13:20 06/09/2012

Công ty “cụt” lãi sau soát xét: Không biết tin ai!

Trọng Nghĩa

Ranh giới giữa sự cố tình và yếu tố khách quan là rất khó phân biệt

Về lý thuyết số liệu kiểm toán là kết quả chính xác nhất liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh.
Về lý thuyết số liệu kiểm toán là kết quả chính xác nhất liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh.
Mê hồn trận kết quả kinh doanh lại được bày ra sau khi các công ty niêm yết công bố kết quả soát xét kiểm toán bán niên đối với báo cáo tài chính. Vẫn biết chênh lệch số liệu là dễ xảy ra, nhưng mức chênh lệch quá lớn, lặp đi lặp lại thì không thể không đặt dấu hỏi.

Theo báo cáo công bố mới nhất thì một số doanh nghiệp có mức chênh lệch tới vài chục tỷ đồng lợi nhuận. SCR công bố kết quả soát xét kiểm toán với con số lãi sau thuế được chấp nhận là 96,73 tỷ đồng, trong khi trước đó công bố con số 124,53 tỷ đồng. Như vậy mức chênh lệch trước và sau soát xét khoảng 27,8 tỷ đồng.

Nguyên nhân của mức chênh lệch khá lớn này là ảnh hưởng từ một công ty liên kết. Công ty kiểm toán KPMG đã tính tăng thêm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tại công ty liên kết này khiến khoản lợi nhuận từ đầu tư vào công ty liên kết được hạch toán trên báo cáo hợp nhất của SCR giảm xuống tương ứng.

Cũng một dạng ảnh hưởng từ công ty liên kết, XMC ghi nhận kết quả kinh doanh hợp nhất sau soát xét là -28,15 tỷ đồng, chênh lệch tới 18,47 tỷ đồng so với số liệu ước tính công bố trước đó. Giải trình của XMC ban đầu cho biết do hai công ty thành viên lỗ 20,36 tỷ đồng làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh hợp nhất. Tuy nhiên sau xoát xét, kiểm toán đã đẩy tăng mức lỗ của tổng hợp 3 công ty thành viên (thêm một công ty so với trước đó) thêm 8,72 tỷ đồng nữa.

Tuy nhiên nếu chỉ ảnh hưởng từ công ty liên kết, XMC không tăng lỗ nặng thêm như vậy. XMC còn đại diện một dạng giảm lợi nhuận khác là hạch toán chi phí không hợp lý. Kiểm toán đã điều chỉnh tăng cả doanh thu lẫn giá vốn của XMC lên, nhưng do hạch toán chi phí tăng lên nhiều hơn khiến lợi nhuận gộp giảm. Cụ thể, tỉ suất lãi gộp trước soát xét là 19,5% nhưng sau soát xét chỉ còn 16,1%. Mức giảm tuyệt đối của lợi nhuận gộp sau soát xét là gần 12,85 tỷ đồng. Kiểm toán cũng điều chỉnh giảm chi phí lãi vay hơn 300 triệu đồng, nhưng điều chỉnh tăng chi phí quản lý 2,1 tỷ đồng.

Nhìn chung các dạng ảnh hưởng làm thay đổi số liệu lời lỗ của doanh nghiệp trước và sau kiểm toán vẫn không có gì mới, chủ đạo là khác biệt về hạch toán chi phí, tăng giảm giá vốn, doanh thu, thay đổi lợi nhuận công ty liên kết, trích lập dự phòng không hợp lý… Việc kiểm toán điều chỉnh phương pháp hạch toán ở nhiều doanh nghiệp không tạo nên khác biệt lớn, chỉ khiến doanh nghiệp “cụt” lãi, nhưng ở không ít doanh nghiệp khác lại đủ lớn để biến lãi thành lỗ, như với trường hợp của PVR, FBT, INC…

Một điểm cần lưu ý là soát xét kiểm toán bán niên được tiến hành trên cơ sở trao đổi với nhân sự của công ty, áp dụng các thủ tục phân tích trên những số liệu tài chính và các công việc này có mức độ đảm bảo tin cậy thấp hơn công tác kiểm toán cuối năm.

Chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán đã từng phát lộ những con số tới hàng trăm tỉ đồng. Chẳng hạn số liệu thống kê năm 2011 cho thấy chênh lệch trước và sau kiểm toán của báo cáo tài chính 2010 làm lợi nhuận của 440 doanh nghiệp hai sàn giảm 895,25 tỷ đồng trong khi làm tăng 288,56 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 606,7 tỷ đồng. Ngay tháng 4/2012, kết quả kiểm toán với báo cáo 2011 cũng chỉ ra hàng loạt doanh nghiệp chênh lệch lợi nhuận hàng trăm tỷ như SBS, VCG, BTP…

Đối với sự chênh lệch số liệu trước và sau soát xét kiểm toán, thị trường thường chú ý nhiều hơn đến trường hợp điều chỉnh giảm lợi nhuận trong khi thực ra vẫn có nhiều công ty sau kiểm toán, lợi nhuận lại tăng lên. Nguyên nhân là do thị trường nhạy cảm hơn với sự trung thực của lãnh đạo doanh nghiệp.

Đối với trường hợp lợi nhuận tăng lên, chênh lệch thường là do sự thận trọng của doanh nghiệp. Khi thực hiện tổng hợp kết quả kinh doanh, do mức độ thận trọng cao nên doanh nghiệp chỉ hạch toán những phần chắc chắn sẽ phù hợp với ý kiến kiểm toán, còn phần dự kiến sẽ có ý kiến khác biệt, doanh nghiệp tạm thời chưa hạch toán. Do đó khi tiến hành soát xét, phần bị “gác lại” rất có tiềm năng được bổ sung vào kết quả kinh doanh khi kiểm toán và doanh nghiệp thống nhất với nhau.

Ngược lại, với trường hợp lợi nhuận giảm hoặc lỗ nặng thêm, nguyên nhân chính là kiểm toán không đồng ý với một số hạch toán của doanh nghiệp. Mặc dù lâu nay lý do bào chữa cho sự khác biệt này vẫn là từ chính sách hạch toán, kế toán khác nhau, nhưng không có nghĩa sai biệt hoàn toàn do khách quan. Nhà đầu tư rất dị ứng với những trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm chuẩn mực kế toán, hoặc cố tình lựa chọn phương án có lợi hơn để làm đẹp báo cáo. Ranh giới giữa sự cố tình và yếu tố khách quan là rất khó phân biệt.

Bức tranh tổng thể về kết quả kinh doanh 6 tháng của các doanh nghiệp niêm yết tính đến ngày 4/9 vẫn chưa đầy đủ. Mặc dù cơ bản các doanh nghiệp đã công bố xong kết quả kinh doanh ước tính của cả công ty mẹ lẫn báo cáo hợp nhất, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm trễ.

Tính đến ngày 4/9, HSX cho biết vẫn còn 13 công ty chưa nộp báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên cho năm 2012; 4 công ty chưa nộp báo cáo tài chính tổng hợp soát xét; 5 công ty chưa nộp báo cáo tài chính của công ty mẹ và hợp nhất soát xét.

Đối mặt với sự thay đổi lớn về số liệu không chỉ khiến nhà đầu tư bất ngờ mà còn bối rối vì không biết tin ai. Các khác biệt đều được giải trình rất hợp lý và chưa có một đánh giá đầy đủ nào về tình trạng lặp đi lặp lại này cũng như mức độ sai lệch tổng thể. Nhà đầu tư cũng rất khó để đánh giá mức độ trung thực, vì không ít doanh nghiệp lặp lại tình trạng này không chỉ một lần.