán hộ cho người khác để hưởng phí và lãi. Các tổ chức đầu tư, quỹ đầu tư và công ty chứng khoán làm ăn bài bản khó có thể chấp nhận cho vay mượn chứng khoán với khối lượng lớn.

Lập “hội” để bán khống?

Trong đợt hoảng loạn của thị trường chứng khoán tuần cuối tháng 8 vừa qua, một số nhà đầu tư lâu năm, có kinh nghiệm cho rằng, hoạt động đầu cơ không chính thức hay “hội đánh xuống” đã cho vay chứng khoán lẫn nhau để giao dịch, nhất là những cổ phiếu ngân hàng. Họ đã làm được một việc “long trời” trong 3 ngày vào cuối tháng 8 là tạo nên cơn lốc “bầy đàn” bán tháo ồ ạt trên toàn thị trường kể cả những cổ phiếu đang “hot” hay chẳng liên quan gì đến sự kiện “Bầu” Kiên và ông Lý Xuân Hải bị bắt tạm giam.

Một nhà đầu tư cá nhân “bật mí”, những người cho vay cổ phiếu trong đợt khủng hoảng vừa qua là những thành viên trong “hội đánh xuống”, họ có tiềm lực tài chính mạnh, nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu lớn, nhất là cổ phiếu ngân hàng, nhưng không thể trực tiếp bán ra để “đánh xuống” vì họ là những cổ đông nội bộ và những người có liên quan, muốn bán phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và phải công bố thông tin giao dịch.

Do đó, họ đã vay của những “đại gia” khác, thành viên trong “Hội” chưa có nhu cầu bán và nhờ những người này đặt lệnh bán ra trên tài khoản của họ.   

Ngoài những chứng khoán được bán khống nêu trên, còn những vụ thuộc loại “ăn cắp” cổ phiếu, khi khối tự doanh công ty chứng khoán “lấy trộm” cổ phiếu của khách hàng để bán đi, sau đó mua lại. Rất nhiều nhà đầu tư không sao kê tài khoản thường xuyên, hoặc nhà đầu tư không giao dịch nhiều có thể bị lợi dụng. Hệ thống lưu ký mới giám sát đến từng tài khoản là nhằm mục đích hạn chế hiện tượng này.

Trong năm 2012, không ít nhân viên môi giới thuộc công ty chứng khoán tự đứng ra làm trung gian ghép nối giữa người có chứng khoán không cần bán với người cần vay mượn chứng khoán để bán khống và kiếm được tiền hoa hồng môi giới.

Các công ty chứng khoán thường không đứng ra đảm bảo tín nhiệm cho các hoạt động vay mượn chứng khoán giữa các cá nhân vì có nhiều rủi ro vì những hợp đồng dạng này chủ yếu là thỏa thuận dân sự, rất khó giải quyết khi phát sinh kiện tụng.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)