14:37 06/04/2007

Cổ phần hóa Vietcombank: Cảnh giác với thông tin!

Hữu Kiên

Phản hồi từ lãnh đạo Vietcombank xung quanh những thông tin về vấn đề cổ phần hóa của ngân hàng này

Tại một điểm giao dịch của Vietcombank - Ảnh: Việt Tuấn.
Tại một điểm giao dịch của Vietcombank - Ảnh: Việt Tuấn.
Trên thị trường đang xuất hiện thông tin thất thiệt về tỷ lệ chuyển đổi trái phiếu Vietcombank, về quyền mua cổ phiếu ưu đãi của cán bộ nhân viên ngân hàng này.

Giá trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đã tăng gấp 2-3 lần so với mệnh giá sau khi có tin đồn tỷ lệ chuyển đổi sẽ được ấn định là 1 ăn 2 hoặc 1 ăn 3, thậm chí đã có cả thông tin quyền mua cổ phiếu ưu đãi của cán bộ công nhân viên Vietcombank đã được giao dịch lên tới 60-65 triệu/năm thâm niên…

Chúng tôi đã trao đổi với bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank, xung quanh vấn đề trên.

Dự kiến thời điểm nào thì Vietcombank sẽ chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, thưa bà?

Ngày 6/3 vừa qua, Vietcombank và Credit Suisse đã có cuộc họp đầu tiên và đã xây dựng một lộ trình rất chi tiết. Phương án chi tiết dự kiến sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 4 này và chậm nhất là trước 10/5. Như vậy nếu không có gì thay đổi trong tháng 6 phương án sẽ được duyệt. Và kế hoạch bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sẽ là tháng 8/2007.

Điều đó cũng có nghĩa là trái phiếu tăng vốn mà Vietcombank phát hành tháng 12/2005 sẽ được chuyển sang cổ phiếu phổ thông trong tháng 8 này và tỷ lệ chuyển đổi là 1 cổ phiếu ăn 2 trái phiếu hoặc 1 cổ phiếu ăn 3 trái phiếu như tin đồn?

Khi phát hành trái phiếu tăng vốn Vietcombank, chúng tôi đã nói rất rõ về những đặc điểm của trái phiếu này. Chúng tôi đã gửi thông tin bằng văn bản tới những nhà đầu tư là tổ chức và cá nhân trong 2 buổi gặp gỡ các nhà đầu tư được tổ chức tại Hà Nội và Tp.HCM cuối tháng 11/2005. Tại các địa điểm bán trái phiếu tăng vốn cho thể nhân, chúng tôi đều niêm yết công khai thông tin về trái phiếu này, thậm chí mỗi cá nhân mua trái phiếu đều nhận được một bản quy định về trái phiếu tăng vốn khi mua.

Các thông tin về trái phiếu còn được thông tin rộng rãi tới công chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí bất cứ lúc nào công chúng muốn biết về trái phiếu tăng vốn Vietcombank đều có thể truy cập trang web chính thức của Vietcombank có địa chỉ www.vietcombank.com.vn để lấy thông tin đó từ bản cáo bạch.

Trái phiếu tăng vốn Vietcombank không có tỷ lệ chuyển đổi mà chỉ có nguyên tắc chuyển đổi. Việc đặt ra tỷ lệ chuyển đổi 1 ăn 2 hay 1 ăn 3 chỉ là cách thức đồn thổi nhằm đầu cơ trục lợi đang diễn ra khá phổ biến hiện nay trên thị trường.

Theo quy định, chủ sở hữu trái phiếu tăng vốn Vietcombank năm 2005 được quyền sử dụng 100% giá trị trái phiếu (gồm mệnh giá và lãi suất phát sinh trong kỳ trả lãi những chưa đến hạn trả) để mua cổ phiếu phổ thông của Vietcombank khi ngân hàng tiến hành cổ phần hoá, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Trái chủ có quyền từ chối chuyển đổi hoặc chỉ chuyển đổi một phần giá trị trái phiếu sang cổ phiếu phổ thông nếu như theo tính toán của mình trái chủ thấy rằng chuyển đổi 100% thì mình sẽ bị thiệt hơn 2 sự lựa chọn trên.

Những trái phiếu được trái chủ quyết định không chuyển đổi sẽ là trái phiếu thường và không được chuyển đổi nữa. Cũng theo quy định, giá mua cổ phiếu của trái chủ là giá cổ phiếu được hình thành sau cuộc bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Như vậy giá này không cố định mà phụ thuộc vào đánh giá của thị trường tại phiên đấu giá.

Trong trường hợp áp dụng một mức giá trúng thầu chung duy nhất cho các nhà đầu tư thì giá chuyển đổi từ Trái phiếu sang cổ phiếu sẽ được áp dụng theo mức giá đó. Trong trường hợp có nhiều mức giá trúng thầu cổ phiếu thì giá chuyển đổi từ Trái phiếu sang cổ phiếu là giá bình quân gia quyền của các mức này.

