08:56 12/10/2009

“Công kích” giải Nobel Kinh tế

Mai Phương

Giải Nobel Kinh tế đã không ít lần đã vinh danh những ý tưởng vô ích, thiếu chính xác và thậm chí là nguy hiểm

Toàn cảnh lễ trao giải Nobel 2008 - Ảnh: THX.
Toàn cảnh lễ trao giải Nobel 2008 - Ảnh: THX.
Các giải thưởng Nobel của Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển, trong đó có giải Nobel kinh tế, luôn được xem là những giải thưởng cao quý và là niềm vinh dự lớn cho người được trao tặng.

Tuy nhiên, trước sự kiện công bố giải Nobel Kinh tế diễn ra hôm nay (12/10), nhà bình luận Christopher Swann của hãng tin Reuters cho rằng, đã rất nhiều lần giải thưởng này bị trao nhầm người.

Theo Swann, ban giám khảo các giải Nobel về khoa học hiếm khi mắc sai lầm như khi trao giải Nobel Y học năm 1926 cho Johannes Fibiger với “phát minh” cho rằng loài sâu có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, giải Nobel Kinh tế đã không ít lần đã vinh danh những ý tưởng vô ích, thiếu chính xác và thậm chí là nguy hiểm.

Nhà bình luận này thẳng thừng nhận xét, giải Nobel Kinh tế “gây hại nhiều hơn là đem đến những điều tốt đẹp”, không giống như tinh thần trao giải cho những ai “đem tới lợi ích lớn nhất cho loài người” mà nhà khoa học Alfred Nobel, cha đẻ của giải Nobel, đã đề ra. Swann cho rằng, đã nhiều lần giải Nobel Kinh tế bị trao lầm người.

Nhà kinh tế học Friedrich Hayek, người được trao giải năm 1974, từng nói rằng, lẽ ra ông đã đề nghị Ngân hàng Trung ương Thụy Điển không lập ra giải thưởng này.

Hayek cho rằng, giải Nobel Kinh tế “trao cho một cá nhân riêng lẻ thứ thẩm quyền mà trong kinh tế học, không một ai nên được sở hữu”. Cũng theo nhà kinh tế này, những người được giải Nobel Kinh tế cần phải được yêu cầu “đưa ra lời thề về sự khiêm tốn… không bao giờ được đi quá giới hạn năng lực của mình trong những tuyên bố trước dư luận”.

Tuy nhiên, nhà bình luận Swann cho rằng, điều đáng buồn là các nhà kinh tế học nói chung, đã không có được sự khiêm tốn như vậy. Giải Nobel Kinh tế đã khuyến khích người ta cường điệu hóa tính khoa học của lĩnh vực kinh tế vốn có dính dáng nhiều đến yếu tố chính trị này.

Không giống như các nhà khoa học thuộc các bộ môn vật lý, hóa học hay y học, các nhà kinh tế học thể hiện quyền lực của họ khi đưa ra các dự báo. Khi khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, không ít người đã ngạc nhiên khi đa phần các nhà kinh tế đã không tiên liệu trước được điều này. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, thất bại trong dự báo này không phải là chuyện lạ.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, các chuyên gia kinh tế đã không dự báo được bất kỳ thời kỳ suy giảm tăng trưởng mạnh nào của kinh tế Mỹ. Ông George Meany (1894-1980), nhà lãnh đạo công đoàn ở Mỹ, từng nói rằng, làm nhà kinh tế học “là nghề duy nhất trong đó một người có thể được coi là chuyên gia mà không cần phải đúng một lần nào”.

Tệ hơn, ban giám khảo của giải Nobel đã trao giải Kinh tế cho những ý tưởng vô cùng độc hại. Swann chỉ ra rằng, các lý thuyết giành giải Nobel chính là nguyên nhân phía sau những vụ sụp đổ thị trường lớn nhất kể từ sau Đại suy thoái 1930 tới nay.

Vào năm 1987, mô hình định giá các chứng khoán quyền chọn Black-Scholes-Merton của ba tác giả cùng tên đã đẩy thị trường chứng khoán Phố Wall rơi sâu với tốc độ sụt giảm tồi tệ chưa từng có trong 1 ngày, đe dọa sự an toàn của toàn bộ hệ thống. Mô hình định giá này sau đó đã bị các nhà giao dịch cổ phiếu từ chối, nhưng một thập kỷ sau lại được nhận giải thưởng Nobel Kinh tế.

Hay mô hình “Value at Risk” (giá trị ở trạng thái rủi ro) -  dựa trên các lý thuyết danh mục đã đoạt giải Nobel Kinh tế của Harry Markowitz - bị xem là “tội đồ” gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính 1998 và 2008. Lý thuyết này đã khuyến khích các định chế tài chính vay nợ vượt xa số vốn tự có để đầu tư rủi ro, rốt cục rơi vào khủng hoảng.

“Những lý thuyết này đã biến sự bình yên thành náo loạn, tạo ra khủng hoảng từ chỗ không có gì. Giải Nobel Kinh tế đã khiến người ta tin tưởng những lý thuyết như vậy”, ông Pablo Triana, tác giả của cuốn sách tựa đề “Lecturing Birds on Flying: Can Mathematical Theories Destroy the Financial Markets?” (tạm dịch: “Dạy chim bay: Liệu các lý thuyết toán học có thể phá hủy thị trường tài chính?”).

Ngoài ra, nhà bình luận Swann của Reuters còn chỉ ra, các lý thuyết kinh tế được trao giải Nobel còn khuyến khích đi ngược lại hoạt động giám sát thị trường, như những gì mà các nhà hoạch định chính sách như cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan đã làm. Một danh sách dài những nhà kinh tế đoạt giải đã thúc đẩy ý tưởng rằng các chính phủ nên đứng ngoài thị trường.

Với những lập luận trên, Swann cho rằng, giải Nobel Kinh tế không nên được “khoác tấm áo” của giải Nobel danh tiếng. Cuối cùng, nhà bình luận này cảnh báo, không ai nên sử dụng các lý thuyết được trao giải Nobel Kinh tế, vì tác dụng phụ của các lý thuyết này bao gồm khủng hoảng tài chính, thị trường chứng khoán chao đảo và ngân hàng sụp đổ.

Giải Nobel Kinh tế do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển thành lập vào năm 1968, nằm trong hệ thống giải thưởng Nobel do nhà khoa học Anfred Nobel của nước này sáng lập. Năm ngoái, giải thưởng thường niên trị giá 1,4 triệu USD này được trao cho giáo sư Paul Krugman người Mỹ.

(Theo Reuters)