16:14 01/03/2007

“Cổ phiếu tăng giá, ngân hàng không được lợi”

Đức Thọ

Nhận định của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng thư kí Hiệp hội Ngân hàng, về sự sốt giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại

"Trong thời đại toàn cầu hóa, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải có sự hợp tác để học tập những kinh nghiệm nước ngoài" - Ảnh: Đức Thọ.
"Trong thời đại toàn cầu hóa, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải có sự hợp tác để học tập những kinh nghiệm nước ngoài" - Ảnh: Đức Thọ.
Nhận định của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng thư kí Hiệp hội Ngân hàng, về sự sốt giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại.

Trả lời báo giới, theo ông Nghĩa, không phải ở thị trường chứng khoán nào khi cổ phiếu tăng gấp nhiều lần mệnh giá ban đầu thì ngân hàng đều được hưởng lợi. Trên thực tế, các ngân hàng chỉ được lợi ở khoản tiền phát hành ban đầu, còn lại mọi giao dịch là các nhà đầu tư và các bên liên quan hưởng với nhau.

Ông có cho rằng việc niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ giúp các ngân hàng nhanh chóng gia tăng sức mạnh tài chính trước xu thế cạnh tranh ngày càng khốc liệt?

Thật ra, việc tăng năng lực tài chính của mỗi ngân hàng đều phải thực hiện bằng nhiều hình thức, nhiều kênh huy động khác nhau. Đó là việc cho các cổ đông nước ngoài góp vốn vào, huy động vốn của các cổ đông và niêm yết trên thị trường chứng khoán để huy động vốn từ công chúng.

Mỗi một hình thức này đều có ưu điểm riêng. Riêng đối với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, đây là một kênh huy động vốn rất nhanh bởi nó được đông đảo công chúng tiếp cận. Tuy nhiên, việc tăng bao nhiêu thì các ngân hàng phải tính toán thật kỹ lưỡng bởi sẽ có áp lực về mặt cổ tức.

Thành thành viên WTO, thị trường tài chính Việt Nam, nhất là lĩnh vực ngân hàng, sẽ có nhiều thay đổi. Theo ông, đó là những thay đổi nào?

Trước thời gian mở cửa, thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam được coi là thị trường của hệ thống ngân hàng trong nước. Sau khi mở cửa với các cam kết cụ thể, thị trường đã có những yếu tố nước ngoài dưới hình thức ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tại Việt Nam. Điều này đã vừa tạo nên sức ép vừa tăng khả năng cạnh tranh cho các ngân hàng trong nước.

Tuy nhiên, các ngân hàng trong nước, trong đó là ngân hàng thương mại của Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo có thị phần chi phối, chiếm tới trên 70% thị phần, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng chiếm khoảng trên 10%. Còn lại, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính, tín dụng khác cũng chỉ chiếm trên 10%.

Sắp tới, trong thời điểm chúng ta gia nhập WTO, bức tranh của các hệ thống tổ chức tài chính cũng như thị trường tài chính tiền tệ của chúng ta sẽ có sự thay đổi. Cụ thể là thị phần của các ngân hàng trong nước sẽ giảm xuống và những yếu tố của các ngân hàng nước ngoài sẽ tăng lên dưới những hình thức chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh và ngân hàng con 100% vốn nước ngoài.

Đây là một sự thách thức đối với các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, đó cũng đồng thời là yếu tố để thúc đẩy sự phát triển cạnh tranh của các ngân hàng trong nước.

Trong những thay đổi đó, liên kết, tìm đối tác chiến lược nước ngoài là một xu hướng?

Các ngân hàng của chúng ta thời gian vừa qua đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tăng cường các năng lực cạnh tranh bằng cách tăng cường năng lực quản trị kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ, tăng năng lực hiện đại hóa công nghệ.

