17:59 27/04/2009

Công nghiệp không khói “toát mồ hôi” vì suy thoái

Kiều Oanh

Đâu đâu trên thế giới, ai làm trong ngành du lịch thời gian này cũng đều mang tâm trạng chán nản

Môt góc thành Rome, Italy.
Môt góc thành Rome, Italy.
Thông thường, vào mỗi buổi chiều cuối tuần, khu chợ Xiushui ở Bắc Kinh đón hàng chục ngàn du khách nước ngoài tới thăm quan và mua bán trong các tiệm đồ cổ, trang sức và những mặt hàng thời trang “nhái” đồ hiệu.

Cánh đạp xích lô ở đây vào những ngày như thế mỗi người có thể chở khách cả trên chục lượt, kiếm bộn tiền.

Nhưng trong những tháng gần đây, số khách du lịch ở Xiushui đã giảm đi nhanh tới mức bất ngờ. “Cả sáng nay, tôi chưa thấy một xe bus chở du khách nào tới đây. Từ hôm qua tới giờ, tôi mới có ba khách”, anh đạp xích lô Lao Qian cho hay nhân lúc nghỉ trưa.

Khách vắng như “chùa Bà Đanh”

Những ngày này, từ Trung Quốc tới vùng Caribbean, từ Thái Lan tới Tanzania, những ai làm trong ngành công nghiệp không khói đều có tâm trạng chán nản như anh Qian.

Dù làm công việc gì, từ nhân viên thủ tục sân bay, phu hành lý, lái taxi, hay nhân viên phục vụ nhà hàng, cả triệu người có cuộc sống phụ thuộc vào ngành du lịch đang cảm nhận những tác động khắc nghiệt của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong thời gian từ 2004-2007, ngành du lịch thế giới phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trung bình 3,6%/năm. Nhưng suy thoái xuất hiện đã khiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao và hủy kế hoạch đi nghỉ, khiến đóng góp của ngành này vào nền kinh tế thế giới chỉ tăng có 1%, tốc độ tăng trưởng tệ nhất từ thời kỳ chấm hết của bong bóng công nghệ, dịch SARS nổ ra ở châu Á, và vụ tấn công khủng bố 11/9 ở đầu thập kỷ này.

“Tình hình mấy tháng gần đây rất khó khăn. Chúng tôi chưa rõ bao giờ thì những khó khăn nay mới kết thúc”, ông Jean-Claude Baumgarten, Chủ tịch Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC) cho hay.

Nhưng xem ra, nhận định như vậy vẫn còn nhẹ so với những gì đang diễn ra trên thực tế. Trong 3 tháng đầu năm nay, lượng du khách quốc tế vào Trung Quốc đã giảm hơn 7%, đồng thời doanh thu từ lĩnh vực du lịch phục vụ khách nước ngoài sụt hơn 15%. Năm 2004, Trung Quốc đã vượt Italy để trở thành quốc gia đón nhiều khách du lịch quốc tế lớn thứ tư trên thế giới.

Ở Tây Ban Nha, số du khách ngoại cũng giảm 16% trong tháng 2 vừa qua, một tốc độ sụt giảm chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Trên những hòn đảo nhiệt đới ở vùng Caribbean và Nam Thái Bình Dương, những khu vực lướt sóng, nhưng bãi cát và những chiếc ghế nằm trên bờ biển trống trơn chờ khách.

Tháng 2 vừa qua, đảo French Polynesia cho biết, lượng khách tới đây đã giảm 30%, xuống mức thấp nhất từ năm 1996 tới nay. Trong khi đó, số du khách tới các đảo Bermuda, Antigua và Barbuda đã giảm khoảng 1/5 trong năm 2008. WTTC ước tính, ngành công nghiệp không khói của thế giới sẽ sụt giảm 3,5% trong năm nay và mất 10 triệu việc làm trong thời gian từ nay tới hết năm 2010.

Đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, ngành du lịch là một đầu tàu quan trọng. Xét trên hầu hết mọi phương diện, đây là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới. Ngành này có 220 triệu việc làm, chiếm 7,6% tổng số việc làm trên toàn cầu, và đem tới doanh thu 5.500 tỷ USD mỗi năm, tương đương 9,4% GDP toàn thế giới.

