08:58 22/10/2007

Cổ phần hóa Vietcombank: Không lo “đầu cơ chiến lược”

Lê Hường

Hỏi chuyện TS. Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước)

"Hiện nay trong short-list của Vietcombank có 3 nhà đầu tư chiến lược, mỗi đối tác có một ý tưởng khác nhau".
"Hiện nay trong short-list của Vietcombank có 3 nhà đầu tư chiến lược, mỗi đối tác có một ý tưởng khác nhau".
Hỏi chuyện TS. Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).

>>Toàn cảnh cổ phần hóa Vietcombank

Ông dự đoán thế nào về giá bán của cổ phiếu Vietcombank cho đối tác chiến lược so với giá bán trong đợt IPO?

Thông thường, giá IPO bao giờ cũng cao hơn giá bán cho các đối tác chiến lược. Kinh nghiệm của Trung Quốc cũng vậy, trong quá trình cổ phần hóa của ngân hàng Incombank của Trung Quốc, giá bán cho đối tác chiến lược vào khoảng 1.3 nhưng giá vào đợt IPO là 2.8.

Một tương quan như vậy có thể không diễn ra ở Việt Nam nhưng giá bán cho đối tác chiến lược có thể thấp hơn chút ít so với giá IPO nhưng tôi nghĩ, giá IPO sẽ không cao hơn nhiều so với giá bán cho các đối tác chiến lược.

Có đáng lo ngại về tình trạng đối tác chiến lược là những nhà “đầu cơ chiến lược” không, thưa ông?

Thứ nhất, quy định của Ngân hàng Trung ương không cho phép nhà đầu tư chiến lược bán cổ phiếu, như thế thì không thể đầu cơ được. Thứ hai, những nhà đầu tư chiến lược là những doanh nghiệp đã có uy tín rất lớn về thương hiệu trên thị trường quốc tế. Họ không việc gì đầu cơ lặt vặt vào ngân hàng kiểu như của Việt Nam.

Hiện nay trong short-list của Vietcombank có 3 nhà đầu tư chiến lược, mỗi đối tác có một ý tưởng khác nhau. Nomura nghĩ rằng họ sẽ phát triển công ty chứng khoán của Vietcombank, cùng Vietcombank hoạt động mạnh mẽ trên thị trường đầu tư tài chính. Goldman Sachs lại có ý tưởng đưa Vietcombank trở thành một trong những ngân hàng đầu tư lớn. General Electric muốn Vietcombank trở thành một ngân hàng có dịch vụ tài chính tiêu dùng rất mạnh.

Tất nhiên là Vietcombank có những tiêu chí lựa chọn khác nhau tuỳ theo mục tiêu của mình và mục tiêu của đối tác chiến lược, mức chi phí và hợp đồng về đối tác chiến lược.

Dự đoán của ông về giá IPO của cổ phiếu Vietcombank và tác động đối với các cổ phiếu khác?

Rất khó dự đoán giá IPO của Vietcombank nhưng tôi chắc chắn là giá IPO của Vietcombank sẽ cao hơn giá của Bảo hiểm Việt Nam và nhiều người cũng dự đoán như vậy.

Sự kiện Vietcombank phát hành ra một lượng cổ phiếu lớn chưa chắc chắn sẽ làm giảm giá các cổ phiếu khác trên thị trường. Bởi vì, cho đến nay, các đối tác lớn nước ngoài cũng như trong nước đã có dự tính là sẽ để dành một khoản tài chính nhất định để đầu tư vào Vietcombank. Thế nên, sóng lớn đã có thuyền lớn.

Cho dù Vietcombank phát hành ra một khối lượng cổ phiếu lớn như vậy thì ngay trong tương quan cung cầu cho loại cổ phiếu này cũng đã tương đối cân bằng. Tức là, khối lượng lớn thì cũng có những người mua lớn và có thể chấp nhận giá cao.

Vấn đề quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa?

Vietcombank đã được Chính phủ cho phép, sau khi chuyển thành một ngân hàng thương mại cổ phiếu, bất luận tỷ lệ sở hữu nhà nước là bao nhiêu, thì Vietcombank vẫn được hoạt động theo chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp mà Ngân hàng Trung ương ban hành. Ngân hàng Trung ương sẽ ban hành một chuẩn mực mới thay thế Nghị định 49, theo đó hầu hết chuẩn mực cho một ngân hàng thương mại đều được hiện đại hoá theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, có một số khía cạnh vẫn còn trục trặc đôi chút, chẳng hạn, cơ chế tài chính, hệ thống khuyến khích, một số quy chế về đề bạt, bổ nhiệm nhân sự, nhưng hy vọng, nếu được Chính phủ hỗ trợ, thì trong vòng một hai năm Vietcombank có thể được thay đổi theo hướng là một ngân hàng hoạt động hoàn toàn theo nguyên tắc là thương mại cổ phần và theo chuẩn mực mới của Ngân hàng Trung ương trên cơ sở sửa lại Nghị định 49.

Vietcombank được định mức tín nhiệm ở hạng nào, thưa ông?

Vietcombank là ngân hàng có định mức tín nhiệm cao nhất Việt Nam, hạng D (trung bình khá) của Fitch Ratings.

Thưa ông, kinh nghiệm của Vietcombank giúp gì cho các tập đoàn lớn khác chuẩn bị cổ phần hóa?

Vietcombank là một ngân hàng được cổ phần hóa theo đúng các chuẩn mực quốc tế và là một kinh nghiệm rất quý báu cho các định chế tài chính khác khi thực hiện cổ phần hóa sau này. Nếu tôi không nhầm, thì đây là trường hợp cổ phần hóa đầu tiên chúng ta áp dụng hệ thống tư vấn pháp lý hoàn toàn theo chuẩn mực quốc tế.

Vietcombank được cổ phần hóa theo một tiêu chí tương đối đặc biệt. Với đặc thù của một ngân hàng thương mại loại lớn, chúng ta đã mời một đối tác tư vấn tầm cỡ quốc tế, đã từng tham gia nhiều chương trình cổ phần hóa ở toàn cầu và đặc biệt đã từng tham gia vào quá trình cổ phần hóa của Trung Quốc. Việc thực hiện tư vấn pháp lý, kiểm toán quốc tế cho Vietcombank đều được thực hiện rất bài bản.

Ngoài ra, đó là một định chế tài chính lớn nên phương pháp định giá cũng tương đối đặc thù. Khác với những phương pháp định giá thông thường theo giá trị tài sản, chúng ta áp dụng phương pháp định giá mới, chiết khấu dòng tiền tương lai. Đó là một phương pháp thích hợp với một ngân hàng thương mại tầm cỡ như Vietcombank.

Tôi nghĩ rằng thời gian và chi phí cho việc cổ phần hóa của các ngân hàng còn lại sẽ ngắn hơn và thấp hơn Vietcombank, hy vọng trong vòng quý 1/2008, các tập đoàn tài chính khác của Việt Nam như Incombank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có thể tiến hành thành công quá trình cổ phần hóa.