10:32 10/04/2008

Công ty chứng khoán: Lãi năm ngoái, lo năm nay

Hoàng Lộc

Tính đến ngày 9/4, đã có 16 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính năm 2007 với những kết quả khá bất ngờ

Một số chuyên gia dự báo cuối năm nay và trong năm 2009 sẽ có một số công ty chứng khoán sẽ phải tuyên bố phá sản.
Một số chuyên gia dự báo cuối năm nay và trong năm 2009 sẽ có một số công ty chứng khoán sẽ phải tuyên bố phá sản.
Hàng loạt các công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh năm 2007 và đa số đều có lãi.

Tuy nhiên, năm 2008 sẽ là một năm đầy sóng gió đối với các công ty chứng khoán, nhất là những công ty mới ra đời và những công ty chuẩn bị thành lập với mục đích “bán” cái tên cho nước ngoài.

2007, lãi tăng đại nhảy vọt

Tính đến ngày 9/4, đã có 16 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính năm 2007 với những kết quả khá bất ngờ.

Mặc dù thị trường chứng khoán năm 2007 suy giảm mạnh nhưng trong số 16 công ty chứng khoán vừa công bố báo cáo tài chính thì duy nhất chỉ có Công ty Chứng khoán Nam Việt lỗ 1,573 tỷ đồng, 15 công ty còn lại đều có lãi (lợi nhuận sau thuế).

Một số công ty có tốc độ tăng lãi đại nhảy vọt như: Công ty Chứng khoán An Bình từ lỗ 251 triệu đồng năm 2006, năm 2007 lãi nhảy vọt lên 60 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu lãi tăng từ 73 tỷ năm 2006 vọt lên 332 tỷ năm 2007, Công ty Chứng khoán Đại Việt có lãi 80 tỷ năm 2007 so với lãi năm trước chỉ có 855 triệu đồng.

Công ty Chứng khoán Đệ Nhất kiếm được 39 tỷ đồng so với 18 tỷ của năm 2006, Rồng Việt mới kinh doanh năm đầu đã lãi 43 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán FPT ngay năm đầu tiên kinh doanh cũng kiếm được 9 tỷ đồng tiền lời.

Rất đông các công ty chứng khoán ra đời cuối năm 2006 và đầu năm 2007 chỉ đạt mức lãi vài trăm triệu đồng trong năm 2007. Đây cũng chính là lực lượng đang ráo riết săn tìm các đối tác chiến lược nước ngoài là các công ty chứng khoán, công ty tài chính, ngân hàng và quỹ đầu tư.

2008, cạnh tranh khốc liệt

Theo nhận định của một chuyên gia chuyên môi giới mua bán sáp nhập doanh nghiệp, trong năm 2008, làn sóng mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ chứng khoán sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhu cầu lớn nhất ở những công ty chứng khoán tiềm lực tài chính yếu (vốn điều lệ từ 50 đến 300 tỷ đồng), không có các tổ chức tài chính, tổng công ty lớn ở trong nước đứng sau.

Những công ty này sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh giành giật khách hàng của các công ty chứng khoán “đại gia” và các công ty chứng khoán đã được các tổ chức nước ngoài “mua”.

Trong 2 tháng qua, có tới 8 vụ nước ngoài “mua” công ty chứng khoán Việt Nam, trong đó có một số vụ mua tới 49% cổ phần của các công ty chứng khoán như Morgan Standley đã mua cổ phần của Công ty Chứng khoán Hướng Việt và công ty chứng khoán này sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt.

Mặc dù công ty chứng khoán này chỉ mới họat động trong năm 2007 với lợi nhuận sau thuế chỉ có 717 triệu đồng. Quỹ Golden Bridge mua 49% cổ phần của Công ty Chứng khoán Nhấp & Gọi, còn Ngân hàng RHB (Malaysia) mua 49% cổ phần của Công ty Chứng khoán Việt Nam.

Sẽ có công ty phá sản?

Năm 2008 sẽ là năm vô cùng khó khăn cho các công ty chứng khoán do thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi các diễn biến phức tạp của nền kinh tế vĩ mô và sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty chứng khoán.

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của hầu hết công ty chứng khoán mà còn làm đình trệ các nghiệp vụ khác như tư vấn, môi giới, bảo lãnh phát hành.

Một số chuyên gia dự báo cuối năm nay và trong năm 2009 sẽ có một số công ty chứng khoán sẽ phải tuyên bố phá sản do sức cạnh tranh kém về mọi mặt (nhân lực, công nghệ thông tin, sức mạnh tài chính…) sau khi không sao kiếm được các “Đại gia” trong nước hoặc các tổ chức nước ngoài mua lại.

Các công ty chứng khoán không có những hợp đồng tư vấn, bảo lãnh phát hành, tư vấn tài chính doanh nghiệp mà chỉ trông vào doanh thu từ phí môi giới và tự doanh sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn, nhất là đối với các công ty mới đi vào hoạt động.

Thị trường chứng khoán năm 2008 theo dự báo sẽ phục hồi so với năm 2007 nhưng chưa có dấu hiệu sẽ nóng lên như cuối năm 2006 và quý 1/2007. Do vậy, cuộc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán sẽ ngày càng khốc liệt, nhất là trong bối cảnh hàng loạt các tổ chức nước ngoài đang “đổ bộ” vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện nay có hơn 100 công ty chứng khoán đang hoạt động và hơn 20 bộ hồ sơ xin phép thành lập công ty chứng khoán đã nộp lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chờ xem xét và thẩm định.

Theo nhiều chuyên gia, cho dù thị trường chứng khoán đang khó khăn nhưng rất nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn vẫn muốn nhảy vào thành lập công ty chứng khoán bởi vì về mặt trung và dài hạn quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển.

Quỹ Dragon Capital dự báo đến năm 2010, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt 100 tỷ USD, có hơn 1 triệu tài khoản của nhà đầu tư và hơn 500 công ty niêm yết trên sàn, giá trị giao dịch trung bình hằng ngày hơn 100 triệu USD.