16:10 04/03/2013

Công ty chứng khoán: Mấu chốt rủi ro là... tuân thủ

Nguyễn Hoàng

Nhiều công ty chứng khoán lớn vừa qua rơi vào tình trạng rủi ro rất cao không phải là do không có hệ thống quản trị rủi ro

Phân cấp trách nhiệm, giám sát chéo, tính độc lập của mỗi bộ phận là yếu tố quan trọng đảm bảo hệ thống quản trị rủi ro được thực thi hiệu quả.
Phân cấp trách nhiệm, giám sát chéo, tính độc lập của mỗi bộ phận là yếu tố quan trọng đảm bảo hệ thống quản trị rủi ro được thực thi hiệu quả.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ chứng khoán lâu nay quen thuộc với các loại rủi ro như rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh toán, rủi ro thị trường… nhưng điều tiên quyết lại nằm ở một loại hình rủi ro nghe khá “lạ tai”: rủi ro tuân thủ.

Đơn giản vì ngay cả khi hệ thống quản trị rủi ro, ban bệ nhân sự đầy đủ cả mà tính tuân thủ không có, thì cả hệ thống cũng
vứt đi.

Ngày 26/2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quy chế hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho công ty chứng khoán. Đây là bước đi hoàn thiện quy trình hướng dẫn hoạt động của công ty chứng khoán. Yêu cầu tuân thủ quy chế thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro được xác định trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận và cá nhân.

Hệ thống và quy trình quản trị rủi ro vốn là khâu không thể thiếu trong các hoạt động tài chính, nhưng lâu nay nhiều công ty chứng khoán vẫn sử dụng một cách hình thức, mang tính trang điểm để khách hàng nhìn vào một hình ảnh “long lanh” có vẻ chuyên nghiệp.

Thực tế, nhiều công ty chứng khoán lớn vừa qua rơi vào tình trạng rủi ro rất cao, thậm chí mất hết cả vốn chủ sở hữu, không phải là do không có hệ thống quản trị rủi ro, mà là không tuân thủ các quy trình này.

Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán), cho biết việc thanh tra các công ty vi phạm vừa qua thì những công ty này đều có hệ thống kiểm soát nội bộ, có quy trình giám sát rủi ro nhưng không được thực thi nghiêm túc. Một số trường hợp quy trình chỉ nằm trên giấy và một số khác thì người điều hành thao túng và vượt mặt cả hệ thống quản trị rủi ro.

Một trong những ví dụ điển hình của việc bỏ qua các quy định quản lý rủi ro và tự đưa doanh nghiệp vào vị thế rủi ro cao vừa qua là việc cắt lỗ, thanh toán các doanh mục đầu tư kém hiệu quả, các dịch vụ đòn bẩy, hợp tác kinh doanh thiếu kiên quyết.

Thông thường khi cho khách hàng vay ký quỹ, các công ty chứng khoán luôn dự phòng một mức độ tổn thất, rủi ro trong trường hợp xấu nhất và rất hiếm khi cho vay vượt quá một tỉ lệ an toàn so với giá trị tài sản ký quỹ. Mặt khác, các hợp đồng luôn quy định một hạn mức suy giảm giá trị tài sản ký quỹ nhất định và yêu cầu bổ sung tài sản ký quỹ, hoặc công ty sẽ thực hiện giải chấp tài sản để thu hồi vốn cho vay.

Với những quy định chặt chẽ, tưởng như toàn bộ rủi ro được chuyển cho khách hàng và công ty được an toàn trong những trường hợp xấu nhất. Tuy nhiên vẫn có vô khối trường hợp công ty chứng khoán phải gánh cục nợ là một mớ cổ phiếu đã rớt giá vượt quá quy định giải chấp, hoặc trường hợp khách hàng bỏ của chạy lấy người. Nguyên nhân chính là các yếu tố cảm tính đã vượt mặt cả các quy định về quản lý rủi ro!

Mức độ thân quen của khách hàng, một lời nói của tổng giám đốc, thành viên ban quản trị cũng có thể vô hiệu hóa các quy định. Thậm chí có trường hợp chính thành viên ban điều hành doanh nghiệp cũng tự “hợp tác kinh doanh” với chính công ty, đồng thời quyết định việc thực thi các quy định quản trị rủi ro.

Chính vì vậy tính tuân thủ, sự phân cấp trách nhiệm và tính độc lập của các bộ phận quản lý rủi ro là yếu tố then chốt cho tính hiệu quả của hoạt động đó, chứ không nằm ở quy trình. Điều này được quy định rõ ràng trong quy chế vừa ban hành: công ty chứng khoán phải đảm bảo công tác quản trị rủi ro được thực hiện độc lập, khách quan, trung thực và thống nhất và phải được thể hiện bằng văn bản. Công ty phải đảm bảo các bộ phận tác nghiệp và bộ phận quản trị rủi ro được tổ chức tác biệt và độc lập với nhau, người phụ trách bộ phận tác nghiệp không đồng thời phụ trách bộ phận quản trị rủi ro và ngược lại.

Ngoài ra, tính minh bạch và quy trách nhiệm trong việc quản trị rủi ro được thực hiện qua yêu cầu văn bản hóa tất cả các hướng dẫn, báo cáo, nghị quyết liên quan. Nguyên tắc lưu trữ hồ sơ, tài liệu của quy chế quy định: Tất cả các hồ sơ, tài liệu, báo cáo, biên bản họp, nghị quyết của hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên hoặc quyết định của chủ sở hữu công ty, các báo cáo về rủi ro, các quyết định của tổng giám đốc và các tài liệu khác liên quan đến quản trị rủi ro phải được lưu trữ đầy đủ và sẵn sàng cung cấp khi có yêu cầu.

Quy chế cũng cụ thể hóa quy trình quản trị rủi ro, trách nhiệm của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty cũng như từng bộ phận cũng như khả năng giám sát chéo. Đặc biệt lần đầu tiên tất cả các hoạt động kinh doanh phải được xác định hạn mức rủi ro, đảm bảo nguyên tắc “không có hoạt động kinh doanh nào được thực hiện khi hạn mức rủi ro chưa được xác định trước”. Công ty cũng phải xây dựng sẵn các biện pháp và quy trình xử lý rủi ro.

Quy chế này có hiệu lực ngay từ ngày 26/2/2013 đi kèm với chế độ báo cáo định kỳ.