09:49 27/09/2007

Có thể bỏ khống chế tỷ lệ lao động nước ngoài

Dũng Hiếu

Tỷ lệ lao động nước ngoài không được quá 3% tổng số lao động trong doanh nghiệp có thể sẽ được bãi bỏ

Tính hết năm 2006, đã có 34.117 người lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.
Tính hết năm 2006, đã có 34.117 người lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.
Điểm mới nhất của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 105/2003/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 9 là việc bãi bỏ quy định về tỷ lệ lao động nước ngoài làm việc trong doanh nghiệp không được quá 3% tổng số lao động trong doanh nghiệp.

Đây là bước làm cần thiết phù hợp với Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp. Như vậy, thay vì quản lý bằng việc khống chế số lượng, tới đây, sẽ chỉ quản lý lao động nước ngoài bằng chất lượng. Nghĩa là sẽ chỉ cấp phép cho lao động nước ngoài có trình độ vào các vị trí mà lao động trong nước không đảm nhận được.

Lao động nước ngoài vào Việt Nam tăng

Theo báo cáo của 38 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và 20 ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, tính hết năm 2006, đã có 34.117 người lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam (năm 2005 là 21.117 người và năm 2004 là 12.602 người). Số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng trung bình 60% mỗi năm từ 2004 (năm 2005 tăng 68,4% và năm 2006 tăng 61% so với năm trước đó).

Số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu là người mang quốc tịch Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Anh, Pháp... Nếu tính theo châu lục thì lao động mang quốc tịch châu Á chiếm khoảng 57%, châu Âu chiếm 14%, còn lại là các châu lục khác chiếm khoảng 29%.

Có một thực tế, trên lý thuyết không “mở cửa” đối với lao động nước ngoài trình độ thấp vào làm việc, thế nhưng trong tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có tới 49,9% lao động chỉ có trình độ cao đẳng trở xuống. Lao động nước ngoài làm quản lý chỉ chiếm 31,8%; lao động làm chuyên gia kỹ thuật chiếm 41,2% và lao động khác chiếm 27%. Số người nước ngoài có trình độ đại học trở lên chiếm 46,5% và nghệ nhân những ngành nghề truyền thống chiếm 3,6%. Hiện số lượng lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động chỉ chiếm 35,5%.

So với Nghị định 105/2003-NĐ-CP, dự thảo Nghị định về tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo xin ý kiến các ngành liên quan mới đây có nhiều điểm mới.

Đối tượng áp dụng của Nghị định là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu sử người nước ngoài đã được mở rộng, trong đó bổ sung một số hình thức cho phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO như: di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; thực hiện các loại hợp đồng về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao; nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; chào bán dịch vụ.

Mở rộng đối tượng và hình thức

Bên cạnh việc mở rộng đối tượng nước ngoài vào Việt Nam làm việc phải xin cấp giấy phép lao động và không khống chế tỷ lệ lao động nước ngoài mà doanh nghiệp được tuyển dụng, Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể từng trường hợp tuyển dụng người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức: hợp đồng lao động; di chuyển nội bộ doanh nghiệp; thực hiện các loại hợp đồng (không phải hợp đồng lao động); chào bán dịch vụ.

Theo quy định trước đây, lao động nước ngoài làm việc cho môt tổ chức, cơ quan... vào nước ta để thực hiện hợp đồng với các tổ chức, cơ quan trong nước thì không phải xin giấy phép lao động, nhưng Dự thảo Nghị định mới yêu cầu tất cả lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam đều phải xin giấy phép, trừ lao động làm việc dưới 3 tháng, lao động là chủ doanh nghiệp và lao động chào bán dịch vụ. Người lao động khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh sẽ buộc phải xuất trình giấy phép lao động.

Trước đây, theo Nghị định số 105, trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp xin tuyển lao động nước ngoài vượt quá tỷ lệ 3% hoặc gia hạn giấy phép lao động nước ngoài sẽ phải trình chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định thì với Dự thảo Nghị định mới, vấn đề này sẽ được giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nhằm kiểm soát người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, Dự thảo cũng bổ sung thêm quy định: người nước ngoài xuất trình giấy phép lao động khi làm các thủ tục về nhập cảnh, gia hạn thị thực và xuất trình theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.