13:29 05/03/2012

Cơ hội vẫn mở sau phân nhóm tín dụng

Thu Hằng

Việc phân nhóm chỉ tiêu tín dụng sẽ tạo áp lực và động lực để các ngân hàng tập trung hơn nữa cho chất lượng hoạt động

Nếu nâng cao hơn chất lượng hoạt động, cơ hội thăng hạng tín dụng sẽ mở ra ở kỳ xét lại sau 6 tháng thực hiện.
Nếu nâng cao hơn chất lượng hoạt động, cơ hội thăng hạng tín dụng sẽ mở ra ở kỳ xét lại sau 6 tháng thực hiện.
Việc phân nhóm giao chỉ tiêu tín dụng sẽ tạo áp lực và động lực để các ngân hàng thương mại tập trung hơn nữa cho chất lượng hoạt động.

Đến thời điểm này, danh sách các ngân hàng thuộc nhóm 1, 2 theo cơ chế phân nhóm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã rõ ràng. Techcombank, ACB, Eximbank , MB, Sacombank, SeABank… đã công bố mức tăng trưởng tín dụng 17%. Một số ngân hàng khác như NamABank, DaiABank, OceanBank, KienLong Bank, DongA Bank… thông báo mức tăng là 15%.

Trong nhóm 3 ứng với chỉ tiêu 8% hiện mới chỉ Habubank công bố. Nhóm 4 không được tăng trưởng và thị trường cũng đã định hình theo phép loại suy…

Theo Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước, sau 6 tháng thực hiện, cơ quan này sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng phù hợp với diễn biến tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ. Cửa với nhóm 3 và nhóm 4 theo đó là vẫn mở. Cơ chế mở đó tạo động lực để họ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động nhằm cải thiện vị trí của mình trong phân nhóm.

Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước xem xét chất lượng từng ngân hàng để giao. Tiêu chí phân loại nhóm các ngân hàng căn cứ theo quy mô vốn, chất lượng tài sản Nợ - Có, năng lực quản trị điều hành, chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro, năng lực của người đứng đầu tổ chức tín dụng, việc tuân thủ các quy định trong quá trình hoạt động…

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính độc lập, chính sách giao chỉ tiêu như vậy của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần hạn chế vấn đề tăng trưởng tín dụng nóng dẫn đến căng thẳng thanh khoản trong thời gian qua. Những tiêu chí để phân loại như vậy khá sát với thông lệ quốc tế. Trên thế giới, đa số các nước thường căn cứ vào các tiêu chí vốn, tài sản, quản lý, lợi nhuận, thanh khoản và độ nhạy cảm với các rủi ro thị trường để xếp loại.

Và sự phân nhóm này tạo ra một sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, qua vị trí đã được phân nhóm. Các ngân hàng sẽ phải tập trung đến việc quản lý thanh khoản, quản trị rủi ro, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, kiềm chế nợ xấu… để có chất lượng hoạt động tốt nhất, để củng cố vị trí nếu đã tốt và cải thiện nếu chưa tốt. Cơ hội lúc này là những nỗ lực sau 6 tháng đầu năm 2012 để được xem xét lại.

Được xếp vào nhóm 2, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) nhìn nhận: “Trước dự đoán thị trường năm 2012 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Ban điều hành OceanBank đề ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng một cách vừa phải, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng và năng lực quản trị hệ thống. Và Ngân hàng Nhà nước giao mức tăng trưởng tín dụng 15% là hợp lý, phù hợp với kế hoạch OceanBank đặt ra ngay khi kết thúc năm tài chính 2011”.

Ông Hoàn cũng cho biết, chỉ tiêu được giao là phù hợp, nhưng nỗ lực lúc này đối với OceanBank là tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của mình để có thể đạt được chỉ tiêu tối đa.

Trong động lực và nỗ lực đó, yêu cầu đầu tiên cần tập trung xử lý là quản trị thanh khoản. Một trong những nguyên nhân chính khiến thanh khoản trở nên căng thẳng những năm gần đây là từ tăng trưởng tín dụng quá nóng trong khi nguồn vốn huy động khan hiếm. Có những ngân hàng sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn, dư nợ cho vay tập trung vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… không tuân thủ quy trình phê duyệt tín dụng và quản lý sau cho vay của ngân hàng.

Thứ hai, để củng cố hoặc cải thiện vị trí xếp loại tăng trưởng tín dụng, ngân hàng phải đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước (9%).

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, ngoài việc nâng cao chất lượng tín dụng và dịch vụ đối với khách hàng, các ngân hàng cần củng cố hệ số an toàn vốn (CAR) và coi đó là tiêu chí quan trọng trong hoạt động chung của ngân hàng.

Tại OceanBank, hệ số an toàn vốn ở mức 12%, cao hơn so với quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và đáp ứng theo thông lệ nhiều nước trên thế giới áp dụng Basel II. Hiện tại, vốn chủ sở hữu của ngân hàng này cũng đạt trên 4.800 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2011, tổng tài sản của ngân hàng đạt 62.880 tỷ đồng, huy động đạt 57.378 tỷ đồng, trong đó 80% là huy động từ thị trường 1, tổng dư nợ cấp tín dụng là 25.850 tỷ đồng (mức dư nợ này chỉ chiếm hơn 50% mức huy động từ thị trường 1), tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất là 15,61%, tỷ lệ nợ xấu 2,08% trên tổng dư nợ.

Với cơ sở đó, OceanBank đang tính tới cơ hội được lên nhóm 1 sau 6 tháng thực hiện chỉ tiêu. Tất nhiên, ngân hàng này phải tạo được những thay đổi tốt hơn nữa để cụ thể hóa cơ hội.

Ông Hoàn cho biết, lúc này định hướng đang đặt ra là tập trung xử lý chất lượng tín dụng, nắn dòng vốn vào những lĩnh vực hiệu quả và lựa chọn các ngành nghề được Chính phủ khuyến khích như nông nghiệp, sản xuất, xuất khẩu để đẩy mạnh cho vay. Và quan trọng hơn là tiếp tục tăng cường năng lực tài chính để mạnh hơn.

Một nguồn tin cho biết, OceanBank sẽ có thêm cổ đông chiến lược là một ngân hàng châu Âu. Yếu tố này sẽ giúp nâng cao năng lực vốn cũng như có thêm sự đồng hành trong quản trị và phát triển kinh doanh. Ngân hàng này cũng đang triển khai dự án nâng cao toàn diện hình ảnh ngân hàng, bao gồm thương hiệu, sản phẩm, quy trình, chất lượng nguồn nhân lực… với các chuyên gia tư vấn tại Anh quốc.

Và không chỉ OceanBank, có lẽ lúc này nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang đặt ra mục tiêu nâng cao hơn vị trí của mình trong kết quả phân nhóm trong kỳ xét lại sau 6 tháng thực hiện.