03:29 21/05/2007

Cổ phần hóa: Nhà nước thất thu hay tận thu?

"Nếu nhìn dưới quan điểm định giá của Nhà nước, thì nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân khi cổ phần hóa đã bị thất thoát lớn"

Các nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần của một doanh nghiệp nhà nước ở Tp.HCM mới đây.
Các nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần của một doanh nghiệp nhà nước ở Tp.HCM mới đây.
Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Tô Hải, Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt chi nhánh Tp.HCM đưa ra những nhận định có thể khác với những suy nghĩ hiện nay về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn với ông Hải để bạn đọc tham khảo.

Mục tiêu cổ phần hóa, thưa ông, có lẽ không còn là vấn đề phải bàn cãi. Theo ông, nhìn lại quá trình cổ phần hóa mười mấy năm qua, có thể rút ra kết luận gì?

Mục tiêu của cổ phần hóa là tạo ra loại hình doanh nghiệp đa sở hữu, sử dụng hiệu quả vốn, tài sản nhà nước, tạo động lực và cơ chế quản lý mới cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư - người lao động. Đây là mục tiêu xuyên suốt trong các nghị định về cổ phần hóa của Chính phủ ban hành từ năm 1992 tới nay.

Trong các mục tiêu của cổ phần hóa, không hề đề cập tới mục tiêu tăng thu cho Nhà nước. Thậm chí số tiền thu được từ cổ phần hóa còn được Nhà nước sử dụng để giải quyết lao động dôi dư, tái đầu tư vào những doanh nghiệp Nhà nước khác.

Song gần đây, sự tập trung quá nhiều vào việc bảo vệ phần vốn nhà nước khiến việc cổ phần hóa bị kéo dài mà không chắc việc tăng thu cho Nhà nước đã có hiệu quả (do việc Nhà nước thu được nhiều hay ít tiền phụ thuộc vào thời điểm bán cổ phần, chứ không phải việc định giá cao, thấp).

Gần đây dư luận nói nhiều đến việc tài sản nhà nước bị thất thoát hay chính xác hơn là Nhà nước lẽ ra phải thu được nhiều tiền hơn từ cổ phần hóa. Ông nghĩ sao?

Cổ phần hóa chỉ mang tính xã hội khi thị trường chứng khoán trở nên sôi động, thu hút được sự quan tâm của công chúng. Nhưng nhìn lại những mục tiêu lớn của cổ phần hóa, thì có vẻ chúng đã bị lu mờ bởi mục tiêu tận thu cho Nhà nước gần đây. Nếu tất cả cổ phần được mang ra bán đấu giá, mọi người đều được tham gia mua và ai trả giá cao nhất, người đó sẽ sở hữu doanh nghiệp thì làm sao tài sản nhà nước thất thoát được?

Có ý kiến, nếu Nhà nước không tận thu, tài sản nhà nước thông qua sự nắm giữ cổ phiếu rơi vào tay một thiểu số người, thì cổ phần hóa khác nào tư nhân hóa.

Cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa. Tuy nhiên kể từ khi Nghị định 187 ngày 16/11/2004 ra đời, thì cổ phần hóa đã rẽ theo một hướng khác. Với quy định cán bộ công nhân viên chỉ được mua cổ phần ưu đãi gắn với năm công tác (người lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho một năm công tác), tỷ lệ cổ phiếu người lao động được mua ưu đãi giảm hẳn.

Một doanh nghiệp lớn như Bảo Việt, mà gần 5.000 cán bộ công nhân viên chỉ được mua ưu đãi 4,76 triệu cổ phiếu, bằng 0,7% vốn điều lệ, trung bình 1.000 cổ phiếu/người.

Hiện các công ty cổ phần hóa của Nhà nước đang ưu đãi cho người lao động còn ít hơn các doanh nghiệp cổ phần (đa số các công ty cổ phần sử dụng tới 5% vốn điều lệ để bán ưu đãi cho người lao động). Số cổ phiếu còn lại, trừ phần Nhà nước nắm giữ và bán cho cổ đông chiến lược, được mang ra đấu giá cho người trả giá cao.

Chính điều này đã khuyến khích tình trạng mua lại doanh nghiệp theo kiểu mua đứt (take over), biến doanh nghiệp thành tài sản của một nhóm cá nhân hay tổ chức. Đây thực chất là tư nhân hóa. Điều này đã được cảnh báo trước khi chúng ta đặt nặng vấn đề tránh làm thất thoát tài sản nhà nước lên trên hết và để cho cổ phần hóa diễn ra hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Trước đây cổ phần hóa không đặt trọng tâm vào vấn đề tận thu cho Nhà nước, vì khi đó cổ phần hóa toàn doanh nghiệp nhỏ. Còn bây giờ cổ phần hóa cả doanh nghiệp lớn, và còn kèm thêm mục tiêu huy động vốn cho doanh nghiệp?

