11:54 07/11/2011

Công ty chứng khoán: Cháy nhà mới ra mặt

Khánh Hà

Chưa lúc nào tình trạng khó khăn của các công ty chứng khoán lại được giới đầu tư quan tâm như lúc này

Thị trường khó khăn lại là cơ hội để đẩy mạnh tái cấu trúc khối công ty chứng khoán.
Thị trường khó khăn lại là cơ hội để đẩy mạnh tái cấu trúc khối công ty chứng khoán.
Chưa lúc nào tình trạng khó khăn của các công ty chứng khoán lại được giới đầu tư quan tâm như lúc này, khi túi tiền của họ gặp rủi ro.

Bức tranh tổng hợp kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán niêm yết 9 tháng đầu năm càng khiến cho mối lo ngại về khả năng thanh khoản tăng lên. Việc nhiều nhà đầu tư bị hủy lệnh bán đối ứng với lệnh mua tại công ty chứng khoán SME vừa qua đã cho nhà đầu tư một ví dụ cụ thể  về rủi ro thanh khoản. Sẽ là thế nào khi quyết định cắt lỗ - vốn đã rất khó khăn - lại không thành công và cơ hội qua đi.

Nhà đầu tư chắc chắn sẽ gây sức ép rất lớn lên cơ quan quản lý để tình trạng này không tái diễn.

Về lý thuyết, nếu công ty chứng khoán quản lý tốt tiền của mình và tiền của nhà đầu tư, sẽ không có tình trạng chậm thanh toán. Người mua khi đặt lệnh mua luôn phải có đủ số dư trên tài khoản. Ngoài khả năng “trục trặc kỹ thuật” như giải trình của SME mới đây, còn khả năng nữa là tiền của nhà đầu tư đã bị lạm dụng và vì một vướng mắc nào đó, công ty đã không kịp quay vòng vốn trở lại, dẫn đến tình trạng thiếu tiền thanh toán. Cũng nên biết là quy trình thanh toán chuyển tiền không thực hiện ngay khi đặt lệnh mua, nghĩa là công ty có một khoản thời gian nhất định để “xoay”.

Việc vẫn còn nhiều công ty chứng khoán chưa tách bạch cụ thể tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư khỏi tiền gửi của công ty tại ngân hàng khiến rủi ro bị lạm dụng là lớn. Gần 3 năm nay yêu cầu tách bạch tiền gửi của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chưa được thực thi một cách đầy đủ. Nhiều công ty chỉ thực hiện đến bước tách tiền gửi chung của khách hàng vào một tài khoản riêng tại ngân hàng, chứ chưa tách bạch đến từng tài khoản cụ thể.

Việc cung cấp đòn bẩy một cách thái quá, trong đó không loại trừ khả năng lạm dụng vốn nhàn rồi của khách hàng, khiến công ty chứng khoán có thể bị thiếu hụt thanh toán tạm thời. Trong trường hợp bình thường, công ty có thể tìm kiếm nguồn khác để bù đắp, chẳng hạn lấy vốn tự có, vay nóng ngân hàng, thậm chí vay nóng cả bên ngoài để cân đối. Mọi việc sẽ vẫn trơn tru nếu vòng quay này vận hành tốt.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, như danh mục cầm cố không giải phóng được, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy bị kẹt, nguồn vay ngắn hạn bị ngắt, vòng quay vốn sẽ dừng lại. Đáng tiếc là những lý do đó lại thường xảy ra trong bối cảnh khó khăn như hiện tại: Thị trường liên tục xuống dốc, giá trị tài sản cầm cố suy giảm quá nhanh, ngân hàng không dễ dàng cho vay trước áp lực thu hồi nợ.

Một lý do nữa là kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán quá bê bết, trong khi nợ chồng chất là minh chứng rõ ràng cho rủi ro hoạt động cũng như rủi ro thanh khoản. Một phần của bức tranh xỉn màu này, là nhóm công ty chứng khoán niêm yết với con số lỗ lũy kế 3 quý đầu năm lên tới cả ngàn tỷ đồng. Con số lỗ này nghĩa là hàng đống tiền đang bị kẹt lại đâu đó, trong các khoản đầu tư xấu, hoặc chi phí kinh doanh quá cao.

