10:35 03/12/2007

Cổ phiếu ngân hàng tăng sức ép giảm giá

Các ngân hàng thương mại cổ phần sắp thành lập sẽ là những nhân tố cạnh tranh rất mạnh trên thị trường

Hoạt động ngân hàng hiện đang có sự cạnh tranh quyết liệt về thị phần, mạng lưới, nhân sự, công nghệ...
Hoạt động ngân hàng hiện đang có sự cạnh tranh quyết liệt về thị phần, mạng lưới, nhân sự, công nghệ...
4 ngân hàng thương mại cổ phần (FPT, Bảo Việt, Liên Việt, Tài chính dầu khí) đã được chấp thuận cấp phép thành lập về nguyên tắc. Sắp tới, một số ngân hàng khác tiếp tục được xem xét.

Việc một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập và đi vào hoạt động, một mặt góp phần phát triển hệ thống tài chính của Việt Nam, nhưng mặt khác đang gây một sức ép rất lớn trong cạnh tranh hoạt động cũng như giá cổ phiếu các ngân hàng.

Sẽ có thêm 2 ngân hàng được xem xét thành lập mới

Sau một thời gian rất khẩn trương, ngày 29/11, Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xem xét và trình Chủ tịch Hội đồng chấp thuận về nguyên tắc việc thành lập 4 ngân hàng thương mại cổ phần. Ngoài Ngân hàng Bảo Việt, 3 ngân hàng còn lại cũng là những ngân hàng có vốn điều lệ lớn và các cổ đông mạnh.

Ngân hàng Tài chính dầu khí có vốn điều lệ (vốn điều lệ) 5.000 tỉ đồng. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 20% vốn điều lệ, ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế sở hữu 9%, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát 8%. Ngoài ra còn các cổ đông tổ chức khác như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Tài chính (IPA), Công ty rượu-bia-nước giải khát Hà Nội, mỗi Công ty sở hữu từ 3%-5% vốn điều lệ.

Ngân hàng Liên Việt có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng. Có các cổ đông tổ chức lớn như: Công ty TNHH Him Lam, Công ty Saco, Công ty Mobiphone.

Ngân hàng FPT có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Có 7 cổ đông sáng lập chiếm 50% vốn điều lệ, trong đó các cổ đông tổ chức là: Công ty Thông tin di động, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia, Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư công nghệ, Công ty Cổ phần Chứng khoán Mekong.

Trong một thời gian rất ngắn nữa, Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép sẽ tiếp tục xem xét hồ sơ một số ngân hàng. Ngân hàng Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Châu Á cũng sẽ nằm trong đợt xét này.

Những ngân hàng nào đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc cho thành lập ngân hàng thì trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ của các ngân hàng, các vụ chức năng sẽ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định ký quyết định cấp giấy phép, chuẩn y điều lệ và các chức danh của ngân hàng thương mại cổ phần nếu việc thành lập ngân hàng đảm bảo đầy đủ theo quy định.

Vì vậy, từ chỗ chấp thuận đến quyết định cấp giấy phép là thời gian không dài. Do đó, một số ngân hàng đã bắt đầu tuyển dụng nhân viên và định ngày ra mắt.

Cạnh tranh gay gắt

Hoạt động ngân hàng hiện đang có sự cạnh tranh quyết liệt về thị phần, mạng lưới, nhân sự, công nghệ... Cuộc cạnh tranh này ngày càng trở nên gay gắt vì thị trường chủ yếu tập trung tại Tp.HCM, Hà Nội.

Trong cuộc chạy đua chiếm thị phần, ngân hàng thương mại Nhà nước đang dần hụt hơi với thị phần ngày càng giảm, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa có sự bứt phá mạnh. Tốp vượt lên dẫn đầu là các ngân hàng thương mại cổ phần. Nếu như cuối năm 2006, khối này mới chiếm 21% thị phần dư nợ toàn hệ thống, thì đến tháng 10/2007 đã chiếm đến 26%.

Với vốn điều lệ lớn và nhiều cổ đông tổ chức, các ngân hàng thương mại cổ phần sắp thành lập sẽ là những nhân tố cạnh tranh rất mạnh trên thị trường.

Có hai yếu tố đã nhìn thấy, đó là: Các ngân hàng hiện đang hoạt động sẽ bị giảm đáng kể một lượng khách hàng tổ chức có năng lực tài chính, vì các tổ chức này đã tham gia thành lập ngân hàng mới.

Họ sẽ kéo cả những khách hàng (có quan hệ làm ăn) hoặc các doanh nghiệp cùng tập đoàn, cùng ngành và lĩnh vực về ngân hàng do họ tham gia thành lập. Đây cũng là lý do mà nhiều người lo ngại khi các tập đoàn kinh tế Việt Nam tham gia thành lập ngân hàng.