Một số ngân hàng trong nước cũng mong muốn chọn cổ đông chiến lược nước ngoài để tranh thủ được nguồn vốn của nước ngoài, tranh thủ học tập kinh nghiệm quản lý của các ngân hàng nước ngoài bởi những ngân hàng này đã có bề dày kinh nghiệm và phát triển trước chúng ta rất nhiều, tăng cường công nghệ ngân hàng.

Tuy nhiên, trong quy chế của mình cũng như trong cam kết của Việt Nam đối với việc gia nhập WTO thì tổng số cổ phần của các tổ chức nước ngoài tham gia vào trong ngân hàng thương mại không được quá 30%.

Trong thời điểm hiện nay, một số các ngân hàng trong nước cũng đã được phép để làm thí điểm trong việc có cổ đông nước ngoài tham gia vào trong vốn điều lệ của mình. Về mặt Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có một văn bản quy định chính thức nào cho các ngân hàng khác cũng được làm như vậy và hiện nay cũng chỉ mới có một số ngân hàng được phép

Ông có cho rằng mức 30% là hợp lý?

Theo tôi, mức 30% này trong điều kiện hiện nay là tương đối hợp lý bởi chúng ta có nhiều hình thức khác nhau.

Đó là ngân hàng nước ngoài được tham gia vào thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau, tức là các chi nhánh của họ đã có được 100% vốn rồi, các ngân hàng liên doanh có thể được tham gia với mình không quá 50% trong vốn ngân hàng liên doanh, còn với các ngân hàng cổ phần khác họ lại được đến 30%, ngoài ra họ lại được mở ngân hàng con vốn 100% của họ nữa.

Tức là cần phải có một lộ trình để có sự thay đổi trong tỷ lệ này?

Đúng, cam kết của chúng ta như tôi đã nói, nhưng lộ trình thì phải từ từ. Bởi việc các cổ đông nước ngoài, bên cạnh ưu điểm là có sự tham gia góp vốn của cổ đông nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng chúng ta có điều kiện để phát triển tốt, cả về năng lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản lý lẫn các bạn hàng chiến lược.

Tuy nhiên, các ngân hàng nước ngoài cũng có sự lựa chọn một số ngân hàng tương đối có các điều kiện của người ta, đó là những ngân hàng lành mạnh, có quy mô nhất định chứ không phải ngân hàng nào họ cũng muốn tham gia.

Ông đánh giá thế nào về xu hướng hợp tác trong ngành ngân hàng Việt Nam?

Không chỉ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng mới có xu hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài mà là xu hướng chung của giai đoạn đầu hội nhập. Và xu hướng hợp tác này không chỉ ở Việt Nam mà kể cả các quốc gia trong khu vực.

Trong thời đại toàn cầu hóa, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải có sự hợp tác để học tập những kinh nghiệm nước ngoài, tất nhiên việc hợp tác này có nhiều dạng khác nhau. Không chỉ là việc góp vốn, mua cổ phần lẫn nhau, thuê chuyên gia mà còn nhiều hình thức khác nữa.

Thực tế mà nói, việc hợp tác này rất đa dạng, có thể cùng triển khai hoạt động thẻ giữa ngân hàng Việt Nam với các tổ chức nước ngoài, các đại lý cung ứng dịch vụ này, đồng tài trợ những dự án tại Việt Nam.

Cũng đã có những ý kiến tỏ ra lo ngại về sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, thậm chí biến chúng ta thành người làm thuê. Tôi thì không cho là vậy, bởi luật pháp Việt Nam đã cho phép thực hiện sau cam kết song cũng đã có những chủ quyền của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Hơn nữa, đứng về mặt luật pháp thì các đối tác phải bình đẳng với nhau. Tất nhiên sẽ có một số ngân hàng 100% vốn nước ngoài hay chi nhánh của họ có người Việt Nam vào làm việc song cũng sẽ có nhiều người nước ngoài vào làm cho các ngân hàng Việt Nam mà chúng ta là chủ.