Kinh doanh bê bết, nợ lại cao khiến các chỉ số tài chính thường xấu. Nhưng xấu nhất và đáng quan tâm nhất trong bối cảnh này là hệ số thanh toán nhanh, là lượng tiền mặt so với khoản nợ ngắn hạn. Bảng cân đối kế toán của công ty chứng khoán có một vài điểm khác biệt so với danh nghiệp sản xuất kinh doanh thông thường, khiến việc tính toán hệ số này cần chi tiết hơn.

Bảng cân đối kế toán thường ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền thành “một cục” nhưng đối với các công ty chứng khoán không tách bạch tài khoản, lượng tiền này còn có thể bao gồm cả tiền của khách hàng, vốn không thể tùy ý sử dụng.

Thứ hai là khoản tài sản ngắn hạn thường lớn nhưng phần chủ yếu là các khoản phải thu. Về lý thuyết khoản phải thu góp phần quan trọng trong khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là tốc độ thu hồi nợ. Với công ty chứng khoán, điều này trở nên rất đặc thù vì phục thuộc chủ yếu vào biến động thị trường.

Nếu trong điều kiện bình thường, thị trường thành khoản tốt, nhà đầu tư “chơi đẹp”, khả năng thu hồi nợ là tốt và việc cân đối phải thu phải trả không khó. Nhưng điều dở nhất là mọi thứ xấu cứ nhè vào lúc khó khăn nhất để xuất hiện dồn dập: Thị trường suy giảm, tự doanh lỗ nặng, khách hàng margin cũng lỗ, ngân hàng ngại cho vay thêm trong khi tích cực đòi nợ. Đúng là tình cảnh “cháy nhà mới ra mặt”, công ty không xoay được vốn nhanh, khách hàng không có khả năng bổ sung tài sản đảm bảo, thậm chí nhăm nhe xù nợ, khả năng thanh lý danh mục cầm cố thấp, hoặc lỗ quá nặng...

Hiện tượng SME được biết đến nhiều một phần vì việc hủy lệnh giao dịch đối ứng và công ty này đã niêm yết. Bức tranh kết quả kinh doanh yếu kém của các công ty chứng khoán cũng chỉ là bề nổi. Vài chục công ty niêm yết thậm chí có thể còn tươi sáng hơn rất nhiều công ty khác chưa niêm yết, với những khó khăn chưa được biết rõ. Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán, sau khi làm việc với một loạt công ty chứng khoán, cơ quan quản lý đã lọc ra được khoảng 10 công ty tương đối khó khăn để kiểm tra trực tiếp. Nhóm công ty này sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng và nếu thực sự khó khăn, sẽ phải tạm ngừng hoạt động môi giới.

Việc tái cấu trúc khối công ty chứng khoán đã được đề cập đến từ lâu, nhưng chỉ rộ lên trở lại gần đây cùng với yêu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Ngay khi cả trăm công ty chứng khoán ra đời, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng con số trên là quá thừa đối với một thị trường nhỏ như Việt Nam. Tuy nhiên khi các công ty này còn ăn nên làm ra, thì áp lực tái cấu trúc chưa lớn. Chính trong bối cảnh “cháy nhà” hiện tại, cơ hội làm mạnh lại mở rộng.

Được biết hiện cơ quan quản lý đã có đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán trên tinh thần phân loại các công ty thành 3 nhóm, dựa trên các tiêu chí như: vốn khả dụng/tổng nợ, mức lỗ/vốn điều lệ. Trên cơ sở phân loại đó, sẽ có giải pháp để buộc các công ty chứng khoán phải tái cấu trúc nợ, tăng quản trị công ty, giảm danh mục đầu tư…

Thậm chí, những công ty yếu có thể sẽ phải theo hướng mua bán sáp nhập hoặc có thể sẽ rút bớt nghiệp vụ nếu không tuân thủ các quy định về an toàn tài chính.