Một chuyên gia Ngân hàng Nhà nước nói: "Nên nghiên cứu để đề ra các tỉ lệ cho vay đối với lĩnh vực, ngành kinh tế để tránh rủi ro khi tập trung cho vay quá nhiều vào ngành, lĩnh vực".

Về mặt nhân sự, hầu như nhân sự chủ chốt, cơ bản của các ngân hàng thương mại cổ phần sắp thành lập đều lấy từ các ngân hàng khác. Đây là các nhân sự giỏi, được lựa chọn và những người này sẽ mang kinh nghiệm, khách hàng... từ nơi làm cũ về ngân hàng mới. Vietcombank, Incombank, Citibank, HSBC, ACB... là những ngân hàng có đội ngũ nhân sự bị các ngân hàng mới mời chào nhiều nhất.

Sức ép lên giá cổ phiếu ngân hàng

Thị trường OTC nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng đang chịu cảnh sức cầu yếu, tính thanh khoản thấp. Trừ ACB và STB trên sàn niêm yết, còn lại thì giá cổ phiếu các ngân hàng khác đang ở mức quá thấp. Eximbank ở mức trên 70.000 đồng, MB, Habubank vào khoảng từ 54.000-57.000 đồng. VPBank, Nam Á, Hàng Hải khoảng trên 30.000 đồng. Quyền mua cổ phiếu SHB nay chỉ khoảng 14.000 đồng...

Ngoài nguyên nhân nhiều nhà đầu tư đã cạn vốn, đầu tư trên OTC bị lỗ nặng, không còn khả năng để gom vào..., có nguyên nhân là lượng cung cổ phiếu OTC và cổ phiếu ngân hàng ngày càng nhiều (khác với năm trước cung ít, cầu nhiều).

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động tiếp tục chào bán thêm đợt 2. Có thông tin chỉ trong vòng một tuần qua, khoảng một chục ngân hàng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép chào bán thêm cổ phiếu với khối lượng hơn 4.500 tỉ đồng mệnh giá.

Vietcombank chuẩn bị IPO. Nay thêm tin các ngân hàng sắp thành lập với số vốn điều lệ rất lớn. Riêng 4 ngân hàng thương mại cổ phần được chấp thuận đầu tiên đã có mức vốn 10.500 tỉ đồng (trong khi 8 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động ở Hà Nội đến tháng 11/2007 mới có 12.148 tỉ đồng vốn điều lệ).

Theo Quyết định 24/2007/QĐ-NHNN, trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp giấy phép, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng số cổ phiếu phổ thông cho cổ đông sáng lập khác. Cổ đông thường chỉ được chuyển nhượng cổ phiếu cho cổ đông khác của chính ngân hàng đó. Dù chưa được chuyển nhượng tự do nhưng số tiền để góp vốn cổ phiếu là rất lớn.

Cuối năm 2006, một số cổ đông của các ngân hàng thương mại chuẩn bi nộp hồ sơ xin giấy thành lập đã rao bán quyền mua cổ phiếu với giá 14.000-15.000 đồng, nhưng hiện tại giá này chỉ còn 12.000-14.000 đồng.

Đối với các ngân hàng đã được chấp thuận về mặt nguyên tắc thì rủi ro về việc ngân hàng có khả năng không được cấp phép thành lập là rất ít, nhưng việc mua cổ phiếu trong 3-5 năm đầu của các nhà đầu tư không phải là cổ đông sáng lập hay cổ đông góp vốn của ngân hàng là không hợp lệ. Nếu có việc gì xảy ra tranh chấp thì các nhà đầu tư dễ bị thiệt hại.

Chị Linh (nhà đầu tư) nói: "Nếu lựa chọn giữa mua cổ phiếu của các ngân hàng sắp thành lập và các ngân hàng khác thì tôi thấy mua quyền mua cổ phiếu của các ngân hàng sắp chào bán thêm như SHB chắc chắn và nhanh có lãi hơn, mà giá thì như nhau".

Nói chung khi nhận định về giá cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới, các chuyên gia và các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng. Được thừa nhận là một lĩnh vực lợi nhuận cao, nhiều tiềm năng, nhưng cổ phiếu ngân hàng đang có nguy cơ không còn được coi là cổ phiếu "vua" trên thị trường vì mức độ pha loãng của nó.

Các nhà đầu tư vẫn có tâm lý chờ đợi giá IPO cổ phiếu VCB. Dù ít hay nhiều, giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc vào mức giá cổ phiếu VCB. Vì những lý do trên nên hiện nay các nhà đầu tư còn đang chần chừ chưa quyết định tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.