08:48 20/11/2007

Cổ phần hóa Vietcombank vẫn vướng

M.Đức – L.Hương

Hiện Vietcombank đã sẵn sàng cho kế hoạch IPO, nhưng không ít vướng mắc vẫn đang chờ phê duyệt

Việc cổ phần hóa Vietcombank đã và đang thu hút sự quan tâm đông đảo của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc cổ phần hóa Vietcombank đã và đang thu hút sự quan tâm đông đảo của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đã sẵn sàng cho kế hoạch IPO. Nhưng vướng mắc hiện nay được xác định liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá khởi điểm thì hiện vẫn đang chờ cơ quan ban ngành phê duyệt.

Tại buổi gặp gỡ với báo chí vào ngày 19/11/2007, lãnh đạo Vietcombank khẳng định rằng một số thông tin trong thời gian gần đây về cổ phần hóa Vietcombank là không chính xác.

Theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank, thông tin về 3 đối tác chiến lược của Vietcombank mà báo chí đề cập thời gian gần đây gồm: Nomura, Goldman Sachs, GE là không chính xác vì theo cam kết giữa Vietcombank với các đối tác là không được công bố.

Tuy nhiên, ít nhất trong đó có 2 đối tác là sai (gồm Goldman Sachs và Nomura). Ngoài ra, những tin đồn về mức giá cổ phần bán cho đối tác chiến lược trong đàm phán đặt ra là 120.000 đồng, 200.000 đồng hay 60.000 đồng... cũng không hoàn toàn chính xác.

Vì sao thay đổi phương án?

Một chi tiết được các nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là kế hoạch cổ phần hóa Vietcombank lại thay đổi, quá trình IPO sẽ thực hiện trước khi chọn đối tác chiến lược, thay vì làm ngược lại như Quyết định 1289/QĐ-TTg ngày 26/9/2007?

Trả lời câu hỏi này, bà Hà cho biết là do việc đàm phán thời gian qua không đạt được những kỳ vọng của Vietcombank cũng như Chính phủ, đặc biệt là về vấn đề giá.“Theo đó, Chính phủ quyết định cho phép Vietcombank thực hiện IPO trước. Đó là quyết định hợp lý, cho thấy sự thận trọng, cân đối hài hòa lợi ích của Nhà nước, các đối tác chiến lược cũng như quan tâm tới lợi ích của các nhà đầu tư nhỏ lẻ”, bà Hà nói.

Việc cổ phần hóa Vietcombank đã và đang thu hút sự quan tâm đông đảo của nhà đầu tư trong và ngoài nước, do đó thực hiện thành công IPO ngân hàng này sẽ góp phần nhất định vào sự phát triển lành mạnh chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, việc đàm phán với đối tác chiến lược kéo dài có thể ảnh hưởng đến những cam kết của Vietcombank đối với các trái chủ trái phiếu chuyển đổi, bởi trước đây có dự kiến là họ có thể được chuyển đổi hai năm sau thời điểm phát hành.

Nhưng liệu việc thực hiện theo Nghị định 109/NĐ-CP, giá bán cho đối tác chiến lược nước ngoài không thấp hơn giá đấu thành công bình quân IPO, có nhận được sự đồng thuận từ các đối tác đang đàm phán?

Về câu hỏi này, bà Hà cho biết Vietcombank chưa tiến hành đàm phán lại nên chưa thể biết được quan điểm. “Nhưng dù thế nào thì chúng tôi có thể khẳng định là đối tác chiến lược của Vietcombank chọn sẽ là đối tác tốt”, bà Hà khẳng định.

“Quyết tâm IPO trong năm 2007”

Theo kế hoạch, tổng khối lượng phát hành cổ phần Vietcombank giai đoạn 1 là 30% trong tổng vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng, trong đó đấu giá công khai là 6,5%, tương đương với 1.000 tỷ đồng. Theo Quyết định 1693 ngày 9/11/2007, Vietcombank sẽ IPO trong năm 2007.

Lãnh đạo Vietcombank một lần nữa nhấn mạnh rằng “Kế hoạch của Vietcombank trong thời gian tới là tập trung mọi nguồn lực để IPO trong năm 2007, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của mình thời điểm này. Tuy nhiên thời điểm chính thức thì chưa thể công bố vì còn phụ thuộc vào các cơ quan có thẩm quyền”.

Sự phụ thuộc đó liên quan đến hai vấn đề kỹ thuật quan trọng nhất của đợt IPO sắp tới: xác định giá trị doanh nghiệp và xác định giá khởi điểm. Hai vấn đề này đang chờ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phê duyệt, còn Vietcombank đang làm việc với hai đầu mối này để giải quyết hai vướng mắc trên.

Về vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn cổ phần hóa là Credit Suisse đưa ra 3 phương pháp thực hiện. Phương pháp thứ nhất là chiết khấu cổ tức nhằm xác định giá trị nội tại của Vietcombank. Phương pháp thứ hai là phân tích các giá trị mua bán, sáp nhập tương đồng, tức là so sánh với giá trị mua bán của các ngân hàng Việt Nam với các đối tác nước ngoài thời gian gần đây. Phương pháp thứ ba là phân tích, đánh giá cổ phiếu của các doanh nghiệp tương đồng, của những ngân hàng hàng đầu trong khu vực, như so sánh các ngân hàng Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Về mức giá khởi điểm, theo quy định của Nghị định 109/NĐ-CP, mức giá khởi điểm sẽ được công bố 20 ngày trước thời điểm IPO. Việc xác định giá khởi điểm sẽ được căn cứ theo tình hình thị trường, kết quả đấu giá của những ngân hàng gần đây, đánh giá các ngân hàng đang niêm yết hiện nay.

Như vậy, kế hoạch IPO Vietcombank cần phải trải qua một số bước kỹ thuật. Bản thân Vietcombank, theo khẳng định của lãnh đạo ngân hàng, là đã sẵn sàng. Sau khi có được sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, Vietcombank sẽ tiến hành làm các thủ tục cần thiết như: công bố thông tin, tiếp xúc với nhà đầu tư tại hai điểm Hà Nội và Tp.HCM. Theo đó, thời điểm cụ thể chưa thể xác định, ngoài khả năng vào cuối tháng 12/2007.

Về tác động của đợt IPO này, bà Hà cho rằng “theo quan điểm cá nhân của tôi, IPO Vietcombank cũng chỉ là của một doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, có tác động nhất định chứ không đến mức thay đổi giá mặt bằng chung của thị trường. Với riêng cổ phiếu ngành ngân hàng, tác động đó cũng ở mức độ nhất định”.