09:09 06/12/2007

Cổ phiếu dệt may hứa hẹn nhờ... đất

Tú Uyên

Các doanh nghiệp dệt may nếu không được kèm theo... quỹ đất thì hầu như không có nhà đầu tư nào quan tâm

Ngành dệt may phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (70% nguồn xơ, sợi là nhập khẩu), công nghệ còn lạc hậu so với thế giới, lợi nhuận thực thu chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngành dệt may phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (70% nguồn xơ, sợi là nhập khẩu), công nghệ còn lạc hậu so với thế giới, lợi nhuận thực thu chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Sự đi xuống của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khách quan, đã khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng.

Tuy nhiên, cổ phiếu của những doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực bất động sản vẫn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, trong đó có cổ phiếu TCM của Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công.

Trong sự hờ hững của giới đầu tư đối với cổ phiếu ngành dệt may, cổ phiếu TCM vẫn nổi lên như một điểm sáng. Điều này lý giải tại sao từ mức 54.500 đồng/cổ phiếu (mức kịch trần so với giá tham chiếu) trong phiên giao dịch đầu tiên (15/10/2007), TCM đã liên tục tăng trong 17 phiên kế tiếp với giá đỉnh là 111.000 đồng/cổ phiếu.

Và TCM chỉ chịu hạ nhiệt khi thị trường điều chỉnh nhưng không phải giảm liên tục và hiện đang tạm dừng ở mức 82.500 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/12.

Như vậy, tính từ ngày chính thức lên niêm yết, TCM đã trải qua 38 phiên giao dịch, trong đó chỉ có 14 phiên giảm giá, còn 24 phiên khác đều tăng. So với mức giá tham chiếu ban đầu (45.000 đồng/cổ phiếu), thì mức giá hiện tại của TCM (82.500 đồng/cổ phiếu) đã tăng 83,3%. Đây là mức tăng trưởng không thấp, thậm chí còn khá cao trong tình hình thị trường chứng khoán sụt giảm như hiện nay.

Theo các chuyên gia, ngành dệt may khó có thể khởi sắc như một số ngành nghề khác, bởi đặc thù của ngành phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (70% nguồn xơ, sợi là nhập khẩu), công nghệ còn lạc hậu so với thế giới, lợi nhuận thực thu chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hơn nữa, “án treo” về quyết định của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong việc giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam cũng phần nào ảnh hưởng đến quyết định mua bán của các nhà đầu tư.

Thế nhưng giá cổ phiếu TCM vẫn dẫn đầu so với cổ phiếu của các doanh nghiệp cùng ngành như May Nhà Bè, Việt Tiến, Đồng Tiến, Sài Gòn 3, thậm chí vẫn tốt so với phần lớn cổ phiếu đang niêm yết trên sàn, khi đứng ở hàng 8 “chấm”, thậm chí có lúc lên trên 11 “chấm”.

Theo giới chuyên môn, các doanh nghiệp dệt may nếu không được kèm theo... quỹ đất vốn là tài sản có từ trước thì hầu như không có nhà đầu tư nào quan tâm. Và sở dĩ cổ phiếu TCM được quan tâm chính là nhờ định hướng của công ty này ngay từ khi cổ phần hóa: hướng đến một tập đoàn đa ngành, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Đinh Công Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Dệt may Thành Công, hiện Thành Công cùng với các đối tác đã và đang triển khai một số dự án như: Dự án Khu công nghiệp Sài Gòn - Long An 250ha, Dự án khu đất chuyên dùng tại Đức Hòa 7ha, Dự án Kho ngoại quan tại Cảng Phú Mỹ (17ha), Dự án Khu Du lịch, resort với diện tích 10 ha tại Phan Thiết... Công ty cũng vừa khởi công xây dựng khu thương mại - căn hộ cao cấp mang tên Thành Công Tower 1 với tổng vốn đầu tư lên đến 450 tỷ đồng.

Mặc dù được đánh giá là cổ phiếu khá tiềm năng, nhưng nhiều nhà đầu tư không khỏi đặt chấm hỏi cho TCM khi cổ đông lớn của TCM - Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) - bán ra 142.070 cổ phiếu TCM và cổ đông cá nhân có quan hệ đến cổ đông nội bộ của Công ty cũng đã đăng ký bán ra toàn bộ cổ phiếu nắm giữ: 50.000 cổ phiếu (0.26%)?

Nhiều người cho rằng đó là do ảnh hưởng của kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý 3/2007, mà cụ thể là lợi nhuận đã giảm so với quý 2/2007. Theo báo cáo của Công ty, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3/2007 đạt 10,69 tỷ đồng, giảm 62,76% so với quý 2/2007 (giảm 18,017 tỷ đồng); lũy kế 9 tháng TCM đạt hơn 73 tỷ đồng lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc chi nhánh Hà Nội - Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Lạc, lợi nhuận quý 3 cũng như thông tin về việc DOC sẽ xem xét chính sách chống bán phá giá (đã được rời sang năm 2008) không ảnh hưởng gì đến giá của TCM, bởi các thông tin này được công bố ở trước và ngay thời điểm TCM lên sàn, thế nhưng giá TCM vẫn tăng nhiều phiên liên tiếp sau đó.

Điều này thể hiện qua việc khối nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư vẫn âm thầm “thu gom” TCM trên sàn. Theo kết quả thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu TCM hiện xấp xỉ 10%, tăng gần gấp đôi so với thời điểm niêm yết ban đầu.

“Đây cũng chính là kết quả khảo sát ý kiến của chúng tôi với đại diện một số quỹ đầu tư. Tất cả đều đồng tình với nhận định trên và cho rằng giá TCM giảm do ảnh hưởng của sự đi xuống chung của thị trường”. Ông Chung cho biết thêm.