07:28 17/01/2014

Còn 9 công ty chứng khoán phớt lờ tách bạch tài khoản

Hoàng Xuân

Vẫn còn tới 9 công ty chứng khoán chưa tuân thủ quy định, phớt lờ quy định tách bạch tài khoản

Theo đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan này thời gian qua
 đã kiểm tra rất chặt tiến độ thực hiện của công ty chứng khoán và yêu 
cầu hàng tháng các công ty phải báo cáo.
Theo đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan này thời gian qua đã kiểm tra rất chặt tiến độ thực hiện của công ty chứng khoán và yêu cầu hàng tháng các công ty phải báo cáo.
Ngày 16/1/2014, tức là một ngày ngay sau thời hạn cuối theo quy định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công khai danh sách các công ty chứng khoán tuân thủ và vi phạm quy định về quản lý tiền của khách hàng. Hành động này đã phát đi một thông điệp quan trọng về sự quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc không nhượng bộ đối với những vi phạm của công ty chứng khoán.

Trong danh sách này, ngoài 80 công ty chứng khoán đã thực hiện theo quy định, 15 công ty chứng khoán không thực hiện vì không hoạt động môi giới, thì vẫn còn tới 9 công ty chứng khoán chưa tuân thủ quy định, phớt lờ quy định.

Trong 9 công ty chưa tuân thủ này thì có 5 công ty chỉ có biên bản thỏa thuận hợp tác về việc cung cấp dịch vụ ký với ngân hàng thương mại (như: Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia, Công ty Chứng khoán Tonkin, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam, Công ty Chứng khoán Alpha, Công ty Chứng khoán Xuân Thành); 4 công ty không thực hiện (như: Công ty Chứng khoán Kenanga Việt Nam, Công ty Chứng khoán Việt Quốc, Công ty Chứng khoán Hoàng Gia và Công ty Chứng khoán Kỹ thương).

Theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 50 Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, các công ty chứng khoán phải thực hiện quy định về việc quản lý tiền của khách hàng theo phương thức khách hàng mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại.

Đại diện Vụ Quản lý kinh doanh cho biết, với quy định này, các công ty chứng khoán buộc phải thực hiện quản lý tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng. Khách hàng sẽ mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn, để quản lý tiền giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, công ty chứng khoán có thể đưa ra lựa chọn thứ hai: công ty mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng. Tài khoản chuyên dụng phải mở riêng biệt và tách bạch với các tài khoản khác của công ty chứng khoán. Quy định tại Thông tư 210 cũng nêu rõ, thời hạn để công ty chứng khoán hoàn thiện việc cung cấp hệ thống tách bạch tiền gửi của khách hàng là 15/1/2014.

Theo đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan này thời gian qua đã kiểm tra rất chặt tiến độ thực hiện của công ty chứng khoán và yêu cầu hàng tháng các công ty phải báo cáo. Sau ngày 15/1/2014, các công ty vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và có thể xem xét đình chỉ hoạt động môi giới.

Vấn đề tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng trở nên cấp bách sau những vụ việc công ty chứng khoán lợi dụng tài khoản, thậm chí là chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng cho các mục đích khác sau đó mất khả năng thanh toán.

Cơ quan quản lý nhà nước đã yêu cầu các công ty chứng khoán triển khai ngay việc tách bạch tài khoản, nhưng vẫn có nhiều ý kiến phản ánh yêu cầu như vậy có thể gây khó khăn cho cả khách hàng lẫn công ty chứng khoán, làm giảm tốc độ giao dịch. Sự chần chừ này đã khiến cho lộ trình thực hiện việc tách bạch tiền gửi chứng khoán tại các công ty chứng khoán đã bị chậm lại 3 năm so với mục tiêu ban đầu.

Là nơi quản lý trực tiếp họat động của khối công ty chứng khóan, Vụ quản lý kinh doanh, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đã luôn luôn khẳng định rằng cơ quan quản lý sẽ làm rất chặt để đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán bù trừ bởi tách bạch tài khoản được xem là biện pháp phòng ngừa rủi ro đạo đức tại các công ty chứng khoán.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu với Trung tâm Lưu ký, bất kỳ công ty chứng khoán nào dù chỉ một lần thiếu khả năng thanh toán là sẽ xem xét đình chỉ ngay. Chúng tôi đặt mục tiêu an toàn tài chính, tiền và tài sản của khách hàng. Mục tiêu của chúng tôi là giữ an toàn hệ thống. Nếu các công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hình ảnh toàn thị trường chứng khoán”, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh cho biết.

Năm 2013 tiếp tục là giai đoạn đầy thách thức của thị trường chứng khoán nói chung và các công ty chứng khoán nói riêng. 9 tháng đầu năm 2013 có 41/92 công ty thua lỗ; có 52/92 công ty có lợi nhuận chưa phân phối âm, trong đó có 7 công ty có lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ.

Theo báo cáo của HNX, những thử thách của thị trường khiến các công ty chứng khoán tăng cường quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ phục vụ nhà đầu tư. Doanh thu giảm nên các công ty chứng khoán cũng đã cắt giảm mạnh chi phí, do đó lợi nhuận sau thuế bình quân của các công ty chứng khoán năm 2012 vẫn vẫn đạt 1.086 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2013 đạt 1.489 tỷ đồng. ROE bình quân của các công ty chứng khoán năm 2012 đạt 3,32% và 9 tháng đầu năm 2013 đạt 4,18%.

Các công ty chứng khoán lớn, hoạt động hiệu quả vẫn được khách hàng tin cậy và tập trung giao dịch ở đây. Tính đến 31/10/2013, tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán là 1.304.295 tài khoản, tăng 3,25% so với thời điểm 31/12/2012.  

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)