23:58 18/03/2008

Công ty, mặt hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc

Kiều Oanh

Bên cạnh quần áo, hàng điện tử và đồ chơi, Trung Quốc còn đang đẩy mạnh xuất khẩu một mặt hàng khác

Hãng máy tính Lenovo chính là công ty đã mở đầu cho sự tăng tốc trong hoạt động đầu tư của Trung Quốc ra bên ngoài vào tháng 12/2004, với việc tuyên bố mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của IBM với giá 1,75 tỷ USD.
Hãng máy tính Lenovo chính là công ty đã mở đầu cho sự tăng tốc trong hoạt động đầu tư của Trung Quốc ra bên ngoài vào tháng 12/2004, với việc tuyên bố mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của IBM với giá 1,75 tỷ USD.
Bên cạnh quần áo, hàng điện tử và đồ chơi, Trung Quốc còn đang đẩy mạnh xuất khẩu một mặt hàng khác.

Đó là những công ty quốc tế.

Nhiều thế kỷ qua, người Trung Quốc đã luôn đi tìm cơ hội làm giàu khắp thế giới, xây dựng nên những khu phố người Hoa, những nhà hàng và tiệm buôn bán lớn ở nhiều quốc gia. Giờ đây, các công ty Trung Quốc đang vươn ra phạm vi toàn cầu, với sự khuyến khích của Chính phủ, bị hấp dẫn bởi những thị trường còn chưa khám phá và được “trang bị” những khoản vốn lớn nhờ nền kinh tế trong nước đang phát triển nhanh chóng.

Mọc lên như nấm

Các nhà máy sản xuất ôtô của Trung Quốc đang mọc lên ở Mỹ Latin. Một chợ hàng hóa lớn của người Trung Quốc hứa hẹn sẽ đem đến những thay đổi lớn tại một thành phố tỉnh lẻ ở Thụy Điển. Một trung tâm phân phối linh kiện ôtô của Trung Quốc đang mua lại các công ty khó làm ăn ở Mỹ. Một nhà máy sản xuất TV của Trung Quốc đang hoạt động liên tục ở Nam Phi, và một công ty công nghệ cao của Trung Quốc đang giành được những hợp đồng để nâng cấp các mạng viễn thông lớn ở vùng Vịnh.

Cũng giống như những công ty Nhật Bản thay đổi lĩnh vực chế tạo tại Mỹ trước đây, các công ty Trung Quốc có thể đến lúc sẽ gây ảnh hưởng đến cách thức mà các đối thủ phương Tây của họ đưa ra sáng kiến, cạnh tranh và làm ăn.

“Chúng tôi không chỉ coi mình là những người đi tiên phong mà còn là những nhà thám hiểm”, anh thanh niên Sean Chen 26 tuổi đang giám sát công trình xây dựng một nhà máy phụ tùng điện 100 triệu USD và khu công nghiệp ở miền Nam nước Mỹ nói.

Chen và vợ sắp cưới của anh, cô Joy Chen, đã chuyển từ Thượng Hải sang Atlanta để xây dựng nhà máy cho tập đoàn General Protecht Group do cha anh quản lý. Mặc dù mục tiêu là lợi nhuận, nhưng Sean Chen và cha anh coi việc làm ăn tại Mỹ là một cuộc thăm dò xã hội và mục tiêu là tạo ra sự kết hợp những gì tốt nhất của một công ty Trung Quốc với môi trường kinh doanh ở Mỹ.

Sự hiện diện của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài vẫn còn khiêm tốn, nhưng đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng.

Từ năm 1996 đến năm 2005, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 30 tỷ USD vào các công ty nước ngoài, trong đó 10 tỷ USD đã được đầu tư trong thời kỳ 2004 - 2005. Hãng máy tính Lenovo chính là công ty đã mở đầu cho sự tăng tốc trong hoạt động đầu tư của Trung Quốc ra bên ngoài vào tháng 12/2004, với việc tuyên bố mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của IBM với giá 1,75 tỷ USD.

Tại Mỹ và Canada, các công ty Trung Quốc hiện có khoảng 3.500 dự án, so với con số 1.500 dự án cách đây 5 năm. Các công ty Nhà nước lớn của Trung Quốc là những công ty đi đầu trong phong trào này, kéo theo các công ty tư nhân tầm trung và cỡ nhỏ.

Tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ hiện ở mức từ 4 đến 7 tỷ USD. Còn tại châu Âu, các vụ mua lại của các doanh nghiệp Trung Quốc trong năm ngoái đạt mức 563,3 triệu USD. Năm ngoái, 29 công ty Trung Quốc bắt đầu niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán của Mỹ, so với con số 27 công ty trong cả 3 năm trước đó cộng lại.

