Cổ phần hóa: Những kẽ hở không đáng có
Một chuyên gia định giá khẳng định: chính sự định giá quá thấp khi cổ phần hóa đã tạo nên mức lợi nhuận kếch sù
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh với giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa dự kiến lớn gấp nhiều lần so với 15 năm qua.
Ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này đều mong muốn quá trình cổ phần hóa được tiến hành nhanh hơn, đồng thời phải khắc phục được những kẽ hở có khả năng gây thất thoát tài sản Nhà nước hay bị lạm dụng.
“Phép màu” định giá
Định giá quá thấp đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa là một vấn đề được nhiều người đưa ra mổ xẻ. Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Fulbright (Đại học Kinh tế Tp.HCM) cho rằng bất cập chủ yếu nằm ở phương pháp xác định giá trị tài sản.
Theo quy định, doanh nghiệp được quyền chọn một trong hai cách xác định giá trị là phương pháp định giá theo tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu. Việc chọn phương pháp lẽ ra phải tuân theo những nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt vì có trường hợp chỉ có thể sử dụng được phương pháp này hoặc phương pháp kia thì ngược lại hầu hết các doanh nghiệp chỉ “thích” chọn phương pháp tài sản.
Ông Du cho rằng điều này đã tạo một kẽ hở lớn làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Thứ nhất, nếu áp dụng phương pháp tài sản thì theo quy định một số tài sản sẽ được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp như tài sản thuê (kể cả tài sản thuê của Nhà nước như đất đai, văn phòng...); tài sản không cần dùng, chờ thanh lý... Như vậy, rất nhiều tài sản có giá trị, đặc biệt là quyền sử dụng đất đã bị “lọt sàng” khi định giá doanh nghiệp.
Điều này đã dẫn đến những câu chuyện hết sức nghịch lý, chẳng hạn gần đây nổi lên vụ cổ phần hóa Công ty Intimex (thuộc Bộ Thương mại). Mặc dù đang quản lý, sử dụng trên 1,2 triệu mét vuông, trong đó có hàng ngàn mét vuông “đắt hơn vàng” tại các khu vực đắc địa của thủ đô Hà Nội nhưng vì là đất thuê nên định giá chỉ bằng 0.
Hoặc trước khi cổ phần hóa, có công ty đã giả vờ đóng cửa một nhà xưởng, rồi khai trên hồ sơ là xưởng đang chờ thanh lý. Khối tài sản này nghiễm nhiên được loại ra “ngoài vòng” định giá.
Thứ hai, có những trường hợp, đặc biệt đối với những loại tài sản chuyên biệt chỉ có thể áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu mới chính xác thì lại cố tình “ấn” phương pháp tài sản.
“Chẳng hạn, giả định như tính giá trị của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Nếu dùng phương pháp tài sản thì chẳng khác gì đem nhà máy đi cân theo giá sắt vụn. Trong khi với phương pháp dòng tiền chiết khấu, bằng một phép tính đơn giản lấy sản lượng điện nhân giá điện, ta có thể thấy giá trị của nhà máy lớn đến cỡ nào”,ông Du nói.
Việc định giá thấp hiển nhiên đã giúp cho một số doanh nghiệp... sau một đêm ngủ dậy tài sản bỗng “nở” ra khác thường. Một công ty hoạt động trong ngành nhựa có mức lãi trước khi cổ phần hóa khoảng 24 tỉ đồng/năm. Vậy mà chỉ hai năm sau khi cổ phần hóa và niêm yết thì mức lãi tăng vọt lên 100 tỉ đồng, tức gấp hơn bốn lần so với trước cổ phần hóa.
Tương tự, một công ty trong lĩnh vực dầu khí, cổ phần hóa vừa xong thì hết năm sau tỷ lệ cổ tức đã nhảy lên gấp đôi và dự kiến trong năm nay, tức năm thứ hai sau cổ phần hóa tỷ lệ cổ tức lên gấp 100 lần. Có lẽ chỉ có phép màu mới làm được điều khác thường như vậy trong khi công ty vẫn những con người cũ, ban bệ như cũ.
Một chuyên gia định giá khẳng định: chính sự định giá quá thấp khi cổ phần hóa đã tạo nên mức lợi nhuận kếch sù.
