09:14 03/07/2008

Công bố nguyên nhân sự cố cầu Cần Thơ

Từ Nguyên

Sau 8 tháng điều tra, kết luận về nguyên nhân sập hai nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ đã được công bố

Nguyên nhân chính của sự cố được xác định là do lún lệch của đài móng trụ tạm thượng lưu T13U theo hướng dọc cầu từ phía bờ ra phía sông.
Nguyên nhân chính của sự cố được xác định là do lún lệch của đài móng trụ tạm thượng lưu T13U theo hướng dọc cầu từ phía bờ ra phía sông.
Sau 8 tháng điều tra, kết luận về nguyên nhân sập hai nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ đã được công bố.

>>Sập cầu Cần Thơ: “Chúng tôi sẽ truy tìm nguyên nhân”

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 2/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập 2 nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ Nguyễn Hồng Quân, đã công bố kết luận cuối cùng về nguyên nhân sập hai nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ.

Lún móng trụ tạm


Theo đó, nguyên nhân chính của sự cố được xác định là do lún lệch của đài móng trụ tạm thượng lưu T13U theo hướng dọc cầu từ phía bờ ra phía sông.

Chính điều này đã làm tăng nội lực trong các bộ phận của trụ tạm gây đứt bulông liên kết của một số thang giằng xiên dẫn tới các thanh đứng của trụ tạm này bị mất ổn định, kéo theo sự sập đổ các kết cấu bên trên trụ tạm.

Cụ thể, móng trụ tạm thượng lưu T13U được đánh giá là yếu nhất nên đã xảy ra lún lệch trong một đài móng trụ tạm T13U. Các thanh giằng xiên 81, 64, 65 lần lượt bị đứt dẫn tới oằn thanh cột trụ 46 kéo theo sập đổ toàn bộ kết cấu đỡ tạm.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, kết luận cuối cùng đã loại bỏ các nguyên nhân như do thiết kế hệ thống kết cấu đỡ tạm, lún lệch giữa móng trụ tạm và trụ chính, chiều dày lớp đất đắp, trời mưa trước khi xảy ra sự cố, sự tăng tải nhanh do bê tông cầu đợt 10 và 11 được đổ liên tiếp vào hai ngày trước đó...

Trả lời câu hỏi vì sao không tiến hành thử tải, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận, mặc dù pháp luật chưa có quy định về việc này nhưng trên thực tế, ngày 7/3/2007, nhà thầu Nhật Bản đã có thư yêu cầu thử tải và cũng đã có thử tải trụ chính KO cao nhất, nhưng đến trụ T13U thì lại không thử nữa.

Bộ trưởng cũng khẳng định, theo tiêu chuẩn AashTo của Mỹ, quy định áp dụng cho công trình thì trách nhiệm chính của thiết kế là phải bảo đảm an toàn cho cộng đồng, tức phải bảo đảm an toàn chịu lực của hệ thống kết cấu đỡ tạm.

Tuy vậy, việc xảy ra lún lệch trong phạm vi hẹp của một đài móng trụ tạm, nguyên nhân chính khởi nguồn gây ra sự mất an toàn kết cấu trong trường hợp này, có thể xem là tình huống rủi ro, khó lường trước được trong thiết kế thông thường.

Vì vậy, theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, cả nhà thầu thi công xây dựng (Nhật Bản), nhà thầu tư vấn (Nhật Bản) và chủ đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) của dự án cầu Cần Thơ đều đã đạt tới độ thống nhất cao về kết luận của Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập 2 nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ.

Trách nhiệm cụ thể chưa rõ


Tuy nhiên, một điều khiến một số phóng viên thắc mắc là tại sao trong báo cáo lại không thấy đề cập đến trách nhiệm cụ thể của các bên đối với sự cố.

Lý giải điều này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng và theo luật pháp, các bên cụ thể tham gia xây dựng sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn và chủ đầu tư.

Bộ trưởng cũng cho biết, theo hợp đồng dân sự đã ký giữa chủ đầu tư với nhà thầu thì khi xảy ra sự cố thì nhà thầu phải có trách nhiệm chính và trên thực tế, mỗi bên đều đã tự giác đền bù để khắc phục hậu quả dân sự đối với sự cố.

Và cũng do là sự cố nghiêm trọng nên hiện nay Bộ Công an đã khởi tố vụ án, vì vậy trên cơ sở kết luận về nguyên nhân gây ra sự cố của Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập hai nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ, các cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục xem xét trách nhiệm của từng chủ thể, kể cả trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân (người quản lý, người lãnh đạo, người trực tiếp có lỗi...) và quy kết trách nhiệm, có thể là hành chính dân sự và cả trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ sai phạm.

Nhưng với kết luận là lún lệch trong phạm vi hẹp của một đài móng trụ tạm - một tình huống dễ được xem là rủi ro, khó lường trước trong thiết kế thông thường - việc quy kết trách nhiệm cụ thể, có lẽ, sẽ gặp nhiều khó khăn.

* Dự án cầu Cần Thơ và đường dẫn hai đầu cầu, có chiều dài 15,85km, là tuyến đường tránh Quốc lộ 1A vượt sông Hậu Giang nằm trên địa phận tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Cầu Cần Thơ gồm cầu chính dài 1.010m, cầu dẫn phía Vĩnh Long 520m, cầu dẫn phía Cần Thơ 1.120m, mặt cầu rộng 26m. Cầu chính có kết cấu dây văng 2 mặt phẳng. Vào lúc 7 giờ 55 phút sáng 26/9/2007, toàn bộ hệ thống kết cấu đỡ tạm bị sập đổ làm cho dầm hộp bê tông của 2 nhịp dẫn đang thi công dở sập đổ theo.