08:19 20/04/2007

“Còn quá sớm để đưa ra một phán quyết”

Thùy Trang

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ David M. Spooner nói về cơ chế giám sát xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam của Mỹ

Ông David M. Spooner.
Ông David M. Spooner.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ David M. Spooner đang có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu về tình hình dệt may của Việt Nam có vi phạm đối với luật chống phá giá của Mỹ. Phiên điều trần đầu tiên về cơ chế giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tổ chức vào ngày 24/4 tới tại Washington.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề này.

Cơ chế giám sát này có áp dụng với nước nào khác ngoài Việt Nam không? Nếu như không áp dụng với nước khác thì tại sao Việt Nam lại bị áp dụng?

Về các số liệu nhập khẩu, chúng tôi tiến hành thu thập số liệu của Việt Nam cũng như của các nước khác nữa. Nhưng riêng với trường hợp của Việt Nam, chúng tôi đang giám sát chặt chẽ.

Lí do là khi Quốc hội Mỹ cân nhắc thông qua việc Việt Nam gia nhập WTO thì hai thượng nghị sĩ Elizabeth Dole và Linsey Graham thuộc bang Bắc và Nam Carolina, có trình dự thảo luật đề nghị Quốc hội phải gắn vấn đề dệt may với quyền lợi của hai bang này. Để Quốc hội thông qua, chính quyền Mỹ hứa sẽ giám sát xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam để đảm bảo nếu Việt Nam có vi phạm gì sẽ ngăn chặn ngay.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng trong khi chúng tôi muốn đảm bảo không có ai vi phạm luật thương mại của nước Mỹ thì chúng tôi cũng không muốn việc giám sát thương mại có ảnh hưởng đến bất cứ nước nào.

Trong chuyến làm việc này, phía Mỹ có phát hiện ra vi phạm nào về chống phá giá đối với hàng dệt may của Việt Nam?

Mục đích chuyến thăm của chúng tôi là đã cam kết với thượng nghị sĩ sẽ phân tích số liệu 6 tháng một lần, nên đến bây giờ còn quá sớm để đưa ra một phán quyết về vi phạm hay chưa. Mục đích chính của chúng tôi là nghe ý kiến các doanh nghiệp Việt Nam họ phân vân, lo lắng về cơ chế này như thế nào và giải thích cho họ về cơ chế của chúng tôi.

Trong chương trình, ông có buổi làm việc với đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas). Ông có thể cho biết kết quả làm việc?

Vitas đã có bài thuyết trình về công nghiệp dệt may của Việt Nam. Đây là bài thuyết trình có nhiều thông tin và khoảng 75-100 đại diện các nhà máy doanh nghiệp tham dự. Trong số đó có rất nhiều doanh nghiệp ở miền Nam và Tp.HCM. Vitas nói họ muốn dự phiên điều trần về cơ chế giám sát Bộ Thương mại Mỹ sẽ tổ chức vào ngày 24/4 và đưa ra cả lời góp ý của họ nữa.

Và tôi cũng muốn nhấn mạnh khi nước Mỹ tạo ra cơ chế giám sát này, chúng tôi sẽ công khai tất cả những lời bình luận thông tin liên quan và xem xét cân nhắc các lời góp ý kể cả từ Vitas.

Việc Mỹ áp dụng cơ chế giám sát này có làm ảnh hưởng đến triển vọng phát triển thương mại giữa hai nước hay không?

Các nhà nhập khẩu và sản xuất hàng dệt may của Mỹ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam đã nói rõ rằng cơ chế này đã ảnh hưởng đến những đơn hàng đối với phía Việt Nam. Nhưng chúng tôi sẽ làm những việc có thể để tạo ra cơ chế giám sát minh bạch và không ảnh hưởng nhiều đến trao đổi thương mại.

Ở một mức độ nào đấy, quan hệ thương mại có thể bị ảnh hưởng khi người ta hiểu nhầm cơ chế chống phá giá của Mỹ. Công việc sản xuất và xuất nhập khẩu của ngành dệt may vẫn có cái gì đó người ta quen với cơ chế quota cũ, đó là áp đặt hạn ngạch mức xuất khẩu cố định cho hàng hoá dệt may từ Việt Nam. Nhưng với luật chống phá giá thì khối lượng không thành vấn đề nữa.

Và chúng tôi muốn bảo đảm với các đối tác bằng cách giải thích với họ rằng việc chống bán phá giá chỉ để đảm bảo không có phân biệt về giá.

Tôi tin tưởng quan hệ thương mại giữa hai nước chúng ta phát triển mạnh mẽ. Cơ chế giám sát này sẽ kết thúc vào năm 2008 và Việt Nam đã gia nhập WTO, điều đó chắc chắn sẽ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ông có thể nói cụ thể hơn cơ chế giám sát này không ảnh hưởng đến xuất khẩu và thương mại như thế nào?

Theo những số liệu mà chúng tôi có được, đó là số liệu của tháng giêng và tháng hai sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất lành mạnh và tốt. Nhưng các nhà sản xuất Việt Nam và các nhà nhập khẩu bán lẻ của Mỹ lại kêu ca rằng đơn hàng của các doanh nghiệp dành cho quý 3 và 4 năm nay bị giảm đi vì nhiều nhà nhập khẩu và bán lẻ của Mỹ dừng nhập hàng để xem xem Bộ Thương mại Mỹ sẽ làm gì với cơ chế này.

Nhưng tôi muốn nhắc lại một lần nữa đó là chúng tôi muốn cơ chế giám sát này cởi mở, minh bạch và dự đoán trước được. Tôi muốn nói một điều rất quan trọng: theo luật chống phá giá của Mỹ không thể tạo ra vụ kiện bán giá hoặc áp đặt một lệnh chống bán phá giá khi mà hàng hoá nước ngoài không ảnh hưởng tới nhà sản xuất trong nước của cùng một loại hàng giống hệt. Luật về chống phá giá của Mỹ yêu cầu phải giám sát mặt hàng giống hệt nhau.

Chẳng hạn như trong trường hợp nếu có lệnh về chống bán phá giá về quần phải xác định rõ loại quần gì. Vì vậy chúng tôi muốn đi vào chi tiết và tất nhiên khi thực hiện giám sát sẽ phải thực hiện ở loại hàng chi tiết, cụ thể hơn.

Do đó, điều chúng tôi đang làm đó là đến Việt Nam để tìm hiểu về những mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam. Vì nếu không sẽ làm một việc phí thời gian khi chúng ta giám sát một mặt hàng không ảnh hưởng đến doanh nghiệp của Mỹ.

Cuộc gặp của ông với quan chức Việt Nam sẽ bàn thảo vấn đề gì?

Trong các cuộc gặp với Chính phủ, tôi sẽ nhắc lại thông điệp chính là nước Mỹ không muốn việc giám sát sẽ làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam. Mỹ cam kết làm việc với Chính phủ Việt Nam và các ngành công nghiệp của Việt Nam để mọi việc càng cởi mở, minh bạch càng tốt.