11:16 06/08/2010

Coffee Bean & Tea Leaf chê cà phê Việt Nam

Đại diện The Coffee Bean & Tea Leaf toàn cầu cho biết lý do tại sao chuỗi cửa hàng cà phê lớn này chưa chọn mua cà phê Việt Nam

Một cửa hàng của The Coffee Bean & Tea Lea tại Singapore.
Một cửa hàng của The Coffee Bean & Tea Lea tại Singapore.
The Coffee Bean & Tea Leaf đang mua cà phê nhân từ hơn 16 quốc gia để chế biến thành các sản phẩm đồ uống cà phê được bán tại chuỗi cửa hàng này khắp thế giới, trong đó có 4 cửa hàng tại Việt Nam.

Điều hơi ngạc nhiên là trong danh sách các quốc gia này chưa có Việt Nam.

Ông Jay Isais, Giám đốc cao cấp phụ trách cà phê và sản xuất của The Coffee Bean & Tea Leaf toàn cầu đã cho biết lý do tại sao chuỗi cửa hàng cà phê lớn này chưa chọn mua cà phê Việt Nam trước khi ông rời Việt Nam ngày 4/8 sau khi kết thúc chuyến công tác tại thị trường này.

Ông có thể đánh giá chất lượng cà phê nhân của Việt Nam hiện nay và tiêu chuẩn để The Coffee Bean & Tea Leaf chọn mua?

Khi đánh giá chất lượng cà phê, chúng tôi xem xét hai yếu tố chính. Quan trọng nhất là chất lượng và vị của cà phê được chúng tôi kiểm tra và đánh giá thông qua các mẫu thử, không phân biệt mẫu cà phê được trồng từ Việt Nam, Colombia hay châu Phi. Chúng tôi tiến hành theo quy trình rang và xay cà phê nhân, pha rồi nếm để cho điểm. Khi một mẫu cà phê đạt một thang điểm khiến chúng tôi quan tâm thì chúng tôi sẽ tìm hiểu nguồn gốc, giá cả và nguồn cung.

Yếu tố thứ hai liên quan đến tính độc đáo của sản phẩm khi so sánh với sản phẩm từ các thị trường khác. Chúng tôi cũng quan tâm đến cách quản lý đồn điền cà phê, xem các chủ đồn điền có thể hiện trách nhiệm với môi trường và với nhân công cũng như tâm huyết của họ trong việc trồng và phát triển cây cà phê. Việt Nam có những nông dân đam mê ngành cà phê và điều mà chúng tôi mong chờ ở thị trường này là chất lượng cà phê được nâng cao đến mức đạt tiêu chuẩn của chúng tôi.

Chắc rằng ông đã uống thử cà phê của Việt Nam. Vậy, ông cho chất lượng cà phê của Việt Nam được bao nhiêu điểm?

Cà phê được xem là đạt tiêu chuẩn khi được tối thiểu 80 điểm trên thang điểm 100 mà chúng tôi áp dụng để đánh giá các mẫu cà phê. Tôi có thể nói rằng điểm cho cà phê Việt Nam hiện ở mức 70, gần đạt mức tối thiểu của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi đã nhìn thấy nhiều tiến triển trong việc nâng cao chất lượng cà phê của Việt Nam từ mức 60 điểm lên mức 70 điểm. Tôi cho rằng trong một vài năm tới cà phê Việt Nam có thể đạt mức 80 và có tiềm năng đạt 85 và thậm chí 90 điểm.

Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến một trong các vấn đề của ngành cà phê hiện nay là nông dân vẫn còn hái nhiều trái cà phê xanh, chứ không đợi khi tất cả đề đã chín, và điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê.

Theo ông, làm thế nào để nông dân ngừng hái cà phê xanh và phải chăng Chính phủ cần có chương trình khuyến khích họ góp phần vào việc nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam?

Mỗi nước có điều kiện kinh tế khác nhau, nhưng nhìn chung nếu chất lượng cà phê được nâng cao thì nông dân sẽ bán được giá cao hơn. Thông điệp này cần được gửi đến những người trồng cà phê. Tôi biết những gì mà Costa Rica đang làm để giải quyết vấn đề này. Đất nước này áp dụng mức giá cà phê chuẩn và rồi mức giá này sẽ hạ thấp cho các bao cà phê có nhiều trái xanh và nâng cao hơn cho các bao cà phê có quả đạt chất lượng. Một lẽ tự nhiên, khi người trồng cà phê hiểu rằng họ sẽ bán được giá cao hơn đối với cà phê có chất lượng tốt hơn thì chắc hẳn họ sẽ tìm cách nâng cao chất lượng cà phê họ thu hoạch.

Theo tôi, châu Á sẽ là khu vực sản xuất cà phê sôi động nhất của thế giới vì các khu vực khác như vùng trung châu Mỹ đã được khai thác hết tiềm năng và do vậy khó có thể mở rộng hơn nữa. Nhưng có ai biết hết tiềm năng của châu Á đâu, và Việt Nam là một phần của khu vực này. Việt Nam đã cho thế giới thấy đất nước này đã vươn lên như thế nào để trở thành nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới chỉ trong một thời gian khoảng 10 năm. Tôi nghĩ có những mô hình phát triển cà phê robusta và arabica mà Việt Nam có thể áp dụng… vì hiện nay đã có một số nước ở châu Á đã sản xuất cà phê arabica.

Cơ hội nào để The Coffee Bean & Tea Leaf mua cà phê của Việt Nam?

Cơ hội là rất lớn. vấn đề chỉ là thời gian để chất lượng cà phê Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn của chúng tôi. Theo tôi, hầu hết những người trồng cà phê ở Việt Nam đã quen trồng cà phê robusta và việc chế biến cũng đã dễ dàng. Sản xuất cà phê arabica thì mất công và thời gian hơn, nhưng việc phát triển loại cà phê này tại Việt Nam đang tiến triển rất tốt trong các năm qua và có thể đạt tới mức tiêu chuẩn của chúng tôi trong 3 hay 4 năm tới.

Ngay cả đối với cà phê robusta, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm, để tăng doanh thu ngay chính tại thị trường nội địa… Và việc tăng chất lượng sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc tăng thu nhập cho nông dân.

Mộng Bình (TBKTSG)