Nghị định 187 chỉ rõ một trong các hình thức cổ phần hóa là giữ nguyên phần vốn nhà nước và phát hành thêm, phần thặng dư dôi ra trong quá trình phát hành phải trả về cho Nhà nước. Đây là một quy định đi ngược với thông lệ quốc tế.

Ngay cả ở Trung Quốc, phần thặng dư này cũng được giữ lại cho doanh nghiệp. Ngay cả các công ty tư nhân Việt Nam, việc huy động vốn lần đầu họ cũng để lại cho doanh nghiệp, chủ công ty không thu về cho mình.

Quy định này dẫn đến tâm lý chung của các doanh nghiệp là không muốn huy động vốn trong quá trình cổ phần hóa. Họ thường chờ tới giai đoạn sau cổ phần hóa, khi thặng dư được giữ lại cho công ty cổ phần.

Nghĩa là cần phải ngưng việc trả thặng dư từ phát hành cổ phiếu qua đấu giá về cho Nhà nước? Như thế có thực sự hợp lý không?

Cần chấm dứt tình trạng doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu, nhưng phần thặng dư lại trả về cho Nhà nước. Nếu Nhà nước tiếp tục thực hiện hình thức này thì sẽ khuyến khích các công ty cổ phần làm tương tự.

Họ sẽ lý luận rằng nếu Nhà nước làm vậy, các công ty cổ phần cũng có quyền làm vậy và dẫn tới việc các công ty niêm yết có thể huy động vốn, lấy thặng dư chia cho cổ đông cũ còn cổ đông mới hoàn toàn không được gì từ thặng dư vốn do chính mình góp vào. Như vậy liệu có hợp lý không?

Ông có cho rằng việc Nhà nước tận thu đang làm chậm tiến trình cổ phần hóa? Hay chậm vẫn là do việc định giá quá phức tạp gây nên?

Về nguyên tắc, việc tất cả cổ phần được mang ra đấu giá làm cho việc định giá không còn mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên khái niệm vốn hóa thị trường còn chưa phổ biến bằng giá trị sổ sách, nên quá trình định giá doanh nghiệp vẫn kéo dài.

Vấn đề ở đây là khi thị trường đã định giá một công ty, chẳng hạn là 5.000 tỉ đồng trong khi giá sổ sách của nó là 500 tỉ đồng. Khi đó giá thị trường của một cổ phiếu sẽ là 100.000 đồng. Nếu ta định giá giá trị sổ sách của công ty là 2.000 tỉ đồng, giá thị trường của nó sẽ là 25.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền Nhà nước thu về từ cổ phần hóa doanh nghiệp không thay đổi.

Việc thất thoát vốn Nhà nước không phải thông qua định giá như người ta vẫn lầm tưởng, mà thất thoát nếu có, thường qua quá trình đấu giá khi thông tin về doanh nghiệp không được công bố đầy đủ.

Để chấm dứt sự tranh cãi quanh quá trình định giá, Nhà nước có thể quy định lại việc định giá một doanh nghiệp (nên áp dụng với các doanh nghiệp lớn) bằng cách định giá doanh nghiệp chứ không định giá tài sản. Đây là cách thế giới đang áp dụng. Các công ty tư nhân hiện cũng không đánh giá lại giá trị tài sản mà chỉ đánh giá giá trị thị trường của doanh nghiệp.

Nếu nhìn dưới quan điểm định giá của Nhà nước, thì nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân khi cổ phần hóa đã bị thất thoát lớn. Ví dụ: Kinh Đô có chủ quyền sử dụng 5 héc ta đất tại Hiệp Bình Phước trị giá cả trăm tỉ đồng (còn có giá trị hơn các doanh nghiệp nhà nước khác khi cổ phần hóa mà đất chỉ là đất đi thuê). Khi cổ phần hóa, Kinh Đô chỉ tính giá trị bằng giá mua ban đầu khoảng 10 tỉ đồng mà có thấy họ kêu thất thoát gì đâu. Toàn bộ tài sản của Kinh Đô chỉ tính bằng giá sổ sách và không định giá lại.

