10:36 17/04/2009

Công ty niêm yết: Mục tiêu giảm, lương - thưởng tăng

Tú Uyên

Vẫn có những nghịch lý khi nhiều công ty không hoàn thành kế hoạch, nhưng mức đề xuất thưởng năm 2009 còn cao hơn 2008

Ở một số công ty niêm yết, lợi nhuận giảm nhưng tiền thưởng vẫn tăng - Ảnh: Việt Tuấn
Ở một số công ty niêm yết, lợi nhuận giảm nhưng tiền thưởng vẫn tăng - Ảnh: Việt Tuấn
Đặt chỉ tiêu năm 2009 ở mức an toàn, thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, mức thưởng, thù lao cho hội đồng  quản trị lại được điều chỉnh theo chiều hướng tăng.

Đây là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi ở nhiều công ty niêm yết.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) được xem là một trong những ngân hàng đã đạt lợi nhuận cao trong năm 2008 và 12% là tỷ lệ cổ tức khả quan trong bối cảnh khó khăn chung của ngành ngân hàng. Thế nhưng, không ít cổ đông thắc mắc chuyện phân phối lợi nhuận. Năm 2008, SCB đã điều chỉnh một loạt chỉ tiêu về kết quả kinh doanh, cổ tức đã được điều chỉnh giảm từ 16% xuống còn 12%. Tuy nhiên, các khoản thù lao cho hội đồng  quản trị và ban điều hành chẳng những không giảm mà còn tăng cao.

Năm 2008, thù lao chỉ riêng cho 4 thành viên hội đồng quản trị ngân hàng này được điều chỉnh từ kế hoạch ban đầu là 800 triệu đồng lên 1,2 tỷ đồng. Và trong kế hoạch đưa ra cho năm 2009, con số này được dự kiến lên tới 3 tỷ đồng.

Ở Công ty Bibica (BBC), thù lao cho 6 thành viên hội đồng quản trị là 1% lợi nhuận trước thuế. Năm 2008, BBC đạt lợi nhuận trước thuế 22,9 tỷ đồng, do đó tổng mức thù lao cho các thành viên hội đồng quản trị là 229 triệu đồng. Năm 2009, mức thù lao hội đồng  quản trị được nâng lên 1,5% lợi nhuận trước thuế, do tăng thêm một  thành viên trong hội đồng  quản trị, từ 6 lên 7 thành viên. Ngoài ra, hội đồng  quản trị, ban kiểm soát và ban điều hành BBC còn được thưởng 20% khoản lợi nhuận vượt kế hoạch sau thuế năm 2009.

Trường hợp Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu (VIPCO), bên cạnh mức thù lao, lương thì hội đồng quản trị, ban kiểm sát còn được nhận mức thưởng mà một cổ đông thắc mắc là chưa hợp lý. Cụ thể, mức thưởng cho hội đồng  quản trị, ban kiểm sát nếu hoàn thành kế hoạch là 0,5% lợi nhuận sau thuế, nếu vượt kế hoạch lợi nhuận từ 1 - 5% thì thưởng 8% lợi nhuận sau thuế chênh lệch và thưởng 10% mức chênh lệch nếu vượt kế hoạch trên 5%.

Như vậy, so sánh tương đối năm 2008 và năm 2009, khả năng lợi nhuận sau thuế năm 2009 của công ty đạt 75 tỷ đồng là hoàn toàn khả thi, tương đương mức thưởng khoảng 2 tỷ đồng. Khi đó, thù lao, lương thưởng cho hội đồng quản trị, ban kiểm sát là hơn 3,3 tỷ đồng. Nếu công ty đạt mức lợi nhuận sau thuế năm 2009 như năm 2007 thì số tiền thưởng có thể sẽ là 7 tỷ đồng, đưa tổng thù lao, lương, thưởng của hội đồng quản trị và ban kiểm sát lên hơn 8,3 tỷ đồng.

Vẫn có những nghịch lý khi nhiều công ty không hoàn thành kế hoạch như dự kiến nhưng vẫn giữ nguyên mức thưởng; thậm chí mức đề xuất thưởng năm 2009 còn cao hơn 2008 khi một loạt các chỉ tiêu đều sụt giảm.

Kế hoạch 2009 của Tổng công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí - Công ty Cổ phần (DPM) được đưa ra với con số thận trọng: tổng doanh thu đạt 5.815 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.084 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 990 tỷ đồng và cổ tức là 13%. Tất cả các chỉ tiêu này đều giảm so với thực hiện 2008, cụ thể doanh thu 2009 giảm 11%; lợi nhuận trước thuế giảm 38%; lợi nhuận sau thuế giảm gần 30% và cổ tức giảm 7% so với 2008.

Tương tự, Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) chỉ đề ra mức lợi nhuận trước thuế của năm nay là 60 tỷ đồng (bằng 73% thực hiện năm 2008). Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC) có mức giảm khá mạnh khi kế hoạch doanh thu năm 2009 chỉ còn 161,6 tỷ đồng (bằng 55% năm 2008), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 40,6 tỷ đồng (bằng  46% năm 2008); cổ tức 20% (năm 2008 được chia 30%). Công ty Cổ phần Nhựa Đà Nẵng (DPC) cũng đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm nay chỉ còn 3,8 tỷ đồng (bằng 72% năm 2008)...

Giải thích chung của các công ty đều là “do tình hình kinh tế năm 2009 dự báo còn nhiều khó khăn, các cổ đông phải hiểu và thông cảm với ban điều hành”. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận năm 2009 thấp hơn năm qua không khiến nhà đầu tư băn khoăn bằng việc mức chi tiêu của công ty lại không giảm.

Một số công ty có chi phí thù lao cho hội đồng quản trị và ban kiểm sát còn gia tăng. Cụ thể, DPM năm 2008 đã trả lương và thưởng cho hội đồng quản trị, ban kiểm sát là 2,4 tỷ đồng, nhưng con số năm 2009 lên tới 3,53 tỷ đồng, trong khi kế hoạch kinh doanh năm 2009 đưa ra giảm mạnh so với năm 2008.

Tương tự, thù lao hội đồng quản trị và ban kiểm sát của HRC năm 2008 là 184,8 triệu đồng (bằng 0,2% lợi nhuận), còn kế hoạch chi năm 2009 là 0,35%/lợi nhuận (nếu vượt kế hoạch lợi nhuận thì thù lao được trả 0,5%/lợi nhuận)... Năm 2008, lợi nhuận sau thuế của Domesco giảm 2% so với năm 2007, nhưng lại xin cổ đông thông qua việc trích quỹ khen thưởng 15% lợi nhuận sau thuế khiến cổ đông bất bình!

Trong bối cảnh này, chèo lái được doanh nghệp vượt "bão" thành công đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ ban điều hành công ty. Nếu thành công, vấn đề tăng lương, thưởng cho ban điều hành cũng là điều dễ dàng được chấp nhận.

“Theo một số chuyên gia tài chính, ngoài tiền lương cần có chính sách thưởng cho ban điều hành, điều này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, tiền lương của tất cả thành viên hội đồnh quản trị và ban giám đốc phải được công bố một cách công khai, phù hợp với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp”.