12:32 12/08/2024

Cuộc chiến bảo vệ bản quyền giọng nói trong AI: Trung Quốc dẫn đầu

Thanh Minh

Hàng loạt ứng dụng AI bắt chước giọng nói ra đời đã nảy sinh nhiều vụ kiện vi phạm bản quyền giọng nói. Trung Quốc gần đây đã xử nhiều vụ kiện về vấn đề này...

Những lo ngại về việc bắt chước giọng nói trong các ứng dụng AI tạo ra không phải chỉ có ở Trung Quốc. Ảnh minh họa
Những lo ngại về việc bắt chước giọng nói trong các ứng dụng AI tạo ra không phải chỉ có ở Trung Quốc. Ảnh minh họa

Trung Quốc vừa đưa ra một loạt phán quyết liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, cho thấy Bắc Kinh đang rất coi trọng công nghệ này và đặt mục tiêu đi đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn với AI.

KIỆN VI PHẠM BẢN QUYỀN GIỌNG NÓI XẢY RA KHẮP NƠI TRÊN TOÀN CẦU

Theo Nikkei, vào tháng 4, một tòa án ở Bắc Kinh đã đưa ra phán quyết đầu tiên của Trung Quốc về vụ việc bảo vệ bản quyền giọng nói. Theo đó, một diễn viên lồng tiếng đã kiện một số công ty AI vì vi phạm hành vi sao chép giọng nói trong các ứng dụng AI của họ. Tòa án nhận thấy một số công ty thực sự đã vi phạm quyền của nguyên đơn và đã yêu cầu họ phải bồi thường thiệt hại 250.000 nhân dân tệ (35.000 USD).

Thực tế, Bộ luật Dân sự Trung Quốc đã có các các biện pháp bảo vệ tiếng nói của người dân, nhưng đây là quyết định đầu tiên đối với vụ việc “bảo vệ bản quyền giọng nói trong các ứng dụng AI”.

Những lo ngại về việc bắt chước giọng nói trong các ứng dụng AI tạo ra không phải chỉ có ở Trung Quốc. Tại Mỹ, nữ diễn viên Scarlett Johansson phàn nàn rằng chức năng giọng nói trong ChatGPT của OpenAI nghe "giống một cách kỳ lạ" với giọng nói của cô. OpenAI cuối cùng đã phải ngừng sử dụng giọng nói “giống với giọng của Scarlett Johansson”.

Tại Nhật Bản, tình trạng "AI bắt chước giọng nói" tạo ra phiên bản kỹ thuật số của các diễn viên lồng tiếng và ca sĩ mà không được phép đang diễn ra tràn lan. Chính phủ Nhật đã bắt đầu tạo ra các quy tắc nhằm giải quyết những vụ việc như thế này, nhưng cuộc tranh luận về quyền đối với giọng nói do AI tạo ra chỉ mới bắt đầu.

Trong khi đó, các tòa án Trung Quốc lại đặt ra các tiền lệ khác.

TRUNG QUỐC XỬ LOẠT CÔNG TY AI VI PHẠM BẢN QUYỀN GIỌNG NÓI

Vào tháng 2, một tòa án ở Quảng Châu đã phát hiện ra nhà điều hành dịch vụ AI tổng hợp đã vi phạm bản quyền khi cho phép người dùng tạo ra những hình ảnh giống với nhân vật nổi tiếng của Nhật Bản Ultraman. Phán quyết này dựa trên các nguyên tắc về “Biện pháp tạm thời” để quản lý Dịch vụ trí tuệ nhân tạo sáng tạo, có hiệu lực vào tháng 8 năm 2023 với tư cách là bộ luật đầu tiên trên thế giới quản lý toàn diện AI sáng tạo.

Trong một vụ kiện sở hữu trí tuệ mang tính bước ngoặt khác liên quan đến AI, một tòa án ở Bắc Kinh vào tháng 11 năm 2023 đã công nhận bản quyền của chính những hình ảnh do AI tạo ra.

Một nguyên đơn cá nhân đã đăng hình ảnh một người phụ nữ có tiêu đề "Làn gió xuân nhẹ nhàng" lên mạng xã hội, sau khi tạo ra nó bằng dịch vụ AI tổng hợp có khả năng biến lệnh text thành hình ảnh. Sau đó, một người khác đã đăng nó mà không có sự cho phép của nguyên đơn. Tòa án quyết định nguyên đơn giữ bản quyền hình ảnh và yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại 500 nhân dân tệ.

Các thẩm phán lý luận rằng hình ảnh này được tạo ra nhờ sự sáng tạo theo gợi ý của nguyên đơn.

Ngược lại, năm ngoái, một tòa án Hoa Kỳ đã ra phán quyết tác phẩm nghệ thuật AI không đủ điều kiện để đăng ký bản quyền. Các phán quyết mâu thuẫn nhấn mạnh rằng cuộc tranh luận toàn cầu về cách xử lý hình ảnh và các tác phẩm khác do AI tạo ra đang nóng lên.

Takashi Nakazaki, luật sư người Nhật chuyên về luật liên quan đến AI, cho rằng ở châu Âu “phương hướng thảo luận chưa rõ ràng”. Ở Nhật Bản, khả năng bản quyền của một tác phẩm được xác định bởi các yếu tố như nội dung hướng dẫn.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trên toàn thế giới có hơn 1.000 quy tắc liên quan đến AI, nhưng nhiều cuộc thảo luận vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Yoshifumi Onodera, một luật sư Nhật Bản thông thạo luật pháp Trung Quốc, cho biết: “Với việc nhiều quốc gia mong muốn định hình các tiêu chuẩn AI vì lợi ích của họ, các phán quyết tích cực của tòa án Trung Quốc và việc chính phủ vội vàng xây dựng luật là điều tất yếu”.

Có rất ít nghi ngờ về quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc đua AI của Trung Quốc. Chính phủ và các công ty tư nhân đang hợp tác để phát triển công nghệ. Theo một cuộc khảo sát do Đại học Stanford công bố vào tháng 4, các công ty Trung Quốc và các tổ chức khác nắm giữ 61,1% số bằng sáng chế AI của thế giới được nộp vào năm 2022, vượt xa Hoa Kỳ, ở mức 20,9%.

Một bảng hiệu AI được trưng bày tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới ở Thượng Hải vào ngày 6 tháng 7. Tòa án Trung Quốc đã nhanh chóng đặt ra tiền lệ về các khía cạnh khác nhau của công nghệ này
Một bảng hiệu AI được trưng bày tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới ở Thượng Hải vào ngày 6 tháng 7. Tòa án Trung Quốc đã nhanh chóng đặt ra tiền lệ về các khía cạnh khác nhau của công nghệ này

Trung Quốc không chỉ tìm cách sản xuất công nghệ mà còn tìm cách khai thác nó để sử dụng thực tế. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 được chính phủ Trung Quốc công bố cho giai đoạn 2021 đến 2025 kêu gọi “tích hợp” các công nghệ kỹ thuật số như AI với xã hội.

Theo Li Zhihui, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Nomura của Nhật Bản, người giám sát công nghệ AI ở Trung Quốc, AI sáng tạo đã lan rộng trong tất cả các ngành công nghiệp, từ kiểm tra phụ tùng ô tô đến lập kế hoạch học tập cho các trường luyện thi.

Chuyên gia Li cho rằng các vụ kiện tại tòa phản ánh tình trạng càng nóng của ứng dụng AI và quản lý AI. Ông nói: “Việc triển khai ứng dụng AI vào xã hội đang tiến triển nhanh chóng và các vấn đề pháp lý cũng đang ngày càng trở nên rõ ràng”.