13:48 15/10/2007

“Cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố quyết định”

Thùy Linh

Một số ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp thủ đô các nước ASEAN (ACBF), diễn ra từ 15-16/10 tại Hà Nội

Những doanh nhân, những nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách kinh tế khu vực là những người sẽ làm nên sự vững chắc của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Những doanh nhân, những nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách kinh tế khu vực là những người sẽ làm nên sự vững chắc của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Một số ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp thủ đô các nước ASEAN (ACBF), diễn ra từ 15-16/10 tại Hà Nội.

>>Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp ASEAN

“Hướng tới tham gia chỉ số chứng khoán chung của ASEAN”

(Giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank, Hà Huy Toàn)

“Trước một nền kinh tế tăng trưởng cao và thị trường năng động với hơn 80 triệu dân, các nhà đầu tư nước ngoài đều có chung một nhận định: “Việt Nam đang mở ra một cơ hội hấp dẫn nhất thế giới”; và “đây là thời điểm vàng để đầu tư” và “là cơ hội không thể bỏ lỡ”.

Trong chiến lược phát triển kinh tế-tài chính của Việt Nam, Chính phủ đặt ra mức tăng trưởng kinh tế phấn đấu trên 8%. Để đạt được mục tiêu này, tổng mức huy động vốn cho đầu tư phát triển phải đạt khoảng 140 tỷ USD (tương đương 40% GDP) với tỷ lệ huy động vốn trong nước là 65-67%, nước ngoài là 33-35%.

Trong đó, thị trường chứng khoán đóng vai trò chủ đạo, phấn đấu đến năm 2010 giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 50% GDP và đến năm 2020 đạt 70% GDP.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được các chuyên gia đánh giá là phát triển nhanh nhất khu vực. Cuối năm 2006, có chưa đầy 30 quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Trong vòng 1 năm lại đây, các quỹ đầu tư nước ngoài liên tục được thành lập, tăng vốn và mở rộng quy mô. Đến nay đã có hơn 40 quỹ đầu tư nước ngoài với tổng số vốn trên 20 tỷ USD.

Theo Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam, một trong những giải pháp trước mắt là mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại trái phiếu; đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp; hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường vốn; tách thị trường trái phiếu ra khỏi thị trường cổ phiểu để hình thành thị trường trái phiếu chuyên biệt; phát triển các định chế trung gian và dịch vụ thị trường; phát triển hệ thống các nhà đầu tư trong và ngoài nước; hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu lực; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác, hỗ trợ phát triển thị trường vốn giữa Việt Nam với các thành viên ASEAN cũng là một biện pháp quan trọng. Trong đó phải kể đến việc thiết lập hệ thống đào tạo và phát triển thị trường vốn giữa các nước ASEAN, hình thành thoả thuận chung về thị trường nợ và thị trường cổ phiếu, liên kết hệ thống thanh toán và giao dịch chứng khoán, hài hoà các chuẩn mực/tiêu chuẩn thị trường vốn giữa các nước trong khu vực như quản lý doanh nghiệp, chế độ kế toán, hệ số định mức tín nhiệm.

Các quy định hiện nay về việc cho phép sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ là những chính sách đơn phương của Việt Nam nhằm thúc đẩy thị trường, không phải là những cam kết có tính khu vực của quá trình tự do hoá thị trường vốn.

Về việc phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), để làm được điều này cần tiếp tục các hoạt động tăng cường phát triển thị trường trái phiếu khu vực thông qua khuyến khích phát hành trái phiếu qua biên giới có hệ số tín nhiệm cao, phát hành trái phiếu bằng đồng bản tệ của các tổ chức tài chính quốc tế ở thị trường nội địa, và thực hiện nghiên cứu phát hành trái phiếu rổ tiền tệ khu vực. Trên thực tế các nước như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan đã phát hành hàng trăm triệu Đôla trái phiếu châu Á bằng đồng bản tệ.

