18:42 06/03/2008

Cơ hội thâu tóm trong cơn “bĩ cực”

Duy Cường

Một vấn đề đang được quan tâm là những ai đã mua cổ phiếu khi thị truờng giảm, và những hệ lụy nào từ việc đó?

Dù thị trường lên hay xuống, lợi ích có lẽ sẽ vẫn thuộc về những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư lâu dài, cũng như tỉnh táo nhận ra giá trị thực của cổ phiếu trong mọi hoàn cảnh - Ảnh: Việt Tuấn.
Dù thị trường lên hay xuống, lợi ích có lẽ sẽ vẫn thuộc về những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư lâu dài, cũng như tỉnh táo nhận ra giá trị thực của cổ phiếu trong mọi hoàn cảnh - Ảnh: Việt Tuấn.
Chứng khoán phiên hôm nay (6/3) đã đảo chiều, như dự tính của nhiều nhà đầu tư.

Đến thời điểm này, một vấn đề đang được quan tâm là những ai đã mua cổ phiếu khi thị truờng giảm, và những hệ lụy nào từ việc đó?

Còn nhớ trong những ngày qua, khi thị trường “cắm mặt” lao dốc, khối lượng giao dịch đã tăng vọt. Liên quan đến điều này, dù khối đầu tư nước ngoài mua nhiều hơn bán (theo thống kê thị trường), nhưng trong thực tế, rất có thể khối lượng mua của họ còn lớn hơn.

Một ví dụ minh họa: luật của Việt Nam không cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, nhưng thực tế nếu thông qua người Việt Nam đứng tên, họ vẫn gián tiếp mua được nhà.

Tương tự, nếu các nhà đầu tư nước ngoài cũng thông qua người Việt Nam mở tài khoản thì việc mua cổ phiếu của họ sẽ không có trong thống kê thị trường của khối ngoại. Nhưng khi thị trường đi lên, giả sử nếu họ muốn hợp thức hoá việc sở hữu số cổ phiếu đó và thậm chí nếu muốn sở hữu trên 25% cổ phần của một công ty XYZ nào đó, thì vấn đề chỉ còn nằm ở thủ tục hành chính và những lần “giao dịch thoả thuận” với những người họ nhờ đứng tên.

Điều này đang đặt ra một khả năng mà nhiều công ty có thể sẽ gặp phải. Khi các cổ đông “bán tháo” cổ phiếu của công ty ra thị trường, vào một ngày đẹp trời nào đó, một cổ đông lớn hoặc một nhóm cổ đông lớn sẽ “bất ngờ” xuất hiện, với khả năng tác động đến hoạt động điều hành của công ty, hoặc thm chí là tìm cách “thôn tính” luôn công ty này.

Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) ở Việt Nam những năm qua ở Việt Nam đã diễn ra mạnh mẽ. Năm 2006, có 46 vụ mua bán, sát nhập doanh nghiệp với giá trị 626 triệu USD, trong đó 30 vụ có vốn của nước ngoài.

Các quỹ đầu tư nước ngoài luôn luôn dành một phần vốn cho hoạt động này. Họ có thể thành lập một quỹ đầu tư tư nhân (private equity) huy động vốn để đầu tư vào các công ty với mục đích tham ra góp vốn và cùng tham ra hoạt động quản trị doanh nghiệp. Thông thường thì họ sẽ mua những công ty có hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, nhưng nhìn thấy tiềm năng của công ty, họ sẽ mua lại, sau đó đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và đưa công ty phát triển. Như vậy giá trị của công ty sẽ tăng lên.

Và trong thời gian thị trường đi xuống vừa qua, rất có thể một phần vốn từ các quỹ này đã được rót vào thị trường chứng khoán, bởi lẽ, đây là cơ hội rất tốt để các quỹ mua được lượng cổ phần của những công ty làm ăn hiệu quả, với mức giá hời.

Dù thị trường lên hay xuống, lợi ích có lẽ sẽ vẫn thuộc về những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư lâu dài, cũng như tỉnh táo nhận ra giá trị thực của cổ phiếu trong mọi hoàn cảnh.