Số lượng visa Mỹ cấp cho giới doanh nhân Trung Quốc tới Mỹ làm việc trong các công ty Trung Quốc từ năm 2004 đến năm 2007 đã tăng gần gấp đôi, lên mức 2.043 visa.

Các công ty Trung Quốc không chỉ thành lập văn phòng và xây dựng nhà máy ở nước ngoài. Họ còn phát triển và bán ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu của riêng họ, thay vì chỉ làm nhà cung cấp cho các công ty phương Tây đi tìm nguồn linh kiện giá rẻ.

Ưu thế và bất lợi

Theo GS. Peter Williamson của Đại học Cambridge của Anh, cuộc cạnh tranh này có thể khiến các công ty Mỹ và châu Âu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc gặt hái lợi nhuận ban đầu từ những sản phẩm cao cấp trước khi giảm giá và bán rộng rãi những sản phẩm này ra thị trường. Những lĩnh vực dễ bị tổn thương bao gồm TV cao cấp, đầu đĩa DVD, thiết bị y tế và thậm chí cả xe hơn.

Tại Triển lãm ôtô Detroit tại Mỹ vào tháng 1 vừa qua, một chiếc xe SUV tầm trung do Trung Quốc sản xuất được trang bị nội thất da có giá chỉ 14.000 USD, chưa bằng một nửa so với giá một chiếc xe tương tự do các nước khác sản xuất. Chiếc xe này có thể sẽ xuất hiện tại 9 bang của Mỹ vào đầu năm tới.

Các công ty Trung Quốc có thể sử dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp của họ để bổ sung cho sản phẩm nhiều đặc điểm hấp dẫn. Mặt khác, họ cũng có thể làm được điều này thông qua việc “học tập” mẫu mã của những hãng lớn phương Tây, nhằm tiết kiệm chi phí phát triển sản phẩm. Nếu chất lượng đủ cao để đáp ứng kỳ vọng của thị trường, chiến lược này của các công ty Trung Quốc sẽ có sức công phá thật ghê gớm.

“Chiến lược này sẽ khiến mô hình lợi nhuận của các công ty đối thủ thât bại. Đây là một mô hình cổ điển trong việc tấn công đối thủ cạnh tranh một khi đã biết chắc đối thủ lưỡng lự trong việc đáp trả vì họ sẽ phải trả chi phí cao”, GS. William nói.

Chiến lược nói trên của các công ty Trung Quốc khiến người ta nhớ lại cách các hãng ôtô Nhật Bản buộc các đối thủ Mỹ đưa vào sản phẩm của họ những tùy chọn như cửa sổ điện và điều hòa không khí. Nhưng không giống như các công ty Nhật vốn bị các công ty Mỹ coi như một mối đe dọa khi mới xuất hiện ở thị trường này vào thập niên 1980, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay đang được mời chào tại nhiều bang của Mỹ như Michigan, California, Illinois và Georgia.

Tuy nhiên, không phải ở đâu người ta cũng chào đón những công ty Trung Quốc. Cơ quan chức năng của Quốc hội Mỹ đang tập trung giám sát nhiều khoản đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước này, bao gồm những khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD mà các quỹ đầu tư của Chính phủ Trung Quốc đổ vào những tập đoàn tài chính lớn ở Phố Wall. Sự giám sát này đã khiến nhiều thỏa thuận của các công ty Trung Quốc gặp thất bại. Trong đó phải kể đến nỗ lực mua lại tập đoàn dầu lửa Unocal và nỗ lực mua lại công ty công nghệ 3Com với giá 2,2 tỷ USD mới đây.

Tại thành phố ven biển Kalma của Thụy Điển, công đoàn và báo chí đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ dự án trị giá 160 triệu USD của một công ty Trung Quốc mở một khách sạn và một kho bán buôn cho hàng hóa Trung Quốc ở đây. “Trung Quốc đang phát triển rất nhanh chóng, người Trung Quốc cũng làm việc rất nhanh và họ không có kế hoạch dài hạn. Nhưng ở Thụy Điển, mọi cái diễn ra từ tốn hơn”, ông Angie Qian, giám đốc của dự án này, lý giải.

Tuy nhiên, tại một số nước khác, các công ty Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng những dự án tương tự. Ở Dubai, họ đã xây dựng một tổ hợp mua sắm lớn có tên Dragon Mart và một khu chung cư. Các trung tâm thương mại người Hoa cũng đã và đang mọc lên ở Đông Âu, Italy, Anh và Nga.