10:25 12/10/2007

Cổng trường đại học được mở rộng hơn

Dũng Hiếu

Bộ Giáo dục - Đào tạo đã cho phép 7 trường đại học được tuyển sinh chỉ tiêu ngoài ngân sách

7 trường đại học được tuyển sinh ngoài ngân sách bao gồm: Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Tp.HCM, Đại học Kiến trúc Tp.HCM, Đại học Kinh tế Tp.HCM.
7 trường đại học được tuyển sinh ngoài ngân sách bao gồm: Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Tp.HCM, Đại học Kiến trúc Tp.HCM, Đại học Kinh tế Tp.HCM.
Bộ Giáo dục - Đào tạo đã cho phép 7 trường đại học được tuyển sinh chỉ tiêu ngoài ngân sách. Đây là niềm vui của nhiều học sinh, những tưởng phải chuyển từ nguyện vọng 1 sang nguyện vọng 2, nay lại có cơ hội được thực hiện nguyện vọng 1 của mình.

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2007 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục - Đào tạo thực hiện chủ trương giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường tự quyết. Bộ chỉ duyệt chỉ tiêu do các trường đề xuất, chứ không “khoán gọn” như năm trước. Và Bộ cũng yêu cầu các trường khi tuyển sinh không được vượt chỉ tiêu, nếu tuyển vượt sẽ bị nghiêm khắc xử lý.

Nới chỉ tiêu tuyển sinh ngoài ngân sách

Đầu tháng 2/2007, Bộ Giáo dục - Đào tạo ký quyết định ban hành hướng dẫn xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp 2007. Theo đó, từ năm 2007 trở đi, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên các tiêu chí: số sinh viên quy đổi/giảng viên quy đổi; mức độ và trình độ tin học hóa trong giảng dạy, quản lý; năng lực thiết bị chuyên ngành phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học/sinh viên quy đổi.

Như vậy, căn cứ vào mức độ đáp ứng vào bộ tiêu chí này các trường tự đề xuất chỉ tiêu, chứ không phải bị áp đặt từ trên xuống như trước đây.

Trường nào có số sinh viên quy đổi/giảng viên quy đổi cao hơn hoặc bằng mức được Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định thì chỉ tiêu tuyển sinh năm 2007 được xác định tối đa bằng năm 2006. Trường có số sinh viên quy đổi/giảng viên quy đổi thấp hơn quy định thì chỉ được tăng nhưng không vượt quá 10% chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2006. Công tác hậu kiểm đối với các trường “vượt rào” sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến 10/2007.

Dù văn bản đề ra rất nghiêm ngặt, nhưng ngay lúc cao điểm nhất của việc xét tuyển thì Bộ Giáo dục - Đào tạo lại “tháo khoán” cho các trường “xin” thêm chỉ tiêu. 7 trường đại học đã được phép của Bộ tuyển sinh thêm chỉ tiêu ngoài ngân sách với mức chỉ tiêu từ vài trăm lên đến vài ngàn.

Đơn cử như trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, thí sinh được gọi trúng tuyển thêm trong diện chỉ tiêu ngoài ngân sách là 1.956, khá lớn so với con số 5.000 chỉ tiêu hệ đào tạo chính quy của trường. Rõ ràng, trong một thời gian ngắn như vậy, các trường liệu có được số giảng viên và cơ sở vật chất để tăng chỉ tiêu theo quy định của bộ tiêu chí mà Bộ đề ra.

Học sinh vẫn hồ hởi chấp nhận

7 trường đại học được tuyển sinh ngoài ngân sách bao gồm: Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Tp.HCM, Đại học Kiến trúc Tp.HCM, Đại học Kinh tế Tp.HCM. Một điều rất dễ dàng nhận thấy cả 7 trường đại học này đều là những trường đại học vào hàng danh giá bậc nhất hiện nay trong hệ thống đại học Việt Nam.

Những thí sinh thuộc diện chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách phải tự túc 100% kinh phí học tập và không có hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài sự khác biệt về học phí thì bằng cấp của hệ đại học đào tạo ngoài ngân sách không có bất kỳ sự phân biệt nào so với bằng cấp của hệ đại học chính quy.

Học phí đào tạo của sinh viên hệ ngoài ngân sách thường cao gấp 3, 4 lần so với sinh viên hệ chính quy. Chẳng hạn như tại trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM, học phí diện này là 980.000 đồng/sinh viên/tháng, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Đại học Dược là khoảng hơn 700.000 đồng/tháng, Đại học Ngoại thương là 400.000 đồng/tháng...

Dù học phí ở mức cao chót vót như vậy nhưng những sinh viên thi vào trường đã trượt trong nguyện vọng 1, khi biết mình đã đủ điểm trúng tuyển theo diện hệ chỉ tiêu ngoài ngân sách đều hết sức phấn khởi, không hề đắn đo, ngay lập tức bỏ trường mình đã trúng tuyển nguyện vọng 2 để quay trở về.

Đối với những sỹ tử thi trượt đại học, việc thi trúng tuyển theo diện đào tạo ngoài ngân sách của các trường là phao cứu sinh. Thế nhưng, theo phản ánh của dư luận, nếu nhìn nhận một cách khách quan ở nhiều khía cạnh, việc Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép các trường đại học tuyển sinh theo diện bổ sung đào tạo ngoài ngân sách là mâu thuẫn với chính quyết định của Bộ. Nhưng dù thế nào thì đây cũng là giải pháp được đông đảo phụ huynh và học sinh đón nhận.