21:31 15/03/2010

Công nghiệp vũ khí Nga sa sút

Mai Phương

Ngành công nghiệp vũ khí có doanh thu hàng năm 40 tỷ USD của Nga hiện đang đối mặt với nhiều thách thức

Nhân viên đường thủy đang dẫn đường cho một con tàu chiến hiệu Mistral của Pháp trên sông Neva ở St. Petersburg. Nga đang đàm phán để mua 4 con tàu như thế này từ Pháp - Ảnh: AP/NYT.
Nhân viên đường thủy đang dẫn đường cho một con tàu chiến hiệu Mistral của Pháp trên sông Neva ở St. Petersburg. Nga đang đàm phán để mua 4 con tàu như thế này từ Pháp - Ảnh: AP/NYT.
Nếu được hỏi, nhiều người Nga sẽ trả lời rằng, sản phẩm hàng đầu của đất nước họ là súng trường Kalashnikov hoặc máy bay chiến đấu Mig. Nước Nga sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp, từ xe hơi tới máy bay chở khách, nhưng niềm tự hào của quốc gia này từ lâu vẫn được dành cho các sản phẩm quân sự.

Tờ New York Times cho biết, cho tới gần đây, xuất khẩu vũ khí của Nga chỉ đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, cùng với những khó khăn chung của lĩnh vực công nghiệp dân sự, ngành công nghiệp vũ khí có doanh thu hàng năm 40 tỷ USD của Nga hiện đang đối mặt với nhiều thách thức.

Những loại vũ khí Nga từng một thời được xem là huyền thoại giờ đang mắc phải những rắc rối lớn liên quan tới chất lượng. Mới đây, Algeria đã trả lại một lô hàng máy bay phản lực chiến đấu Mig vì sản phẩm có lỗi. Một thỏa thuận giữa Nga và Ấn Độ trong đó Nga nâng cấp tàu sân bay cho Ấn Độ đã trễ hạn 4 năm ròng...

Tuy nhiên, trong một diễn biến được xem là đáng lo ngại hơn cả đối với ngành công nghiệp vũ khí của Nga, Moskva đang đàm phán với Pháp để mua 4 tàu đổ bộ từ Pháp. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận, thì đây sẽ là vụ mua vũ khí từ nước ngoài lớn nhất của Nga kể từ Chiến tranh Thế giới 2 tới nay. Theo giới phân tích, đây cũng sẽ là ví dụ điển hình nhất về sự đi xuống của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Dưới thời Liên xô cũ, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng chiếm tới 20% GDP của Nga, còn hiện nay, tỷ lệ này chỉ còn 4,28%. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang của Nga vẫn phụ thuộc vào các nhà sản xuất trong nước từ những chiếc đinh ốc tới đạn dược.

Cùng với sự bùng nổ của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thị phần của Nga trên thị trường quốc phòng toàn cầu đã giảm mạnh. Thống kê của Cơ quan Nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ cho thấy, trong năm 2008, Nga thu về 3,5 tỷ USD tiền bán vũ khí cho nước ngoài, giảm so với mức 10,8 tỷ USD năm 2007. Trong khi đó, Mỹ đạt kim ngạch xuất khẩu vũ khí 37,8 tỷ USD trong năm 2008, chiếm 68% thị trường xuất khẩu hàng quốc phòng của thế giới.

Ở thị trường xuất khẩu vũ khí truyền thống của Nga là các nền kinh tế mới nổi, thị phần của các nhà sản xuất vũ khí đến từ quốc gia châu Âu này cũng giảm sút mạnh. Theo số liệu mới nhất, dù kim ngạch xuất khẩu hàng quốc phòng từ Nga sang các thị trường này gần như đứng yên trong năm 2008, thị phần lại có sự giảm sút mạnh, xuống còn 7,8%, từ mức 25,2% trong năm trước đó.

Công nghiệp vũ khí Nga sa sút - Ảnh 1

Doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, Italy, Đức, Anh, Pháp, Nga, và Mỹ từ năm 2001 tới năm 2008 - Nguồn: Cơ quan Nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ/NYT.

Về phần mình, các chuyên gia của Nga cho rằng, Quốc hội Mỹ đã đưa ra những số liệu không chuẩn xác về sức mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Hãng xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga tuyên bố, giá trị các hợp đồng bán vũ khí mà họ ký mới trong năm 2009 đã lên tới 15 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự đi xuống của nền công nghiệp quốc phòng Nga bắt đầu kể từ khi Liên Xô cũ tan rã. Cũng giống như các lĩnh vực khác ở Nga thời kỳ đổi mới, ngành công nghiệp này đã trải qua quá trình tư nhân hóa mạnh mẽ. Chẳng hạn, các nhà máy sản xuất vũ khí và các đơn vị thiết kế sản phẩm cho các nhà máy đó sản xuất đã bị tách riêng để bán lại.

Theo thời gian, điều này đã có ảnh hưởng xấu tới chất lượng vũ khí được sản xuất ra. Những công ty lớn được thừa hưởng hợp đồng xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông kiếm được lợi nhuận dựa trên những thiết kế đã cũ kỹ và không chịu cải tiến để nâng cấp sản phẩm.

Ngoài ra, cùng với sự tan rã của Liên xô cũ, ngân sách quốc phòng của Nga cũng không còn hào phóng như trước, khiến nhiều dây chuyền lắp ráp máy bay quân sự và tàu chiến ở nước này phải ngừng hoạt động.

Thêm vào đó, gần đây, ngành công nghiệp quốc phòng Nga chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự lên giá của đồng nội tệ. Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ doanh thu của nước Nga từ việc xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu lửa và khí đốt, đồng Rúp của nước này cũng lên giá, đẩy giá vũ khí xuất khẩu của Nga trở nên đắt đỏ hơn và kém sức cạnh tranh hơn. Trong vòng 12 tháng trở lại đây, đồng Rúp đã tăng giá khoảng 16% so với USD, sau một thời gian giảm giá ngắn vì khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chưa hết, nhiều kỹ sư quốc phòng của Nga còn chuyển ra nước ngoài sống và làm việc, để lại một lực lượng lao động toàn những người ngấp nghé tuổi hưu.

Nhưng dù phải đối mặt với thách thức từ nhiều phía, một số công ty sản xuất vũ khí của Nga vẫn làm ăn tốt và trở thành doanh nghiệp đại chúng. United Aircraft, hãng mẹ của các nhà sản xuất các loại máy bay chiến đấu như Mig và Sukhoi, đã đạt giá trị vốn hóa trị trường trên 2 tỷ USD.

Dù bị xem là một dấu hiệu về sự sa sút của nền công nghiệp quốc phòng Nga, theo nhiều nhà phân tích, việc Nga mua vũ khí của nước ngoài có thể sẽ đem tới những hiệu quả tích cực cho ngành sản xuất vũ khí của nước này. Dường như, công nghiệp quốc phòng Nga đang muốn hiện đại hóa bằng cách học tập công nghệ của nước ngoài.

Mới đây, bộ phận dân sự của Sukhoi đã hợp tác với tập đoàn hàng không Finmeccanica của Pháp để sản xuất máy bay phản lực Russian Regional Jet, trong đó có sự tư vấn của Boeing về thiết kế và quảng bá sản phẩm.

Trong chuyến thăm Ấn Độ tuần trước của Thủ tướng Nga Vladimir Putin, lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng không Nga cho hay, họ đang đàm phán với phía Ấn Độ về việc chế tạo một phiên bản dành cho xuất khẩu của máy bay tàng hình Sukhoi T-50. Cuối tuần trước, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD để mua 29 máy bay chiến đấu Mig-29 từ Nga.