16:37 05/09/2011

Công ty chứng khoán “hết cửa” môi giới cho vay bán khống

Nguyễn Hoàng

Hôm nay (5/9), Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản cấm công ty chứng khoán làm trung gian cho vay mượn chứng khoán để bán

Nhà đầu tư cá nhân thường gặp rủi ro lớn trong các thương vụ thỏa thuận cá nhân mà không có tổ chức đứng ra bảo lãnh.
Nhà đầu tư cá nhân thường gặp rủi ro lớn trong các thương vụ thỏa thuận cá nhân mà không có tổ chức đứng ra bảo lãnh.
Hôm nay (5/9), Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản cấm công ty chứng khoán làm trung gian cho vay mượn chứng khoán để bán.

Cụ thể, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ không được thực hiện hoặc đứng ra làm trung gian cho việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán khi chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn.

Ngoài ra, công ty quản lý quỹ cũng không được sử dụng vốn và tài sản của quỹ, danh mục đầu tư của khách hàng ủy thác để cho vay hoặc bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay nào. Các tổ chức dạng này cũng không được sử dụng vốn và tài sản của quỹ, của khách hàng ủy thác để cho vay hoặc bảo lãnh cho các khoản vay của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn. Cơ quan quản lý yêu cầu công ty quản lý quỹ lưu ký toàn bộ tài sản của quỹ và nhà đầu tư ủy thác tại ngân hàng lưu ký.

Nhằm giám sát chéo, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát bảo đảm quản lý tách bạch tài sản tới từng khách hàng ủy thác, quỹ đầu tư, chỉ được thực hiện chỉ thị thanh toán, chuyển tiền, tài sản của quỹ đầu tư, danh mục đầu tư theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Mọi giao dịch chuyển khoản, thanh toán tiền, chuyển chứng khoán đều phải thực hiện đúng đến các đối tác giao dịch của quỹ đầu tư, khách hàng ủy thác là các tài khoản của quỹ đầu tư, tiểu khoản của khách hàng ủy thác.

Văn bản này ra đời được xem là cụ thể hóa quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn hành vi bán khống, vốn nở rộ thời gian qua và được xem là lực cản cho các nỗ lực phục hồi, cũng như làm trầm trọng hơn các đợt giảm giá.

Tuy nhiên, như đã một lần chỉ rõ, đa số các giao dịch được gọi là “bán khống” đang diễn ra thực chất là bán thông qua chủ tài khoản và được phép của chủ sở hữu của chứng khoán đó. Cũng rất khó có thể lượng hóa được khả năng vay mượn chứng khoán dạng này, và do đó khó xác định được ảnh hưởng của nó đến thị trường.

Trao đổi nhanh với VnEconomy, giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết lâu nay đa số các công ty chứng khoán không có chính sách cho khách hàng mượn cổ phiếu bán khống, dù là lấy hàng của tự doanh. Chỉ có số ít đơn vị đứng ra chắp nối giữa người có chứng khoán nhàn rỗi và người cần chứng khoán bán khống. Khi cơ quan quản lý có văn bản chính thức cấm, hoạt động này sẽ chấm dứt vì chứng khoán là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng cũng khó có thể ngăn cấm các nhà đầu tư tự tìm đến nhau.

Về hoạt động môi giới, vị giám đốc này cũng cho biết sẽ phổ biến đến các nhân viên môi giới. Tuy nhiên cũng không loại trừ việc các nhân viên môi giới vẫn có các mối quan hệ riêng của mình để chắp nối khách hàng. Thậm chí một số nhà đầu tư có quan hệ rộng còn tự đứng ra tìm kiếm khách hàng để khớp nhu cầu vay mượn.

Theo ý kiến này, để xóa bỏ hoạt động vay mượn chứng khoán với tư cách cá nhân là không thể. Tuy nhiên cũng có cách để hạn chế. Quan trọng nhất là cơ quan quản lý nên nói rõ những hoạt động vay mượn trên cơ sở thỏa thuận dân sự, tín chấp hoặc đảm bảo một phần rất dễ này sinh tranh chấp.

Chẳng hạn nếu có tình trạng “xù nợ” thì các bên phải căn cứ vào các thỏa thuận bằng văn bản để tự xử lý với nhau. Những tranh chấp dạng này rất khó giải quyết vì chỉ là thỏa thuận của đôi bên, không có tổ chức nào đứng trung gian đảm bảo. Rủi ro trong những thỏa thuận như vậy lớn hơn lợi nhuận từ phí có thể thu được và nhà đầu tư sẽ hạn chế tham gia.