10:26 06/12/2011

Công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán: SOS với SMES!

Lan Hương

Công ty Cổ phần Chứng khoán SME (SMES) một lần nữa lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán

Ủy ban Chứng khoán đang tính đến giải pháp áp dụng biện pháp mạnh tay hơn với SMES là xem xét việc đình chỉ hoạt động môi giới.
Ủy ban Chứng khoán đang tính đến giải pháp áp dụng biện pháp mạnh tay hơn với SMES là xem xét việc đình chỉ hoạt động môi giới.
Công ty Cổ phần Chứng khoán SME (SMES, mã: SME - HNX) một lần nữa lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, ngay sau khi mới thoát khỏi tình trạng bị đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký.

Liệu với vi phạm lần này của SMES, cơ quan quản lý sẽ xử lý dứt điểm ra sao và biện pháp mạnh tay hơn được áp dụng sẽ là gì?

Chiều ngày 5/12/2011, một số  nhà đầu tư và công ty chứng khoán đã phản ánh về việc giao dịch của họ bị hủy (khớp với lệnh mua xuất phát từ SMES). Với lý do được xác định là sáng ngày 5/12, SMES đã không thể thanh toán được các khoản phải trả cho lệnh mua (khớp lệnh vào ngày 30/11) đến hạn thanh toán. Quy mô giao dịch bị hủy lần này vào khoảng hơn 3 tỷ đồng, tức là gấp hai lần so với lần vi phạm cách đây một tháng.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán cho biết, hiện cơ quan này đang chờ giải trình từ SMES và cũng đang tính đến giải pháp áp dụng biện pháp mạnh tay hơn với SMES là xem xét việc đình chỉ hoạt động môi giới của SME để đảm bảo cho khách hàng và hệ thống.

Tuy nhiên để xử lý một cách thấu đáo, cần theo quy trình thủ tục và điều quan trọng là hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng đối với nhà đầu tư và thị trường.

Cách đây một tháng, ngày 2/11, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cũng đã có văn bản về việc đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký của SMES trong thời hạn 1 tháng (từ 3/11 đến 3/12/2011) với phạm vi đình chỉ hoạt động lưu ký bao gồm: nhận ký gửi chứng khoán, cầm cố chứng khoán và các chuyển khoản chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch (ngoại trừ chuyển khoản để tất toán tài khoản).

Theo giải thích của VSD, SMES đã có tiền sử về việc thiếu tiền và đã nhiều lần vi phạm quy chế thành viên trong việc nộp tiền thanh toán bù trừ. Ngày 9/9/2011, VSD đã có công văn cảnh cáo SMES vi phạm quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán chứng khoán, đồng thời yêu cầu công ty này phải trả nợ số tiền gần 7,9 tỷ đồng đã vay từ quỹ hỗ trợ thanh toán do SMES đã bị thiếu hụt tiền thanh toán giao dịch chứng khoán từ trước đó trong các ngày 24 và 31/8/2011.

Theo quy định hiện nay, đến 11h trong ngày thanh toán, nếu số dư tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán bù trừ của các công ty chứng khoán tại ngân hàng thanh toán không đủ để thanh toán so với báo cáo bù trừ do VSD lập, thì công ty chứng khoán đó được coi là tạm thời mất khả năng thanh toán tiền.

Trong thời gian vừa qua, nhiều công ty chứng khoán vi phạm lỗi này, song việc vi phạm nhiều lần và không khắc phục được hậu quả như SMES không phải là phổ biến.

Một trong những nguyên nhân được xác định là do các công ty chứng khoán không kiểm soát chặt chẽ quy trình nội bộ và quản lý rủi ro, dẫn đến đến thời điểm thanh toán không chuyển đủ tiền thanh toán vào tài khoản.

Hiện nay, phương thức thanh toán đối với các giao dịch chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán đa phần dựa trên kết quả bù trừ đa phương giữa các thành viên với nhau, nên việc thiếu tiền của một thành viên sẽ ảnh hưởng đến thành viên khác và ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán cho toàn thị trường. Trường hợp không kịp thời khắc phục sẽ làm cho hệ thống thanh toán của VSD không diễn ra liên tục, và việc này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc giao dịch trên thị trường cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư.

Theo cơ chế hiện nay, khi thành viên rơi vào tình trạng tạm thời mất khả năng thanh toán tiền, việc hỗ trợ được thực hiện theo hai phương thức: hỗ trợ tiền từ nguồn của quỹ hỗ trợ thanh toán và từ nguồn phát vay bắt buộc của ngân hàng thanh toán.

Đối với các trường hợp khoản thiếu hụt dưới 10 tỷ đồng sẽ dùng nguồn tiền từ quỹ hỗ trợ thanh toán để phát vay. Trường hợp khoản thiếu hụt trên 10 tỷ đồng sẽ dùng nguồn tiền do ngân hàng thanh toán phát vay.

Quỹ hỗ trợ thanh toán được hình thành trên cơ sở nguồn đóng góp ban đầu và đóng góp hàng năm của tất cả các thành viên lưu ký trên thị trường với mục đích là hỗ trợ thanh toán trong trường hợp thành viên tạm thời mất khả năng thanh toán tiền. Tuy nhiên, mục tiêu của quỹ này là để đảm bảo cho hoạt động thanh toán trên toàn thị trường diễn ra an toàn và suôn sẻ, tránh trường hợp vì một vài thành viên bị thiếu tiền thanh toán làm ảnh hưởng đến các thành viên khác cũng như hoạt động thanh toán chung cho toàn thị trường, chứ không phải là nguồn để cho các thành viên vay khi thiếu tiền thanh toán.

Đến ngày thanh toán, thành viên phải có nghĩa vụ đảm bảo khả năng thanh toán tiền theo quy định. Vì vậy, khi phải sử dụng quỹ có nghĩa là hoạt động thanh toán trên thị trường đang gặp rủi ro cần xử lý ngay lập tức.

Theo quy chế thành viên của  VSD, đối với thành viên vi phạm, tuỳ theo mức độ vi phạm quy chế, cơ quan này sẽ áp dụng các hình thức xử lý vi phạm tăng dần, từ nhắc nhở bằng văn bản, đến cảnh cáo, rồi tạm thời đình chỉ hoạt động và cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận thành viên.

VSD sẽ áp dụng hình thức thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký sau khi được Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận trong các trường hợp: thành viên vi phạm các nghĩa vụ của thành viên, quy định về hoạt động của VSD làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống nghiệp vụ của VSD hoặc thành viên không khắc phục các vi phạm sau khi đã bị VSD quyết định đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký.

Với thành viên bị thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký, VSD sẽ ra quyết định đình chỉ tư cách thành viên lưu ký, sau đó hai sở giao dịch chứng khoán sẽ đình chỉ tư cách thành viên giao dịch, coi như đặt dấu chấm hết cho hoạt động môi giới của thành viên đó.

Với hệ thống những vi phạm của SMES thời gian qua, lần này liệu cơ quan quản lý có áp dụng biện pháp mạnh tay hơn không? Thị trường đang chờ phản hồi chính thức từ Ủy ban Chứng khoán.