10:21 06/02/2007

Công chức "ham chơi" chứng khoán: Đèn đỏ, khó dừng!

So với đồng lương công chức ít ỏi, lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán có sức hấp dẫn khó cưỡng lại

Trong số này có bao nhiêu công chức trốn giờ làm việc lên sàn?
Trong số này có bao nhiêu công chức trốn giờ làm việc lên sàn?
Thông tin chứng khoán được bàn tán râm ran khắp công sở không còn là chuyện lạ.

Với giới ngân hàng, điều này càng dễ hiểu hơn khi trong tay họ có cả vốn lẫn kiến thức. So với đồng lương công chức ít ỏi, lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán có sức hấp dẫn khó cưỡng lại.

Nhà nước... bật đèn đỏ

"Tại Ngân hàng Nhà nước có hiện tượng nhiều cán bộ, công chức lạm dụng giờ làm việc tham gia vào các hoạt động của thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao". Đây là nhận định của Ngân hàng Nhà nước trong công văn số 64/TB-NHNN vừa ban hành.

Để chấn chỉnh hiện tượng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước quán triệt tới toàn thể cán bộ trong đơn vị chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế làm việc của cơ quan; nghiêm cấm cán bộ công chức Ngân hàng Nhà nước sử dụng các phương tiện của cơ quan để tham gia vào hoạt động trên thị trường chứng khoán.

Tại các ngân hàng thương mại, hiện tượng công chức tham gia đầu tư chứng khoán cũng hết sức sôi động. Mặc dù hầu hết các ngân hàng đều đã có công văn nhắc nhở, tăng cường quy chế làm việc nghiêm túc của nhân viên, nhưng chính lãnh đạo một số ngân hàng cũng thừa nhận việc ngăn cấm hoàn toàn không khả thi, nhất là khi việc tham gia mua bán cổ phiếu có thể thực hiện bằng nhiều cách như qua điện thoại, hoặc Internet.

Theo nhận xét của một nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường chứng khoán từ những ngày đầu, việc công chức cũng tham gia chơi chứng khoán và sự sôi động vừa qua của thị trường với hàng ngàn nhà đầu tư mới chứng tỏ mức độ xã hội hoá của thị trường chứng khoán. Đây là điều đáng mừng, vì trước kia công chúng chủ yếu nhìn nhận đầu tư chứng khoán na ná một trò cờ bạc.

"Bản thân tôi khi tiếp xúc với nhiều công chức nhà nước cao cấp của một số nước trong khu vực - thậm chí cấp thứ trưởng bộ tài chính - thì họ cũng tham gia chơi chứng khoán. Tuy nhiên do thời gian có hạn, họ không thể trực tiếp tham gia đầu tư như ở ta mà chủ yếu gửi tiền vào các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp", nhà đầu tư này cho biết.

Giải pháp khả thi?

Một vấn đề rộng hơn của hiện trạng nhà nhà, người người chơi chứng khoán ở Việt Nam hiện nay là cần hướng nhu cầu đầu tư và nguồn tài chính tiềm năng này phát triển theo đúng quỹ đạo. Thời gian qua, chính lớp nhà đầu tư mới đã tạo nên sự tăng trưởng bất ngờ của thị trường chứng khoán.

Điều đó chứng tỏ nguồn tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn. Thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả nhất: thay vì dân chúng "chôn chặt" tiền trong vàng, đất đai, USD... thì nguồn lực này được huy động vào đầu tư sản xuất, từ đó làm tăng giá trị, sản xuất nhiều hơn của cải cho xã hội.

Trước nhu cầu có thực và hợp lý của một bộ phận công chức, ngăn cấm không phải là giải pháp. Trái lại, để huy động và thoả mãn nhu cầu đầu tư của nhóm người này, nên có sự khuyến khích họ gửi tiền vào các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư.

Hiện nay tầng lớp trung gian này ở Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh, nên chưa tạo uy tín đối với nhà đầu tư cá nhân. Dịch vụ quản lý danh mục đầu tư hay tư vấn đầu tư của các công ty chứng khoán cũng ế ẩm và phần lớn nhà đầu tư cá nhân vẫn tự mua bán, dù thiếu cả kinh nghiệm lẫn kiến thức.

Khi phát triển các hình thức quỹ, công ty quản lý quỹ thì giới công chức hoàn toàn có thể tham gia thị trường, đồng thời mức độ an toàn lại cao hơn. Phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp quản lý giúp nguồn tiền cá nhân mới là giải pháp dài hạn.

Việc cán bộ ngân hàng nói riêng và công chức nhà nước nói chung tham gia chơi chứng khoán thể hiện một nhu cầu có thực. Mặt khác, từ góc độ đời sống, rõ ràng thu nhập của cán bộ công chức chưa cao nếu không muốn nói là đang ở mức thấp. Họ muốn nâng cao đời sống bằng vốn và kiến thức của chính mình là một nhu cầu chính đáng và cũng không thể cấm đoán.

Vấn đề ở đây là họ phải cân bằng giữa yêu cầu hoàn thành công việc của một công chức được trả lương với nhu cầu đầu tư cá nhân.