08:52 16/10/2007

Cổ phiếu bất động sản lên cơn sốt

Hoàng Lộc

Nhiều nhà đầu tư săn lùng những cổ phiếu bất động sản chuẩn bị lên sàn, khiến cho giá của chúng tăng vọt

Mặc dù các hoạt động xây dựng cao ốc đang phát triển rầm rộ nhưng lượng mặt bằng mới vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
Mặc dù các hoạt động xây dựng cao ốc đang phát triển rầm rộ nhưng lượng mặt bằng mới vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
Suốt trong tháng 9 và tháng 10/2007, giá giao dịch cổ phiếu bất động sản trên sàn giao dịch chứng khoán và trên thị trường OTC đều tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư săn lùng những cổ phiếu bất động sản chuẩn bị lên sàn, khiến cho giá của chúng tăng vọt.

Trên sàn Tp.HCM, cơn sốt cổ phiếu VIC và HDC kéo dài nhiều ngày qua, nhất là HDC (Công ty Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu) với 4 phiên tăng giá kịch trần và toàn bộ hơn 10.000 cổ phiếu đặt bán mỗi phiên đều được “vét” sạch.

Phiên 11/10, nhà đầu tư nước ngoài đã “gom” 49.000 cổ phiếu HBC của Công ty Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, chỉ bán có 200 HBC làm cho các nhà đầu tư trong nước “nhào” theo mua vào với giá trần, đẩy giá HBC lên trần với khối lượng khớp lệnh rất lớn là 205.810 cổ phiếu, trị giá hơn 26 tỷ đồng.

Trên thị trường OTC, cổ phiếu bất động sản tăng giá ngoạn mục nhất trong 3 tuần qua là cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Idico, giá từ 35.000 đồng/cổ phiếu vọt lên gấp đôi sau khi Idico công bố sẽ chốt danh sách cổ đông để lưu ký chứng khoán vào ngày 15/10/2007.

Cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai cũng tăng rất mạnh, nhất là sau khi thị trường tiếp nhận thông tin chính thức: ngày 10/10, Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Vietcombank (VCBF-Quỹ liên doanh với Singapore) đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Theo đó, VCBF đã đầu tư vào HAGL 4 triệu cổ phiếu, chiếm 4% vốn điều lệ của HAGL.

Đến thời điểm hiện nay, HAGL đã có 9 nhà đầu tư chiến lược là tổ chức như: Jaccar của Pháp, VCBF, Dragon Capital của Anh, Asia-Vantage Global của Nhật, Công ty Chứng khoán SSI, Ngân hàng Sacombank, Công ty Chứng khoán SBS, Quỹ đầu tư Thành Việt và đang thương lượng với Quỹ đầu tư VF1. Hiện các quỹ đầu tư đã sở hữu khoảng 27% vốn điều lệ của HAGL. Ngày 12/10, giá cổ phiếu HAGL đã lên tới 120.000 đồng/cổ phiếu, tăng 40.000 đồng/cổ phiếu so với giá cách đây 2 tháng.

Giá cổ phiếu của những công ty bất động sản chuẩn bị lên sàn cũng được săn lùng ráo riết như Công ty Cổ phần 577, Đầu tư và Xây lắp Chương Dương, Đầu tư và Khai thác công trình giao thông 584. Công ty CJSC5 (chủ đầu tư nhiều dự án chung cư tại Tp.HCM) sẽ niêm yết trên sàn HCM với giá tham chiếu là 160.000 đồng nhưng hiện giá đã được kích lên tới 185.000 đồng/cổ phiếu.

Vậy nguyên nhân chủ chốt nào đẩy giá cổ phiếu bất động sản lên cơn sốt?

Theo nhận định của chuyên gia bất động sản, nguyên nhân chính là do hàng loạt các quỹ đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân đang đổ tiền vào các công ty bất động sản do thị trường cao ốc căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê, thị trường nhà ở, xây dựng khu công nghiệp, khu du lịch... đang bùng nổ, cung rất thiếu so với cầu.

Ông Daniel Francey, Phó giám đốc phụ trách khối Dịch vụ khách hàng doanh nghiệp của CBRE cho biết, mặc dù các hoạt động xây dựng cao ốc đang phát triển rầm rộ tại Tp.HCM nhưng lượng mặt bằng mới vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Hiện Tp.HCM có khoảng 50 cao ốc văn phòng và căn hộ cho thuê từ loại A đến loại C với tổng diện tích văn phòng hạng A khoảng 81.000 m2, hạng B 194.000 m2 và hạng C là 191.000 m2. Công suất cho thuê luôn đạt khoảng 97%, riêng văn phòng hạng A từ năm 2005 đến nay đã được cho thuê hết 100%.

Giá cho thuê cao ốc văn phòng hạng A năm 2007 so năm 2006 tăng 40%, hiện từ 35-45 USD/m2/tháng, hạng B tăng 26%, lên mức 26-27 USD/m2/tháng và hạng C tăng hơn 17%, lên khoảng 24 USD/m2/tháng, chưa tính phí quản lý và 10% thuế giá trị gia tăng.

Hiện một số cao ốc đang xây dựng, chưa đi vào hoạt động nhưng đã chào giá rất cao so với giá các cao ốc đang cho thuê, hạng A lên tới 60 USD/m2/tháng, hạng B 45 USD/m2/tháng, hạng C 30 USD/m2/tháng, chưa bao gồm phí quản lí và thuế VAT.

Đây chính là “động lực” thu hút hàng loạt các quỹ đầu tư nước ngoài “mở hầu bao” vào bất động sản. Hiện nay, tại Tp.HCM đã có khoảng hơn 40 quỹ đầu tư nước ngoài với tổng số vốn trên 20 tỷ USD đang tìm kiếm dự án bất động sản ở nhiều quận, huyện khác nhau. Nhiều tập đoàn tài chính đã thành lập quỹ bất động sản, trong đó có rất nhiều công ty, tập đoàn đến từ Mỹ với số vốn vài trăm triệu đôla cũng đã có mặt tại Việt Nam.

Trong số các quỹ này, Indochina Capital là quỹ đầu tư lớn nhất. Tuần trước, Indochina Capital đã quyết định đầu tư 15% cổ phần của Công ty Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn (VHC-một trong những doanh nghiệp sản xuất cáp viễn thông) sau khi VHC xây dựng kế hoạch đầu tư gần 100 triệu USD triển khai các dự án bất động sản như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ du lịch.

Indochina Capital cũng mua 20% cổ phiếu của Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân với giá 20 triệu USD và mua cổ phần của Công ty Cổ phần Tư vấn, Thương mại và Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân - Mekong với tổng số tiền 12 triệu USD. Tính đến nay, Indochina Capital đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào các dự án bất động sản ở Việt Nam. Tại Việt Nam, Indochina Capital đã thành lập 2 quỹ bất động sản là Indochina Land I & II với tổng vốn hơn 300 triệu USD.

Ngoài ra còn có thể kể một quỹ đầu tư quy mô vốn 100 triệu USD do Công ty Việt Nam Partners liên doanh với Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam thành lập, trong đó vốn góp từ các nhà đầu tư Mỹ là 30%.