“Cuộc chiến” giành chỗ bày bán smartphone trong hệ thống bán lẻ
Từ nhiều tháng nay, trên hệ thống bán lẻ của FPT Shop đã không còn bày bán sản phẩm điện thoại của các thương hiệu Asus, HTC và LG
Từ nhiều tháng nay, trên hệ thống cửa hàng của FPT Shop - một trong hai hệ thống bán lẻ điện thoại lớn nhất nước - đã không còn bày bán sản phẩm điện thoại của các thương hiệu Asus, HTC và LG.
Không chỉ FPT Shop, một số hệ thống nhỏ hơn như CellphoneS, cũng không bán điện thoại thông minh (smartphone) HTC và LG nữa.
“Tồn tại cũng khó”
Tại một điểm bán của FPT Shop trên phố Thái Hà (quận Đống Đa), nhân viên bán hàng cho biết, cửa hàng đã dừng bán các sản phẩm điện thoại của HTC, Asus và LG từ hơn nửa năm nay. Không chỉ riêng điểm bán này mà toàn bộ các cửa hàng trên toàn quốc (thời điểm hiện tại là gần 430 cửa hàng) của FPT Shop cũng dừng hẳn, không bán.
Nhân viên này cho biết không biết lý do dừng bán là gì (vì quyết định là từ trên lãnh đạo công ty đưa xuống) nhưng thời điểm vẫn bán (quý 2 quý 3/2016), cả tháng trời, cửa hàng không bán được một chiếc điện thoại nào của các thương hiệu trên.
Một đại diện của FPT Shop giải thích, sở dĩ hệ thống dừng bán sản phẩm của các thương hiệu HTC, Asus và LG vì nhu cầu khách hàng giảm, rất ít người mua, trong khi đó diện tích bày bán cửa hàng có giới hạn nên phải “nhường chỗ” cho các sản phẩm khác mà người dùng có nhu cầu mua sắm.
“Chạy” sớm hơn FPT Shop, hệ thống CellphoneS còn dừng bán các sản phẩm của LG và HTC từ hơn một năm nay. Riêng sản phẩm ZenFone của Asus, đại diện của CellphoneS cho biết, hệ thống vẫn “cố” duy trì dù doanh số bán rất thấp. Ở nhiều hệ thống bán lẻ khác, theo vị đại diện này, sản phẩm ZenFone cũng không còn được bày bán.
Trong số ba thương hiệu điện thoại trên, tiếc nhất là ZenFone của Asus khi dòng sản phẩm này bắt đầu được bán ra thị trường Việt Nam (quý 3/2014). Những tháng sau đó, trong quý 4/2014 và kéo dài tới cả tháng đầu năm 2015, một số mẫu của ZenFone luôn nằm trong top 10 smartphone bán chạy nhất thị trường, do sản phẩm giá rẻ, cấu hình cao, cụ thể là ZenFone 4 và ZenFone 5.
Với hai thương hiệu LG và HTC - thời điểm ZenFone còn bán được (như trên) - thì đã bắt đầu đuối dần trên thị trường. Số lượng sản phẩm mới ra mắt khá hạn chế và cũng không cạnh tranh được các thương hiệu Samsung, Apple hay Oppo.
Theo vị đại diện của CellphoneS, nguyên nhân sản phẩm của các thương hiệu trên không còn được người tiêu dùng Việt lựa chọn vì sản phẩm không có một điểm gì nổi bật và khác biệt. Do cấu hình cao không còn là lợi thế, thiết kế thì “cũ kĩ”, không có sự đổi mới, giá bán cũng không phải quá rẻ…, trong khi đó, thị trường lại có nhiều lựa chọn từ các thương hiệu điện thoại mới.
Ai thế chỗ?
Điều khá thú vị là khi các sản phẩm điện thoại của các thương hiệu trên rời khỏi kệ tại các điểm bán lẻ của nhiều hệ thống thì cũng là lúc sản phẩm của các thương hiệu khác “nhảy vào” thế chỗ.
Một nhân viên bán hàng tại một điểm bán của FPT Shop trên đường Láng Hạ cho biết, “chỗ” của các sản phẩm điện thoại Huawei và Vivo đang bày bán bây giờ trước đây là của HTC và LG. Sau khi sản phẩm của các hãng này được thu dọn lại thì ngay lập tức sản phẩm của Huawei và Vivo được bày ra, tuy nhiên, số lượng và chủng loại đa dạng hơn và cũng thu hút khách hàng xem và mua sản phẩm nhiều hơn.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các thương hiệu đến từ Trung Quốc lại dễ dàng “hất chân” các thương hiệu trên như vậy?
Quản lý một hệ thống bán lẻ tiết lộ, kệ bày bán sản phẩm tại mỗi điểm bán là “tấc đất tấc vàng”, và là “mặt tiền” để các nhà bán lẻ cho các hãng cung cấp (nhà sản xuất) thuê. Cụ thể, các hãng muốn đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ phải đàm phán về tỷ lệ chia sẻ/giá trị sản phẩm bán ra (doanh thu). Thường ở những hệ thống lớn, cấp 1, như Thế Giới Di Động hay FPT Shop, các hãng sẽ phải chia sẻ tỷ lệ khoảng từ 20-25% giá trị sản phẩm.
Bởi vậy, trong trường hợp các sản phẩm điện thoại không bán được hoặc bán với doanh số rất thấp thì cũng có nghĩa hệ thống/điểm bán bị… thất thu. Và đây chính là lý do khiến các sản phẩm như của LG, HTC hay Asus bị bật bãi.
Khi sản phẩm không bán được các hãng cũng rơi vào thế yếu. Như chia sẻ của vị quản lý trên, một trong ba hãng trên, thậm chí còn đang phải “nhờ cậy” cho khách hàng đăng ký mua một sản phẩm “đinh” của hãng trên hệ thống mình để có thể tìm lại một chút cơ hội mong manh trên thị trường.
Một số nguồn tin cho biết, hãng điện thoại Trung Quốc Vivo cũng đang muốn vào hệ thống Thế Giới Di Động. Tuy nhiên, chưa rõ lý do gì hoặc có thể các bên chưa thỏa thuận được tỷ lệ chia sẻ nên đến nay Vivo cũng chưa “đặt chân” được vào hệ thống bán lẻ lớn nhất này.
Trường hợp Vivo vào được hệ thống Thế Giới Di Động, cũng có nghĩa các quầy kệ hoặc một số tại hệ thống này sẽ phải cơ cấu lại để lấy chỗ. Hoặc biết đâu, một thương hiệu điện thoại nào đó đang không bán được hoặc bán chậm sẽ phải “chịu cảnh bật bãi” để nhường chỗ cho hãng điện thoại Trung Quốc này.