Thông tin: bên trọng, bên khinh
Để đưa giá trị doanh nghiệp sát với giá thị trường, theo Nghị định 187, Chính phủ yêu cầu phải đưa cổ phần ra đấu giá công khai. Đây là biện pháp tốt, tuy nhiên, cách thức tổ chức vẫn còn nhiều điều chưa ổn và đang bị lạm dụng.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Chương trình Fulbright (Đại học Kinh tế Tp.HCM), nguyên nhân là do tình trạng quá bất cân xứng về thông tin. Một bên, chủ yếu gồm ban giám đốc công ty khống chế hoàn toàn thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa. Còn bên khác là các nhà đầu tư bên ngoài lại có quá ít thông tin.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Việt, Phó trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết có rất nhiều công ty đã tìm mọi cách nhằm che giấu thông tin. Theo quy định, thông báo về đấu giá phải được đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp. Để giấu thông tin, có công ty đã “lách” bằng cách đăng thông báo trên những tờ báo rất ít người đọc.
Nhiều bản cáo bạch, theo ông Việt, được làm rất sơ sài, thông tin vừa nghèo nàn vừa không chuẩn. Tệ hơn nữa, có công ty kiếm cớ thoái thác việc cung cấp bản cáo bạch cho nhà đầu tư. Ví dụ như trong trường hợp đấu giá Công ty Xuất nhập khẩu Súc sản Cần Thơ, một số nhà đầu tư đã bị từ chối cung cấp bản cáo bạch với lý do “hết mất rồi”. Một số nhà đầu tư cho biết họ đã phải xuống tận Cần Thơ để xin bằng được bản cáo bạch.
Điển hình cho tình trạng bất cân xứng thông tin, thiếu minh bạch là vụ giấu các quyết định thuê đất trong cuộc đấu giá cổ phần của Công ty Intimex (thuộc Bộ Thương mại) gần đây. Thông tin này được giữ bí mật, chỉ có một số người trong nội bộ công ty biết. Chỉ khi đấu giá xong thì các nhà đầu tư mới vỡ lẽ công ty đang nắm giữ một khối bất động sản khổng lồ vừa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê (trong cáo bạch trước đó, số tài sản này bằng 0).
Sự thiếu minh bạch đã tạo điều kiện cho một số người lũng đoạn cuộc đấu giá, làm cho việc định giá thông qua hình thức có vẻ như tiến bộ này không còn chính xác. Vì vậy, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường minh bạch, không chỉ với việc đấu giá mà trong toàn bộ quy trình cổ phần hóa.
Kể cả tiền nhà nước, thu về từ cổ phần hóa cũng cần phải được công khai. Cho đến nay, khoản thu này vẫn chưa được công bố bao nhiêu, sử dụng vào mục đích gì. Một quan chức Bộ Tài chính chỉ tiết lộ “chúng được đưa vào ngân sách để chi tiêu cho quốc gia”.
Ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này đều mong muốn quá trình cổ phần hóa được tiến hành nhanh hơn, đồng thời phải khắc phục được những kẽ hở có khả năng gây thất thoát tài sản Nhà nước hay bị lạm dụng.
“Phép màu” định giá
Định giá quá thấp đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa là một vấn đề được nhiều người đưa ra mổ xẻ. Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Fulbright (Đại học Kinh tế Tp.HCM) cho rằng bất cập chủ yếu nằm ở phương pháp xác định giá trị tài sản.
Theo quy định, doanh nghiệp được quyền chọn một trong hai cách xác định giá trị là phương pháp định giá theo tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu. Việc chọn phương pháp lẽ ra phải tuân theo những nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt vì có trường hợp chỉ có thể sử dụng được phương pháp này hoặc phương pháp kia thì ngược lại hầu hết các doanh nghiệp chỉ “thích” chọn phương pháp tài sản.
Ông Du cho rằng điều này đã tạo một kẽ hở lớn làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Thứ nhất, nếu áp dụng phương pháp tài sản thì theo quy định một số tài sản sẽ được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp như tài sản thuê (kể cả tài sản thuê của Nhà nước như đất đai, văn phòng...); tài sản không cần dùng, chờ thanh lý... Như vậy, rất nhiều tài sản có giá trị, đặc biệt là quyền sử dụng đất đã bị “lọt sàng” khi định giá doanh nghiệp.
Điều này đã dẫn đến những câu chuyện hết sức nghịch lý, chẳng hạn gần đây nổi lên vụ cổ phần hóa Công ty Intimex (thuộc Bộ Thương mại). Mặc dù đang quản lý, sử dụng trên 1,2 triệu mét vuông, trong đó có hàng ngàn mét vuông “đắt hơn vàng” tại các khu vực đắc địa của thủ đô Hà Nội nhưng vì là đất thuê nên định giá chỉ bằng 0.
Hoặc trước khi cổ phần hóa, có công ty đã giả vờ đóng cửa một nhà xưởng, rồi khai trên hồ sơ là xưởng đang chờ thanh lý. Khối tài sản này nghiễm nhiên được loại ra “ngoài vòng” định giá.
