09:24 19/08/2008

Có nên tiếp tục theo đuổi lãi suất thực dương?

Nguyễn Hoài

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định về tình hình lãi suất tại Việt Nam

"Các ngân hàng cũng muốn hạ lãi suất nhưng vì giữa họ thiếu sự “đồng thuận” nên tình trạng tăng lãi suất để giữ khách hàng vẫn tiếp diễn. Một khi không hạ được lãi suất đầu vào thì làm sao hạ được lãi suất đầu ra?" - Ảnh: Việt Tuấn.
"Các ngân hàng cũng muốn hạ lãi suất nhưng vì giữa họ thiếu sự “đồng thuận” nên tình trạng tăng lãi suất để giữ khách hàng vẫn tiếp diễn. Một khi không hạ được lãi suất đầu vào thì làm sao hạ được lãi suất đầu ra?" - Ảnh: Việt Tuấn.
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định về tình hình lãi suất tại Việt Nam

Thưa bà, theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cộng đồng này đang gặp khó khăn về vốn và nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có động thái gì tháo gỡ khó khăn này?

Điều này đã được Hiệp hội dự báo từ đầu 2008 và đúng như vậy, đến giờ chúng ta phải trả giá. Từ đầu năm, Chính phủ đã có kêu gọi chia sẻ khó khăn chung để đạt mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát, đồng thời vẫn đảm bảo tăng trưởng và an sinh xã hội.

Đây là chủ trương hết sức toàn diện nhưng trên thực tế thì chúng ta lại nhấn mạnh vào quan điểm “lạm phát thì lãi suất phải thực dương” và bỏ quên vấn đề phải chia sẻ.

Thực ra, quan điểm lãi suất thực dương mới chỉ đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền và ít đả động đến yếu tố đầu ra. Trong nhiều trường hợp và hoàn cảnh, đầu ra lại còn quan trọng hơn đầu vào, bởi lẽ: đầu ra sẽ giúp cho các doanh nghiệp tồn tại, vượt qua được thời điểm khó khăn.

Việc cân nhắc đầu ra ở đây, được hiểu theo nghĩa: Nhà nước, doanh nghiệp, người gửi tiền, ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được vốn ngân hàng và họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, nhờ đó mà hàng triệu lao động có việc làm.
 
Có ý kiến rằng, muốn để doanh nghiệp tiếp cận được sâu hơn với nguồn vốn từ ngân hàng thì sắp tới, Ngân hàng Nhà nước nên hạ lãi suất cơ bản xuống dưới 14%/năm. Quan điểm của bà như thế nào?

Điều này không hẳn đúng. Hiện tại lãi suất cơ bản đang là 14%/năm, các ngân hàng thương mại được phép cho vay 21%/năm, với khoảng rộng 7%, các ngân hàng thương mại thừa sức thực hiện không chạm “sàn” và cũng không chạm “đỉnh” nếu các bên đều thống nhất chia sẻ, họ sẽ hoạt động trong khuôn khổ đó.

Và lỗi này không thuộc về Ngân hàng Nhà nước. Ngay cả Hiệp hội Ngân hàng cũng đã phát động phong trào “đồng thuận”, lãi suất huy động thấp hơn một chút, người gửi tiền chịu thiệt một chút, bù lại, ngân hàng cũng thu lợi nhuận bớt đi để doanh nghiệp vay vốn dễ tiếp cận hơn với vốn vay nhưng vì cứ làm theo “thực dương” thì phải chịu thôi. Cái gì cũng có tính hai mặt của nó.

Theo bà, điều gì sẽ xảy ra khi doanh nghiệp phá sản?

Doanh nghiệp phá sản thì mục tiêu an sinh xã hội không đạt được, thất nghiệp gia tăng, ngân sách thất thu thuế, nợ tồn đọng của ngân hàng tăng lên. Phải thấy là trong bất luận một hoàn cảnh nào, sản xuất vẫn phải duy trì bình thường. Chứ nếu chỉ bảo vệ cho người gửi tiền thôi thì làm sao hài hòa được 4 mục tiêu trên?

Hiện tại, các ngân hàng đều phản ánh là nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì thế họ không dám đầu tư vốn vào nhiều. Các ngân hàng cũng muốn hạ lãi suất nhưng vì giữa họ thiếu sự “đồng thuận” nên tình trạng tăng lãi suất để giữ khách hàng vẫn tiếp diễn. Một khi không hạ được lãi suất đầu vào thì làm sao hạ được lãi suất đầu ra?

Chưa kể, người dân gửi tiền cũng chỉ muốn lãi suất “thực dương” và không ít nhà phân tích cũng lại cổ súy cho xu hướng này.
 
Theo bà, để giải quyết bất cập này, nên đi theo hướng nào?

Trong lúc này, quan điểm của tôi là vẫn chia sẻ để đặt lợi ích toàn cục lên trên hết. Người gửi tiền vào ngân hàng nên chịu thiệt một chút, chẳng hạn, lạm phát đang là 19%/năm thì không ngân hàng nào nhận tiền gửi 10%/năm mà chí ít cũng 16%/năm – 17%/năm thì đầu ra cho doanh nghiệp cũng “loanh quanh” 18%/năm.

Điều này không phải là người gửi tiền bị tước toàn bộ lợi ích hay bị chèn ép.

Mỗi bên bớt đi một chút lợi ích thì mọi nhà đều được! Và được lớn nhất là giải quyết được 4 mục tiêu: thất nghiệp ít, nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng, ngân sách vẫn thu được thuế và ngân hàng không bị đổ vỡ.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, sự đổ vỡ của một số doanh nghiệp hiện nay là do sự đánh đổi của chính sách thắt chặt tiền tệ. Bà nghĩ sao về điều này?

Nhìn sâu hơn, đó hoàn toàn chưa hẳn do sự đánh đổi của chính sách thắt chặt tiền tệ mà là do sự đánh đổi của quan điểm “lãi suất thực dương”.

Với biên độ từ 14% đến 21% thì không phải do chuyện thắt chặt mà do không chịu chia sẻ. Ngay cả việc khống chế tổng mức tăng trưởng dư nợ trong toàn hệ thống 30% cũng không hẳn là thắt chặt. Bởi vì, Ngân hàng Nhà nước điều hành “con số 30%” một cách rất linh hoạt. Không phải khống chế mọi ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng đều ở mức 30%.

Thực tế, những nhu cầu nào lành mạnh mà nền kinh tế đòi hỏi và đáp ứng được như xuất khẩu, phát triển nông nghiệp, sản xuất kinh doanh mà trả được nợ là vẫn đầu tư, chứ hoàn toàn không phải thắt lại và không cho vay.
 
Cũng có một ý kiến khác, sở dĩ ngân hàng thương mại không hạ được lãi suất cho vay là do quy mô vốn nhỏ và tỷ lệ vốn trung và dài hạn thấp nên không thể hạ được lãi suất. Điều này được hiểu như thế nào?

Đó hoàn toàn là suy diễn. Năm 2007, hầu hết ngân hàng thương mại cũng “bé” chứ đã lớn đâu mà dư nợ tín dụng của họ vẫn vượt 200%! Điều này không phụ thuộc vào quy mô. Các ngân hàng đều có phân khúc thị trường của mình: ngân hàng lớn cho vay khách hàng lớn, ngân hàng nhỏ cho vay khách hàng nhỏ và đó là điều bình thường trong kinh doanh ngân hàng.