“Nếu nhìn vào mối quan hệ giữa ngành du lịch với các lĩnh vực khác, ta sẽ thấy ảnh hưởng của lĩnh vực này tới toàn bộ nền kinh tế là sâu sắc như thế nào. Việc làm trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh nhà hàng… đều có thể phát sinh ra từ du lịch”, ông Geoffrey Lipman, Phó tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hiệp quốc (UNWTO) nhận xét.

Ngành du lịch lên tiếng

Giới chức trong ngành du lịch đang muốn chính phủ các nước bắt đầu xem lĩnh vực này không chỉ là biểu tượng ăn nên làm ra trong những thời kỳ kinh tế tốt đẹp, mà còn là một ngành có thể giúp đưa các nền kinh tế trở lại với tăng trưởng.

“Các chính phủ đang nỗ lực làm gì trong thời kỳ suy thoái này? Họ cố gắng tạo ra việc làm. Họ giải cứu các hãng xe hơi và các nhà băng, nhưng lại quên mất cơ hội lớn mà họ có được ở ngành du lịch”, ông Lipman nói.

Tại một số nước, chính phủ đã bắt đầu hành động. Tháng 3 vừa qua, Chính phủ Tây Ban Nha cam kết chi 1,3 tỷ USD để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch nước này nhằm tăng sức cạnh tranh với những điểm đến như Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập vốn được lợi từ sự lên giá của đồng Euro - đồng tiền mà Tây Ban Nha cùng 15 nước châu Âu khác đang sử dụng.

Quần đảo Canary của Tây Ban Nha, nơi lĩnh vực du lịch chiếm hơn 60% nền kinh tế địa phương, các nhà chức trách mới đây đã khởi động một loạt các cuộc hội thảo nhằm cải thiện thái độ phục vụ trong ngành này. Tài liệu trong các buổi hội thảo này khuyên lái xe taxi nên đảm bảo rằng “xe của bạn có mùi dễ chịu và bạn không lái xe quá nhanh”, hay nhắc nhân viên khách sạn rằng “một nụ cười chẳng tốn kém gì và là cách hữu hiệu nhất để đón chào khách”.

Italy thì áp dụng một hướng đi truyền thống hơn, qua con đường tăng cường quảng cáo. Tháng 4 này, cơ quan du lịch quốc gia của Italy khởi động một sáng kiến trị giá 13 triệu USD mang tên “Italia much more” (tạm dịch “Italy hơn thế”). Chiến dịch này nhằm thu hút thêm du khách từ Mỹ, Canada và châu Âu bằng những chương trình quảng cáo truyền hình với hình ảnh các chương trình nhạc kịch và phong cảnh quyến rũ của Italy.

“Ai cũng cảm nhận được cuộc khủng hoảng này và chắc chắn Italy sẽ chịu tác động. Chúng tôi đang ở giữa một cuộc chiến”, ông Matteo Marzotto, người đứng đầu Hội đồng Du lịch Quốc gia nước này nói.

Trong năm 2008, doanh thu ngành du lịch Italy giảm 5%, đánh dấu năm đầu tiên đi xuống sau 7 năm. Sự sụt giảm này đồng nghĩa với khoản mất mát 5,2 tỷ USD doanh thu và ít nhất 150.000 việc làm.

Số khách đi nghỉ giảm mạnh trên phạm vi toàn thế giới cũng khiến các hãng hàng không điêu đứng. Hiệp hội Giao thông đường không Quốc tế (IATA) ước tính, số khách đi lại bằng đường hàng không năm nay sẽ giảm 5,7%, khiến các hãng hàng không thua lỗ 4,7 tỷ USD.

Các hãng hàng không như Cathay Pacific và Qantas đã và đang tiến hành cắt giảm dịch vụ, gây tác động tiêu cực tới các khách sạn và nhà hàng ở các điểm đến như Sydney Mumbai và London. Chỉ riêng trong tháng 5 tới, hãng Cathay Pacific sẽ cắt giảm tới 17 chuyến bay khứ hồi tới những điểm đến này.

