11:47 20/05/2007

Con đường thuốc độc

Trước áp lực quốc tế, gần đây Chính phủ Trung Quốc đã cam kết làm sạch ngành công nghiệp dược

Một bệnh nhân Trung Quốc bị nhiễm độc glycerine giả tại Quảng Châu.
Một bệnh nhân Trung Quốc bị nhiễm độc glycerine giả tại Quảng Châu.
Sau nhiều lần bác bỏ, mới đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phải thừa nhận rằng công ty liên quan tới việc sản xuất thuốc giả gây chết người ở Panama đã không có giấy phép kinh doanh dược phẩm.

Tuy nhiên bà Jiang Yu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, không hề đề cập tới hai công ty mà phóng sự điều tra của nhật báo The New York Times (NYT) tuần trước nêu lên như là thủ phạm chính của vụ này: Công ty Taixing Glycerine và Công ty Thương mại quốc doanh CNSC Fortune Way.

Theo điều tra của NYT, 46 thùng glycerine giả (glycerine là chất tạo vị ngọt dùng trong dược phẩm, thực phẩm) - thực chất là chất cực độc diethylene glycol (là chất chống đông trong công nghiệp) - từ nhà máy của Taixing Glycerine được chuyển dịch lòng vòng qua Công ty CNSC Fortune Way tại Bắc Kinh trước khi vận chuyển đến Barcelona (Tây Ban Nha) rồi đến cảng Colon của Panama.

Trên các giấy chứng nhận chất lượng, lô hàng này đều được khẳng định là glycerine 99,5% nguyên chất. Qua ba châu lục không ai kiểm tra chất lượng thực tế của lô hàng, nguồn gốc hàng hóa được thay đổi để người mua không còn nhận ra xuất xứ và nhà sản xuất.

Ngỡ đây là glycerine thật, ngành y tế Panama đã dùng nó để pha vào 260.000 chai thuốc trị cảm cúm; hậu quả là 365 người chết, phần lớn là trẻ em. Đến nay Panama đã khẳng định được hơn 100 trường hợp tử vong do ngộ độc diethylene glycol, việc khai quật tử thi để tìm hiểu đang diễn ra rất khẩn trương trước khi các thi thể bị phân hủy.

Panama là nạn nhân mới nhất. Báo NYT cho rằng trong hai thập niên qua có ít nhất tám vụ ngộ độc tập thể liên quan đến glycerine giả, số người chết có thể lên tới hàng chục ngàn mà trong đa số trường hợp nguồn gốc của chất độc không xác định được. Ngoài hai vụ ngộ độc lớn ở Panama và Trung Quốc, glycerine giả cũng đã gây tai họa ở Haiti, Bangladesh, Argentina, Nigeria và hai lần ở Ấn Độ.

Việc sản xuất và xuất khẩu glycerine giả liên quan tới một trong những tay môi giới hóa chất đã bị bắt hồi đầu năm nay tên là Wang Guiping - 41 tuổi, nguyên là một thợ may có trình độ lớp 9. Không có chút kiến thức hóa học nào, anh ta kiếm tiền bằng cách bán hóa chất công nghiệp dưới nhãn hóa chất dùng trong dược phẩm; anh ta làm giả cả giấy phép và bảng phân tích hóa lý của phòng thí nghiệm. Giá mỗi tấn glycerine thật vào khoảng 15.000 nhân dân tệ, trong khi chất diethylene glycol dùng trong công nghiệp chỉ có giá 6.000 - 7.000 Nhân dân tệ, khoảng 780 Đôla Mỹ.

Đầu năm 2005 Công ty Dược Qiqihar số 2 ở tỉnh Hắc Long Giang đã mua glycerine giả của anh ta qua giới thiệu trên một trang web và dùng nó pha chế năm loại dược phẩm, trong đó có thuốc tiêm Amillarisin A trị bệnh viêm túi mật. Tháng 4 năm ngoái một bệnh viện lớn ở Quảng Châu sử dụng thuốc này và hậu quả là 18 người chết trong vòng một tháng; Công ty Qiqihar bị đóng cửa.

Mười năm trước ở Haiti sau khi 88 trẻ em chết vì ngộ độc diethylene glycol các điều tra viên lần ra chất độc có nguồn gốc từ một nhà máy ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc nhưng nỗ lực tìm đến tận nơi để nghiên cứu của họ đã bị chính quyền Trung Quốc cản trở; hơn một năm sau họ mới được phép đến nơi thì nhà máy bị tình nghi đã đóng cửa, hồ sơ bị tiêu hủy.

Báo NYT nói rằng chính nhà máy này đã xuất khoảng 50 tấn glycerine giả vào Mỹ năm 1995, bán cho một công ty ở Chicago là Avatar nhưng vụ lừa đảo bị phanh phui trước khi kịp gây hậu quả. Tại Bangladesh năm 1992, các điều tra viên tìm được chất độc trong bảy nhãn hiệu thuốc cảm sau khi đã có vô số trẻ em tử vong. Một bác sĩ nhi khoa, ông Michael Bennish, đánh cắp mẫu các loại thuốc này mang về Mỹ và một phòng thí nghiệm ở Massachusetts đã xác nhận chúng bị nhiễm độc. Trên tạp chí y khoa BMJ năm 1995 bác sĩ Michael Bennish cho rằng căn cứ theo số lượng thuốc đã phân phối, số người chết phải là “hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn” mà không được ghi nhận đầy đủ.

Trong một xì căng đan khác, Trung Quốc cũng đã thừa nhận hai công ty của họ xuất khẩu nguyên liệu thức ăn gia súc bị nhiễm độc sang Mỹ, dẫn tới cái chết của 4.000 con chó, mèo và dấy lên đợt thu hồi thức ăn gia súc lớn nhất trong lịch sử nước này.

Hai công ty Xuzhou Anying Biologic Technology ở Giang Tô và Binzou Futian Biology Technology ở Sơn Đông bị cáo buộc đã trộn chất melamine - một hóa chất dùng trong công nghiệp nhựa và phân bón, vào tinh bột mì và bột gạo bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phải cử người sang Trung Quốc điều tra mặc dù Trung Quốc liên tiếp phủ nhận việc xuất khẩu tinh bột mì và bột gạo nhiễm độc sang Mỹ.

Một số nhà máy hóa chất ở Trung Quốc còn tiết lộ họ thường bán chất acid cyanuric - chất diệt côn trùng trong bể bơi - cho khách hàng trộn vào nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc. So với melamine, acid cyanuric rẻ hơn nên mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Mới đây Mỹ đã cấm nhập khẩu tinh bột mì Trung Quốc và yêu cầu các cơ quan thương mại phải kiểm tra chặt việc nhập khẩu glycerine để phát hiện diethylene glycol.

Trước áp lực quốc tế, gần đây Chính phủ Trung Quốc cam kết làm sạch ngành công nghiệp dược. Tháng 12 năm ngoái, hai quan chức ngành quản lý dược bị bắt vì bị cáo buộc nhận hối lộ để cấp phép các loại thuốc; còn theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 440 vụ làm thuốc giả, thuốc nhái đã bị ngăn chặn. Song với thói quen kinh doanh chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, tình trạng làm hàng giả hàng nhái lan tràn cùng với tệ nạn tham nhũng, các nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc xem ra chưa có hiệu quả.