Tuy nhiên, giá trị thị trường của Kinh Đô tại thời điểm phát hành (tại thời điểm phát hành vì giá trị tại thời điểm hiện tại đã khác rồi ) là 1.000 tỉ đồng tương ứng với giá cổ phiếu là 34.000 đồng/cổ phiếu đã phản ánh tất cả giá trị của những tài sản này.

Thưa ông, chúng ta vẫn đang tranh cãi xung quanh giá trị đất vẫn đang nằm ngoài giá trị doanh nghiệp. Vậy thất thoát tài sản nhà nước có xuất phát từ đây?

Kể từ khi có văn bản pháp lý cho phép thí điểm đưa giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp, chúng ta vẫn chưa thực hiện thành công để áp dụng đại trà. Lý do là định giá đất để bán thường kéo dài từ 1-2 năm, trong khi cổ phần hóa thì thời gian là một ưu tiên.

Đa số các doanh nghiệp đều muốn được mua đất, tuy nhiên do không thống nhất được về giá nên doanh nghiệp chọn giải pháp đơn giản là thuê. Vì giá trị đất vẫn chưa tính vào giá trị doanh nghiệp nên có thể nói Nhà nước vẫn đang sở hữu đất đó, doanh nghiệp không sở hữu đất thì làm sao nói tài sản của Nhà nước bị thất thoát được!

Việc doanh nghiệp chỉ được quyền thuê đất đã hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng khi họ có nhu cầu chuyển đổi sau này, nhưng giúp Nhà nước có thể quản lý chặt chẽ đất đai của doanh nghiệp. Đây là điểm mà các nhà đầu tư cần lưu ý.

Ví dụ, như trường hợp của Công ty Intimex vừa qua, mặc dù được ký hợp đồng thuê đất 50 năm nhưng nếu Intimex muốn liên doanh với đơn vị khác hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng thì Intimex vẫn phải đóng tiền mua đất, và giá đất lúc này do UBND thành phố Hà Nội định giá (chứ không có chuyện cho không Intimex để mang đi liên doanh với nước ngoài như một số báo đã đề cập).

Trong trường hợp Nhà nước lấy lại đất, doanh nghiệp sẽ không được đền bù giá trị sử dụng đất mà chỉ được đền bù phần tài sản trên đất. Giá trị vốn nhà nước tại Intimex là 50 tỉ, với giá đấu giá bình quân là 16 lần, giá trị Intimex là 800 tỉ.

800 tỉ cho những miếng đất chỉ có quyền thuê và có thể bị Nhà nước thu lại bất cứ lúc nào nếu Nhà nước thấy sử dụng sai mục đích thì không biết là Nhà nước thiệt hay nhà đầu tư thiệt?

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, chúng ta nên tập trung tối đa hóa thu nhập cho Nhà nước, hay đại chúng hóa công ty để doanh nghiệp phát triển, đủ sức cạnh tranh với nước ngoài?

Đây là hai mục tiêu rất khó đạt trong cổ phần hóa. Tuy nhiên, ở nước ngoài, việc đại chúng hóa doanh nghiệp để nâng cao vai trò giám sát của cổ đông, đa dạng hóa sở hữu và xóa bỏ độc quyền để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu.

Có lẽ chúng ta nên tham khảo cách mà các nước như Pháp (France Telecom), Anh (British Gas, British Telecom), Úc (Telstra), và mới đây là Trung Quốc thực hiện với các doanh nghiệp tầm cỡ. Chính phủ các nước này thuê một công ty định giá. Việc định giá được xác định trên cơ sở giá thị trường của doanh nghiệp (market cap), chứ không phải giá thị trường của tài sản cố định. Mức giá này sẽ dao động trong mức trần và sàn, nhà đầu tư được đăng ký mua tự do trong khoảng giá nhất định.

Sau đó, chính phủ sẽ đưa ra cơ cấu của cổ đông doanh nghiệp, chú trọng tới nhà đầu tư nhỏ lẻ và cán bộ công nhân viên. Đối tượng này luôn giành được ưu tiên mua cổ phần trước các tổ chức tài chính và nhà đầu tư nước ngoài, nhưng có thể bị hạn chế về thời gian chuyển nhượng. Dựa trên quy mô đăng ký của các nhà đầu tư, chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ mua của từng đối tượng.

Ở ta hiện nay phát hành chưa có giá trần và sàn, chỉ có giá khởi điểm. Áp dụng giá trần và sàn sẽ tránh được việc đấu giá nhiều lần do nhà đầu tư bỏ cọc gây nên, kéo dài cổ phần hóa doanh nghiệp.