12:00 27/08/2008

Cổ phiếu tài chính - ngân hàng lại "lên hương"

Nhóm cổ phiếu của công ty chứng khoán có sức bật đầu tiên khi VN-Index phục hồi

Sau hơn hai tuần cuối tháng 7 "lình sình" dưới tác động của tăng giá xăng dầu, thị trường chứng khoán đã tăng tốc trở lại với mức điểm 561,67 điểm ngày 26/8.

Đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong đợt tăng này lại là nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng, những cổ phiếu vốn bị rẻ rúng suốt thời gian qua.

Kỳ vọng từ chính thị trường

Đáng chú ý nhất vẫn là nhóm cổ phiếu của công ty chứng khoán và các doanh nghiệp có tham gia đầu tư tài chính nhiều. Khi "gu" của thị trường thay đổi, những cổ phiếu vốn công bố mức lỗ nặng do trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán lại được săn lùng ráo riết.

Trong nhóm công ty chứng khoán niêm yết phải kể đến SSI, BVS, KLS, HPC. Nhóm doanh nghiệp đầu tư tài chính phải kể đến REE, SAM. Không chỉ rớt quá mạnh xuống mức giá chưa từng có, gần như toàn bộ những cổ phiếu này còn là blue-chip lừng lẫy một thời và là niềm tự hào cho nhà đầu tư nắm giữ nó.
 
Thương hiệu cùng quy mô vốn hóa lớn cũng là một yếu tố để thị trường có căn cứ yên tâm. Tuy nhiên, điều hấp dẫn từ những cổ phiếu này là kỳ vọng, hay đúng hơn là một sự đánh cược về khoản lợi nhuận bất thường trong lĩnh vực đầu tư tài chính.

Khi thị trường suy giảm không biết đâu là đáy, chính những khoản đầu tư này phải dự phòng giảm giá đã tạo nên khoản lỗ làm giật mình nhiều người. Tuy nhiên, xu hướng thị trường chứng khoán ấm lên, nhà đầu tư nhanh chóng kỳ vọng khoản lãi nhờ hoàn nhập dự phòng cũng sẽ lại gây giật mình một lần nữa.

Nhóm cổ phiếu của công ty chứng khoán có sức bật đầu tiên khi VN-Index phục hồi. Thứ nhất, tính thanh khoản đã trở lại đồng nghĩa với nguồn thu từ phí giao dịch như một nguồn sữa được tiếp nối. Trong thời kỳ thị trường mất thanh khoản, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán và các thành viên liên tục "kêu cứu" và đứng trước nguy cơ lỗ nặng từ mảng dịch vụ. Thậm chí Ủy ban Chứng khoán phải chỉ đạo thực hiện giảm phí thành viên.

Thứ hai, thị trường sôi động và trong xu hướng phục hồi thì "đất" làm ăn của mảng tự doanh của các công ty mở rộng. Đây mới là cơ hội lớn cho các công ty chứng khoán vì hoạt động đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu.

Đối với các doanh nghiệp đầu tư tài chính, giá chứng khoán tăng trở lại đồng nghĩa với khoản lỗ trên sổ sách giảm đi, thậm chí với một số doanh nghiệp còn đem lại lợi nhuận đáng kể. Nhiều doanh nghiệp "né" công bố trích lập dự phòng quý cũng có thể "thở phào" khi nghĩ đến cảnh thoát khỏi gánh nặng vào cuối năm.

Cổ phiếu ngân hàng đi lên từ khủng hoảng

Bóng đen của nguy cơ khủng hoảng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vốn là nỗi ác mộng đối với nhà đầu tư ôm cổ phiếu ngân hàng.

Tuy nhiên theo những thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tình trạng thanh khoản ở đa số ngân hàng đều đã trở nên tốt hơn nhiều. Giá cổ phiếu ngân hàng cả trên thị trường OTC lẫn niêm yết đều khởi sắc.

Trên sàn, STB và ACB có mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thị trường. STB từ đáy 19.500 đồng/cổ phiếu đã tăng lên tương đương gần 40.000 đồng/cổ phiếu nếu tính cả việc trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngày 26/8, STB đóng cửa mức trần 32.600 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng đặt mua với STB trung bình 5 phiên vào khoảng 8 triệu cổ phiếu/phiên, là mức cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu này. ACB tăng từ đáy 38.600 đồng/cổ phiếu lên 98.600 đồng/cổ phiếu ngày 26/8. Lượng mua trung bình cũng trên dưới 1,2 triệu cổ phiếu/phiên.

Trên sàn OTC, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng phản ứng rất nhạy với sàn niêm yết mà điển hình là MB (ngân hàng Quân đội) và VCB (Vietcombank). VCB đang được quan tâm trở lại với việc tăng từ mức trên dưới 30.000 đồng/cổ phiếu lên khoảng 53-55.000 đồng/cổ phiếu ngày 26.8 theo thông tin từ một số công ty chứng khoán.

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank ngày 26/8 cho biết ngân hàng đang xúc tiến nối lại đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài đồng thời đẩy nhanh việc niêm yết cổ phiếu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có những thông tin cụ thể liên quan đến vấn đề này.

Trong lần trao đổi với báo chí cuối tuần qua, ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank - cũng cho biết sẽ quyết tâm niêm yết trong năm 2008 nhưng phải ngã ngũ việc bán cho nhà đầu tư chiến lược. Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính, khó khăn lớn nhất vẫn là bất đồng về giá: "Đàm phán trong hoàn cảnh thị trường đuối, giá cổ phiếu giảm thì đương nhiên là ở thế yếu. Nên để cho Vietcombank có thời gian để có giá tốt nhất".

Bình luận về sức hấp dẫn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, ý kiến này cho rằng khi lo ngại về khủng hoảng qua đi thì thị trường sẽ nhận thấy ngân hàng vẫn là trụ cột của nền kinh tế. Mặc dù các biện pháp kiềm chế lạm phát có thể gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng nhưng về cơ bản, các ngân hàng vẫn có điều kiện phát triển trong thời gian tới.

"Mặc dù lạm phát cao nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng. Xuất nhập khẩu và sản xuất trong nước vẫn phát triển. Lãi suất cho vay cao đang là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp. Tình hình này làm đình trệ các dự án đầu tư mở rộng sản xuất và không thể tiếp tục kéo dài. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ý thức được điều này. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ ngay khi lạm phát đã được kiểm soát và có dấu hiệu chắc chắn là giảm dần. Điều đó có nghĩa là phải thúc đẩy tăng trưởng, không để xảy ra đình trệ hậu lạm phát".

Mặt khác, việc hạn chế thành lập ngân hàng mới cũng tạo điều kiện củng cố lĩnh vực ngân hàng, nâng cao năng lực và quy mô. Việc tạo tiền lệ cho một cổ đông chiến lược nước ngoài sở hữu 20% vốn trong ngân hàng cho thấy cách nhìn thoáng hơn về vai trò của ngân hàng nước ngoài với tư cách cổ đông chiến lược. Sự kiện này chắc sẽ được mở rộng cho khối các ngân hàng thương mại cổ phần và đây là tin vui cho các ngân hàng nước ngoài đang và sẽ đóng vai trò là cổ đông chiến lược.
 
(Theo Lao Động)