Thứ hai, có những trường hợp, đặc biệt đối với những loại tài sản chuyên biệt chỉ có thể áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu mới chính xác thì lại cố tình “ấn” phương pháp tài sản.
“Chẳng hạn, giả định như tính giá trị của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Nếu dùng phương pháp tài sản thì chẳng khác gì đem nhà máy đi cân theo giá sắt vụn. Trong khi với phương pháp dòng tiền chiết khấu, bằng một phép tính đơn giản lấy sản lượng điện nhân giá điện, ta có thể thấy giá trị của nhà máy lớn đến cỡ nào”,ông Du nói.
Việc định giá thấp hiển nhiên đã giúp cho một số doanh nghiệp... sau một đêm ngủ dậy tài sản bỗng “nở” ra khác thường. Một công ty hoạt động trong ngành nhựa có mức lãi trước khi cổ phần hóa khoảng 24 tỉ đồng/năm. Vậy mà chỉ hai năm sau khi cổ phần hóa và niêm yết thì mức lãi tăng vọt lên 100 tỉ đồng, tức gấp hơn bốn lần so với trước cổ phần hóa.
Tương tự, một công ty trong lĩnh vực dầu khí, cổ phần hóa vừa xong thì hết năm sau tỷ lệ cổ tức đã nhảy lên gấp đôi và dự kiến trong năm nay, tức năm thứ hai sau cổ phần hóa tỷ lệ cổ tức lên gấp 100 lần. Có lẽ chỉ có phép màu mới làm được điều khác thường như vậy trong khi công ty vẫn những con người cũ, ban bệ như cũ.
Một chuyên gia định giá khẳng định: chính sự định giá quá thấp khi cổ phần hóa đã tạo nên mức lợi nhuận kếch sù.
Thông tin: bên trọng, bên khinh
Để đưa giá trị doanh nghiệp sát với giá thị trường, theo Nghị định 187, Chính phủ yêu cầu phải đưa cổ phần ra đấu giá công khai. Đây là biện pháp tốt, tuy nhiên, cách thức tổ chức vẫn còn nhiều điều chưa ổn và đang bị lạm dụng.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Chương trình Fulbright (Đại học Kinh tế Tp.HCM), nguyên nhân là do tình trạng quá bất cân xứng về thông tin. Một bên, chủ yếu gồm ban giám đốc công ty khống chế hoàn toàn thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa. Còn bên khác là các nhà đầu tư bên ngoài lại có quá ít thông tin.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Việt, Phó trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết có rất nhiều công ty đã tìm mọi cách nhằm che giấu thông tin. Theo quy định, thông báo về đấu giá phải được đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp. Để giấu thông tin, có công ty đã “lách” bằng cách đăng thông báo trên những tờ báo rất ít người đọc.
Nhiều bản cáo bạch, theo ông Việt, được làm rất sơ sài, thông tin vừa nghèo nàn vừa không chuẩn. Tệ hơn nữa, có công ty kiếm cớ thoái thác việc cung cấp bản cáo bạch cho nhà đầu tư. Ví dụ như trong trường hợp đấu giá Công ty Xuất nhập khẩu Súc sản Cần Thơ, một số nhà đầu tư đã bị từ chối cung cấp bản cáo bạch với lý do “hết mất rồi”. Một số nhà đầu tư cho biết họ đã phải xuống tận Cần Thơ để xin bằng được bản cáo bạch.
Điển hình cho tình trạng bất cân xứng thông tin, thiếu minh bạch là vụ giấu các quyết định thuê đất trong cuộc đấu giá cổ phần của Công ty Intimex (thuộc Bộ Thương mại) gần đây. Thông tin này được giữ bí mật, chỉ có một số người trong nội bộ công ty biết. Chỉ khi đấu giá xong thì các nhà đầu tư mới vỡ lẽ công ty đang nắm giữ một khối bất động sản khổng lồ vừa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê (trong cáo bạch trước đó, số tài sản này bằng 0).
Sự thiếu minh bạch đã tạo điều kiện cho một số người lũng đoạn cuộc đấu giá, làm cho việc định giá thông qua hình thức có vẻ như tiến bộ này không còn chính xác. Vì vậy, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường minh bạch, không chỉ với việc đấu giá mà trong toàn bộ quy trình cổ phần hóa.
Kể cả tiền nhà nước, thu về từ cổ phần hóa cũng cần phải được công khai. Cho đến nay, khoản thu này vẫn chưa được công bố bao nhiêu, sử dụng vào mục đích gì. Một quan chức Bộ Tài chính chỉ tiết lộ “chúng được đưa vào ngân sách để chi tiêu cho quốc gia”.