Hiện nay, thị trường chứng khoán của Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Singapore đã ký biên bản ghi nhớ cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu, liên minh giữa Thời báo Tài chính và Sở Giao dịch Chứng khoán London. Chỉ số chung cho các thị trường chứng khoán giữa các nước ASEAN mang tên “Top 100 ASEAN Index” nhằm phát triển thị trường vốn trong khu vực và tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Lào chưa tham gia vì quy mô giao dịch còn hạn chế và non trẻ. Vì vậy, mục tiêu trong thời gian tới là phấn đấu để tham gia vào việc hình thành và cung cấp chỉ số Index này.”

“Xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN còn nhiều thử thách”

(Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, ông Lê Công Phụng)

“Xuất phát từ nhu cầu đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập, liên kết kinh tế nội khối đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế từng thành viên cũng như cả Hiệp hội, ý tưởng xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được các Bộ trưởng Kinh tế thảo luận và đề xuất với các nhà lãnh đạo ASEAN từ năm 2002.

Mục đích xây dựng AEC là thúc đẩy hội nhập ở mức độ cao hơn nữa các nền kinh tế nhỏ, đơn lẻ và đa dạng của ASEAN để tạo dựng ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất chung, với hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, vốn và nhân công có tay nghề được tự do lưu chuyển giữa các thành viên của cộng đồng, biến ASEAN thành một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển đồng đều và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu.

Nói cách khác, AEC sẽ trở thành “ngôi nhà chung” của các nền kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp các nước thành viên ASEAN, tạo ra một môi trường sản xuất - kinh doanh chung thông thoáng và thuận lợi đối với các doanh nghiệp ASEAN.

Có thể nói, quá trình định hình và bước đầu triển khai hiện thực hoá AEC mạnh mẽ thời gian qua thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ các nước thành viên ASEAN trước yêu cầu của tình hình mới về tăng cường hội nhập khu vực, đồng thời dựa trên nền tảng khá thuận lợi là những kinh nghiệm và thành tựu về hợp tác, liên kết và tự do hoá kinh tế - thương mại ASEAN đã triển khai trong 15 năm qua.

Mặt khác, quá trình này đã và đang nhận được sự ủng hộ và tích cực tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ASEAN.

Với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tiến trình hội nhập, liên kết kinh tế ASEAN thời gian qua, xây dựng AEC hiện nay đã và đang mở ra nhiều điều kiện thuận lợi, thời cơ để phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh. Đó là những điều kiện thuận lợi về môi trường/khuôn khổ pháp lý, các cơ hội mở rộng, liên kết sản xuất-kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh...

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện và khách quan, tiến trình hội nhập, xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN còn nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước.

Trước hết, đó là tính phù hợp và thích ứng của mô hình AEC đối với thực tiễn và chiều hướng phát triển của các nền kinh tế thành viên, với hiện trạng và khả năng hội nhập của nền kinh tế khu vực cũng như những diễn biến mới của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung. AEC là mô hình liên kết kinh tế có tính đặc thù của ASEAN và đang trong giai đoạn đầu triển khai, do vậy, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.

Thứ hai, cũng cần thừa nhận một thực tế đó là, quá trình triển khai các sáng kiến, chương trình hội nhập, liên kết kinh tế của ASEAN thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là tiến độ và mức độ thực hiện các cam kết. Vấn đề này cũng sẽ là một thách thức đối với tiến trình xây dựng, hoàn thành AEC, đặc biệt là với thời gian triển khai không dài trong khi nội dung và mức độ cam kết khá sâu rộng, với rất nhiều hoạt động, biện pháp.

Thứ ba, cộng đồng doanh nghiệp chính là lực lượng trực tiếp triển khai, là nhân tố quyết định sự thành bại của các sáng kiến, chương trình hội nhập, đồng thời chịu hệ luỵ, tích cực cũng như tiêu cực, của các sáng kiến, chương trình này. Do vậy, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình từ định hình đến triển khai và thúc đẩy các chương trình, sáng kiến hội nhập, liên kết kinh tế ASEAN cần được tăng cường hơn nữa.