Đi du lịch, trả bằng… cổ phiếu

Theo lẽ tự nhiên, cuộc chiến hút khách trong ngành du lịch là một cơ hội tuyệt vời cho những ai vẫn có ý định đi nghỉ trong thời buổi suy thoái này.

Nhiều nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã cắt giảm phí thị thực và làm việc với các hãng hàng không, khách sạn và các website du lịch để hạ giá. Các công ty điều hành tour ở vùng Caribbean cho hay, việc giảm mạnh giá tour là một yếu tố quan trọng để khách du lịch nhớ đến khu vực này trong suy thoái. Một số khu nghỉ dưỡng ở Caribbean đã giảm giá tới một nửa.

Thậm chí, khu nghỉ dưỡng hàng đầu Elite Island Resorts ở đây còn chấp nhận cho khách thanh toán bằng… cổ phiếu. Elite Island tính cho khách giá cổ phiếu bằng giá ở thời điểm cuối tháng 10 năm ngoái, tức là cao hơn nhiều so với giá hiện nay, và cho biết, họ sẽ bán lại số cổ phiếu này khi thị trường phục hòi. “Chúng tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải áp dụng lại những biện pháp này nữa. Việc vùng Caribbean phải dùng tới những cách hút khách kiểu này thật lạ”, ông Hugh Riley, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Caribbean, nói.

Từng có thời là những thị trường đắt đỏ, các quốc gia như Hàn Quốc và Iceland giờ đây đã trở thành những điểm đến giá hời. Sự suy yếu của đồng Won đã giúp Hàn Quốc thu hút thêm 7% du khách quốc tế trong năm ngoái, một mức tăng cao hơn bất kỳ điểm đến nào khác ở châu Á. Trong năm nay, số khách Nhật tới Hàn Quốc đã tăng gấp rưỡi.

Tại Iceland, nơi đồng Krona đã mất giá 40% so với Euro và 65% so với USD từ vụ sụp đổ của 3 ngân hàng lớn nhất nước này vào tháng 10 năm ngoái, số du khách cũng tăng mạnh. Mùa hè này, hãng hàng không IcelandAir sẽ mở thêm đường bay mới tới 9 thành phố ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Tại Anh, cơ quan du lịch của nước này là Visit Britain, đang thực hiện một chiến dịch quảng cáo trị giá 2,6 triệu USD để khuyến khích du khách nước ngoài “thăm thú nhiều hơn ở Anh với chi phí rẻ hơn” (“See more of Britain for less”). Trong tháng 12/2008, đồng Bảng Anh đã giảm giá xuống mức thấp kỷ lục so với Euro. “Đồng Bảng sẽ không yếu mãi như thế này. Vấn đề là phải biết tận dụng thời cơ và thu hút nhiều du khách nhất ở mức có thể”, bà Hayley Senior, người phát ngôn của Visit Britain, nói.

Tuy nhiên, tăng cường doanh thu cho ngành du lịch không chỉ dừng ở việc thu hút du khách nước ngoài, mà còn bao gồm cả việc khuyến khích người dân đi du lịch trong nước.

Ở Trung Quốc, các chính quyền địa phương trên toàn quốc đã phát phiếu giảm giá du lịch trong nước cho người dân. Tại thành phố Vũ Hán, số phiếu giảm giá có tổng trị giá 146.000 USD đã được phát hết trong vòng 10 phút tại một sự kiện quảng cáo. Chính quyền thành phố này còn hứa sẽ phát thêm số phiếu giảm giá có tổng trị giá 73 triệu USD cho người dân. Tại Anh, ước tính có khoảng 5 triệu người dân chọn đi nghỉ trong nước trong năm nay, thay vì đi tới những quốc gia đắt đỏ ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro.

Tình thế cấp bách trong ngành du lịch được cảm nhận rõ nét nhất ở các nước đang phát triển, nơi mà một công việc trong lĩnh vực này có thể đem đến sự khác biệt giữa nghèo và không nghèo. Tại Kenya, lương của một người làm việc trong khách sạn hoặc nhà hàng có thể đủ nuôi 4 người khác.

(Theo Time)