21:47 04/01/2007

Cổ phiếu ngành bảo hiểm đang bị cuốn theo PVI

Lan Hương

Phiên đấu giá cổ phần lần đầu của Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) vô tình đã đẩy giá các cổ phiếu bảo hiểm khác lên mức cao chưa từng thấy

Đã có tới gần 8.000 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần của PVI tại sàn Hà Nội.
Đã có tới gần 8.000 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần của PVI tại sàn Hà Nội.

Phiên đấu giá cổ phần lần đầu của Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) vô tình đã đẩy giá các cổ phiếu bảo hiểm khác lên mức cao chưa từng thấy.

Phiên này, diễn ra vào ngày 30/12/2006 vừa qua, mang lại những kỷ lục về số lượng người tham gia, về mức giá trúng thầu thấp nhất cũng như cao nhất.

Chưa bao giờ, số lượng cổ phần đặt mua trong một phiên đấu giá lại cao như phiên đấu giá cổ phần của PVI, với lượng đặt mua gấp 25,8 lần so với lượng chào bán. Trong tổng số gần 8.000 nhà đầu tư tham gia đấu giá chỉ có 349 người trúng thầu, gồm 4 tổ chức và 345 cá nhân. Giá trúng thầu thấp nhất là 142.200 đồng/cổ phiếu và giá bình quân là 160.250 đồng, giá cao nhất 11,5 triệu đồng/cổ phiếu, gấp 1.000 lần giá khởi điểm.

Giá trúng thầu phản ánh cung – cầu của thị trường, nhưng cao như giá của PVI có phản ánh tương đương với giá trị thực của doanh nghiệp hay không?

PVI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn thứ 3 tại Việt Nam. Cộng thêm thương hiệu PV của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVI trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Kết quả hoạt động những năm gần đây cho thấy, PVI vẫn được đánh giá là một doanh nghiệp bảo hiểm tiềm năng sẽ gắn bó hoạt động của mình cùng tập đoàn mẹ và các công ty thành viên PV.

Giữ vững thị phần trong nước, PVI đã bước đầu vươn ra thị trường quốc tế với các hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho KNOC với giá trị bảo hiểm hàng chục triệu USD (phí bằng vài % giá trị). Ngoài ra, áp lực tăng vốn để cung cấp các dịch vụ phức tạp, có giá trị bảo hiểm cao nên PVI sẽ sớm tăng vốn trong 2007.

Tuy nhiên, liệu có phải tất cả các yếu tố trên khiến cổ phiếu PVI thu hút được sự quan tâm đặc biệt như vậy?

Giá trúng thầu cao chứng tỏ sự kỳ vọng của các nhà đầu tư là tương đối lớn, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay khi mà bảo hiểm là một trong nhóm ngành tài chính - ngân hàng đang có tốc độ phát triển nhanh và phiên đấu giá chịu tác động tâm lý rất lớn từ thị trường niêm yết. Song sự kỳ vọng này liệu có là quá cao hay không?

Các chuyên gia ngành bảo hiểm thì thừa nhận rằng, sự kiện đấu giá PVI dù chưa phải là toàn bộ nhưng là nguyên nhân rất quan trọng tác động tới giao dịch cũng như giá của các cổ phiếu bảo hiểm khác.

Tại thời điểm ngày 4/1/2007, trên thị trường niêm yết, cổ phiếu của Tổng công ty Bảo Minh là 137.100 đồng/cổ phiếu (trước đó hai tuần mức giá giao dịch chỉ xoay quanh giá 80.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia (VNR) đạt 58.900 đồng/cổ phiếu (trước đó giá giao dịch ở mức trên 40.000 đồng).

Tại thị trường tự do, giá cổ phiếu của các công ty bảo hiểm đều tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi chỉ trong vòng 2 tuần. Cổ phiếu của Công ty Bảo hiểm Xăng dầu (Pjico) đã ngấp nghé ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của Công ty bảo hiểm Viễn Đông (VASS) là 49.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng (Bảo Long) 36.000 đồng/cổ phiếu.

Những công ty bảo hiểm mới ra đời như Toàn Cầu, Bảo Tín cũng đang được để ý và tìm mua, song vì lượng cung quá ít nên giao dịch hầu như không thực hiện được.

Nếu xét trên tương quan về ngành nghề, doanh thu thì khi giá của PVI đạt mức 142.000 đồng- 160.250 đồng/cổ phiếu thì giá của Bảo Minh, của Pjico không thể có sự khác biệt nhiều. Bởi Bảo Minh hiện đang là doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam và Pjico cũng chỉ xếp sau PVI.

Tuy nhiên, đến thời điểm 22/1/2007, tức là sau 10 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá, thị trường sẽ biết được giá mà nhà đầu tư chấp nhận mua PVI là bao nhiêu. Nếu nhiều nhà đầu tư từ chối quyền mua cổ phiếu PVI, tức là chấp nhận bỏ tiền đặt cọc, thì liệu giá các cổ phiếu bảo hiểm khác có bị ảnh hưởng?