Sau cùng, hội nhập kinh tế ASEAN cũng không nằm ngoài quy luật chung, đó là vừa tạo ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi song cũng đặt ra những thách thức, khó khăn rất lớn đối với tất cả các nền kinh tế, các doanh nghiệp của tất cả các quốc gia thành viên. Đó là những thách thức về cạnh tranh, về nguy cơ tụt hậu, phá sản, về phát triển không bền vững và không đồng đều...”

“Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bất động sản”

(Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Cao Lại Quang)

“Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tạo bước ngoặt quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam và cũng mang đến nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển.

Thứ nhất, do hội nhập quốc tế, mở cửa các lĩnh vực thương mại dịch vụ, nhiều công ty nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam đã làm tăng nhu cầu về bất động sản. Mặc dù đã thu hút được các nguồn đầu tư lớn vào lĩnh vực khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê, trong những năm trước nhưng cùng với làn sóng đầu tư mới, nhu cầu về văn phòng loại A, B căn hộ cao cấp cho thuê, khách sạn 3-5 sao tại các đô thị lớn tiếp tục tăng cao.

Theo tính toán, riêng tại Tp.HCM, nhu cầu văn phòng loại A, B khoảng 200.000 m2 và 10.000 phòng khách sạn loại 3-5 sao trong vòng một vài năm tới. Nhu cầu về các công trình dịch vụ thương mại, siêu thị, nhà ở cao cấp cũng đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản phát triển.

Thứ hai, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường bất động sản Việt Nam có cơ hội để thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Dự kiến trong vòng 5 năm 2006-2010, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ thu hút được 8-10 tỷ USD vốn cam kết từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, ngành xây dựng có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học kĩ thuật tiên tiến của thế giới về công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng mới cũng như kinh nghiệm quản lý: giảm giá thành xây dựng do tiến trình giảm thuế, nhất là các loại vật liệu xây dựng phải nhập ngoại.

Thứ tư, do phải thường xuyên cạnh tranh với các doanh nghiệp mạnh của nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội để đổi mới, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng sáp nhập, giải thể các doanh nghiệp yếu kém, hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua cũng đã bộc lộ những mặt yếu kém:

Một là, thị trường bất động sản Việt Nam do mới hình thành nên thiếu tính chuyên nghiệp, kể cả hệ thống chính sách đến các chủ thể tham gia thị trường. Cơ chế chính sách, quy trình thủ tục đầu tư của Việt Nam có cái còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, làm cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam còn mất nhiều thời gian để nghiên cứu thích ứng với thị trường làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài.

Hai là, tính minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam chưa cao. Công tác quy hoạch xây dựng đô thị của chúng ta còn chưa theo kịp tiến trình phát triển đất nước, hầu hết các dự án bất động sản lớn vẫn phải theo cơ chế xin-cho, điều chỉnh quy hoạch. Chưa có cơ chế cung cấp thông tin thị trường bất động sản một cách hữu hiệu.

Tình trạng giao dịch ngầm, đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo để nâng giá bất động sản diễn ra khá phổ biến làm cho thông tin về thị trường bất động sản không phản ánh đúng thực tế, từ đó làm tăng độ rủi ro trong kinh doanh bất động sản.

Ba là, chưa có cơ chế tài chính bất động sản phù hợp để thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển. Thị trường bất động sản cần phải liên thông với thị trường vốn, trong khi đó hệ thống ngân hàng chưa có sẵn sàng cho vay dài hạn, lãi suất cho vay trung hạn vẫn còn cao, dẫn đến thiếu vốn cung cấp cho thị trường bất động sản.

Bốn là, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông sẽ làm giảm sức hút và qui mô của thị trường bất động sản. Những dự án phát triển bất động sản vẫn tập trung ở khu vực trung tâm đô thị, không phát triển được ra vùng ngoại ô do cơ sở hạ tầng yếu kém, làm giảm qui mô của thị trường bất động sản Việt Nam.”