16:01 13/06/2007

Cổ phiếu ngành dược: Đâu phải loại nào cũng hấp dẫn

Không phải cơ hội được chia đều cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm ở Việt Nam

Hiện nay, cả nước mới chỉ có 31/178 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP WHO, trong số đó có tới gần 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, cả nước mới chỉ có 31/178 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP WHO, trong số đó có tới gần 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Được đánh giá là một trong những ngành có nhiều tiềm năng phát triển và khả năng mang lại lợi nhuận cao, cổ phiếu của không ít doanh nghiệp dược phẩm đang trở thành mục tiêu săn lùng của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để đi tới quyết định “ôm” một lô cổ phiếu dược phẩm nào đó, các nhà đầu tư cần một cái đầu tỉnh táo.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), với dân số hơn 83 triệu người, tổng giá trị tiền thuốc sử dụng ở thị trường Việt Nam tăng hàng năm 15 - 17%, tiền thuốc bình quân đầu người tăng 12 - 14%/năm. Dự báo tới năm 2008, giá trị tổng thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt mức 1 tỷ USD.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh của thị trường, giá trị thuốc sản xuất trong nước cũng tăng nhanh trong tổng giá trị tiền thuốc. Xét về giá trị tiền thuốc, năm 2006, thuốc sản xuất trong nước chiếm 49,71% trong tổng giá trị tiền thuốc sử dụng, tăng 1,37% so với năm 2005. Ngành dược đang đặt mục tiêu thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được 60% nhu cầu sử dụng thuốc của cả nước vào năm 2010.

Tuy nhiên, dù thị trường dược phẩm nhiều tiềm năng như vậy, nhưng không phải cơ hội được chia đều cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm ở Việt Nam.

Theo ông Đống Viết Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh dược (VNPCA), không nhiều doanh nghiệp dược phẩm trong nước nhìn nhận đó như một cơ hội phát triển và thúc đẩy nguồn lực để tạo đà cho phát triển. Trong tổng số 156 doanh nghiệp dược phẩm trong nước, chỉ có một số ít doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội để mở rộng thị phần sản phẩm của mình, như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Mekophar, Domesco, Bidiphar, Vidipha, Traphaco…

Năm 2006, doanh thu từ sản xuất của các doanh nghiệp này đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng doanh thu của các doanh nghiệp dược phẩm trên toàn quốc.

Với các doanh nghiệp còn lại, cơ hội thực sự không nhiều, nhất là khi tới đây, ngành dược sẽ có một cuộc thanh lọc khá nghiệt ngã. Đó là khi Quyết định số 27/2007/QĐ-BYT ngày 19/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành lộ trình triển khai nguyên tắc “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP) và “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) được thực hiện.

Theo quyết định này, kể từ ngày 1/7/2008, doanh nghiệp sản xuất không đạt tiêu chuẩn GMP theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GMP WHO) và doanh nghiệp xuất nhập khẩu và kinh doanh dược có hệ thống kho bảo quản không đạt tiêu chuẩn GSP sẽ phải ngừng sản xuất và ngừng xuất nhập khẩu trực tiếp.

Điều này chắc chắn sẽ khiến không ít doanh nghiệp “biến mất” trên thị trường, bởi hiện nay, cả nước mới chỉ có 31/178 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP WHO, trong số đó có tới gần 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, nếu bây giờ mới tính chuyện đầu tư đạt chuẩn GMP WHO và GSP là quá muộn. Theo bà Nguyễn Thị Thuận, Giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco, phải mất tới 2 - 3 năm mới có thể hoàn tất công việc này, chưa kể phải huy động nguồn lực tài chính thực hiện. Để đạt tiêu chuẩn này, mỗi doanh nghiệp phải đầu tư trung bình khoảng 30 tỷ đồng - một con số không nhỏ với nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Cơn sốt cổ phiếu ngành dược được khởi phát từ cuối năm 2006, tuy tới nay đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ẩn chứa khả năng “nóng” trở lại. Tuy nhiên, theo lộ trình trên, sẽ có không ít doanh nghiệp sản xuất tân dược buộc phải ngừng hoạt động, chuyển từ trực tiếp sản xuất sang làm gia công cho các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn. Điều này chắc chắn sẽ gây “sốc” cho không ít nhà đầu tư đã lỡ “ôm” cổ phiếu của không ít doanh nghiệp thuộc loại này.