Khi chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu sẽ xảy ra trường hợp phải làm tròn. Quy định làm tròn này cũng được chúng tôi nêu rất rõ bằng công thức nhưng cũng đang bị đồn thổi theo hướng không đúng. Ví dụ với mức giá X hình thành sau phiên đấu giá một trái chủ sở hữu A giá trị trái phiếu khi chuyển đổi (A/X) chỉ được 4,4 cổ phiếu thì trái chủ này chỉ có quyền chuyển sang 4 cổ phiếu, giá trị của 0,4 cổ phiếu còn lại sẽ được quy đổi về trái phiếu và hưởng quyền của trái phiếu.

Trong trường hợp quy đổi này nếu có phần tiền dư không đủ 1 trái phiếu ngân hàng sẽ trả bằng tiền cho trái chủ phần tiền dư đó. Đối với một trái chủ sở hữu B giá trị trái phiếu khi chuyển đổi (B/X) được 4,5 cổ phiếu thì trái chủ này được quyền chuyển sang 5 cổ phiếu và tất nhiên trái chủ phải nộp cho ngân hàng phần tiền thiếu của 0,5 cổ phiếu.

Đó là nguyên tắc làm tròn phần thập phân, nhỏ hơn 0,5 thì làm tròn bằng 0 còn lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn bằng 1. Lợi dụng điều này một số nhà đầu cơ đã tung tin là 1.374 tỷ mệnh giá trái phiếu sẽ được chuyển đổi sang 1.374 tỷ mệnh giá cổ phiếu, phần chênh lệnh giá trái chủ sẽ nộp thêm tiền. Đây hoàn toàn là cách tung tin vô căn cứ.

Hiện nay đang có hiện tượng nhà đầu tư săn lùng mua năm công tác của cán bộ Vietcombank với giá từ 60-65 triệu/năm. Họ lý luận rằng khi có cổ phiếu của Vietcombank rồi thì sớm sẽ được mua thêm cổ phiếu Vietcombank với giá bằng mệnh giá vì còn số 70% vốn thuộc nhà nước sẽ nhanh chóng được giảm xuống sau cổ phần hoá. Bà nói gì về hiện tượng này?

Phải nói rằng hiện tượng này không chỉ diễn ra với Vietcombank mà đang diễn ra với một số tổng công ty khác khi tiến hành cổ phần hoá. Có vẻ các nhà đâu tư hiện đang ở trong trạng thái cực kỳ hưng phấn và lạc quan. Sự lạc quan hưng phấn đó càng được kích thích bởi các tin đồn nở rộ như nấm sau mưa.

Thực tế có những lúc như thời gian vừa qua bất chấp những lời cảnh báo từ các nguồn thông tin chính thức giá chứng khoán vẫn cứ lao về phía trước. Nhiều nhà đầu tư đã phớt lờ thông tin chính thống mà chạy theo tin đồn. Trên thị trường giao dịch không chính thức đã có những cổ phiếu tăng 6-7 lần sau đó giảm xuống chỉ còn 1-2 lần, rồi cũng đã có nhà đầu tư lao vào đầu thấu cổ phiếu với giá cao sau đó lại phải rao bán với giá thấp hơn giá trúng thầu.

Có lẽ đã đến lúc các nhà đầu tư phải biết kiềm chế sự hưng phấn quá đà của mình để có được sự đánh giá thị trường sát thực tế hơn.

Nhân đây, tôi xin được thông tin với những nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu Vietcombank, đang tìm mua năm công tác của cán bộ nhân viên Vietcombank để quý nhà đầu tư cân nhắc tránh những rủi ro đáng tiếc.

Thứ nhất, theo Nghị định 187 của Chính phủ và Thông tư 126 và Thông tư 95 của Bộ Tài chính thì mỗi cán bộ công nhân viên tại doanh nghiệp cổ phần hoá được mua tối đa 100 cổ phần (tương đương với 1 triệu đồng mệnh giá) cho 1 năm công tác và giá mua sẽ được giảm 40% so với giá đấu giá thành công phát hành lần đầu ra công chúng. Vietcombank cũng nằm trong diện đó.

Tuy nhiên liên quan đến thời điểm chốt danh sách cán bộ nhân viên Vietcombank hiện nay vẫn chưa có mốc chính thức. Do vậy, chưa thể có số năm thâm niên chính xác cho mỗi cán bộ nhân viên Vietcombank đến thời điểm này.

Thứ hai, những giao dịch mua bán diễn ra là phi chính thức, Vietcombank không đứng ra xác nhận cho điều đó. Chúng tôi cũng đã có công văn nội bộ gửi toàn hệ thống lưu ý về hiện tượng giao dịch này. Cán bộ nhân viên nào giao dịch phải tự chịu trách nhiệm về giao kết dân sự đó.

Hơn nữa loại giao dịch này có một sở đoản đáng lưu ý là liệu người mua có thể đảm bảo một nhân viên chỉ bán năm công tác của mình cho một người hay nhiều người? Đó là chưa kể đến lúc chốt danh sách thì cán bộ đó còn làm việc cho Vietcombank hay không hoặc có vi phạm kỷ luật gì không?

Phương án cổ phần hoá của Vietcombank chưa được duyệt chính thức nên cũng chưa xác định được lịch trình phát hành tiếp cổ phiếu trong những năm tiếp theo.