16:12 09/02/2009

Có thể mở cửa sớm một số lĩnh vực dịch vụ để thu hút FDI

Đây là một trong những giải pháp của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong hai năm 2009 và 2010

Cảng biển là một trong những lĩnh vực được ưu tiên.
Cảng biển là một trong những lĩnh vực được ưu tiên.
Mở cửa sớm hơn một số lĩnh vực dịch vụ là một trong những giải pháp nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong hai năm 2009 và 2010, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1.

Theo Bộ, việc ban hành một số giải pháp mở cửa sớm hơn mức độ cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với một số lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có nhu cầu như: văn hóa - y tế - giáo dục, bưu chính - viễn thông, hàng hải, hàng không, sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư nhanh chóng hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh suy giảm kinh tế cũng như suy giảm về nguồn FDI trên toàn cầu.

Sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào đang là nhân tố quan trọng gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư, nhất là hệ thống cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển phục vụ nhu cầu sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa.

Nổi cộm nhất hiện nay là hệ thống giao thông ở khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng ở các khu kinh tế mới được thành lập gần đây như Chân Mây, Nhơn Hội, Nam Phú Yên... phát triển quá chậm so với nhu cầu đầu tư phát triển các dự án FDI và đang cản trở việc giải ngân triển khai các dự án FDI trong các khu kinh tế này.

Nhằm nhanh chóng cải thiện những bất cập về cơ sở hạ tầng, Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ tiến hành tổng rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020 làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Bộ khẳng định tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này và dành sự ưu tiên cho các dự án: cấp - thoát nước, vệ sinh môi trường; hệ thống đường cao tốc; nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt sản xuất và sử dụng điện từ các loại năng lượng mới; mở rộng hình thức cho thuê cảng biển cũng như đối tượng cho phép đầu tư vào dịch vụ cảng biển, đặc biệt là dịch vụ hậu cần cảng biển.

* Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực FDI đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển ở Việt Nam. Trong 3 năm qua, vốn FDI thực hiện đã đạt 23,6 tỷ USD và ngày càng gia tăng tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội: năm 2006 chiếm tỷ lệ 16,2%, năm 2007 lên tới 24,8% và năm 2008, với mức giải ngân tăng 44% so với năm 2007, tỷ lệ này còn cao hơn nữa.

(TTXVN/Vietnam+)