10:39 24/05/2011

Cuộc chiến lẫn lộn thật giả ở Trung Quốc

Hồng Ngọc

Wang Xing đã chứng minh một ngạn ngữ: Nếu không thành công với cái của riêng bạn, thì hãy làm nhái và nhái tiếp

Wang Xing là người sáng lập trang Meituan, một bản sao của Groupon - Ảnh: Forbes.
Wang Xing là người sáng lập trang Meituan, một bản sao của Groupon - Ảnh: Forbes.
Wang Xing, người sáng lập trang "Groupon Trung Quốc" đã chứng minh một ngạn ngữ: Nếu bạn không thành công với cái đầu tiên của riêng bạn, thì hãy làm nhái và nhái tiếp.

Wang Xing từng là một trong những người sáng lập trang Xiaonei, một mạng xã hội nhái Facebook. Trang web này ra đời năm 2005 tại Bắc Kinh và nổi đình nổi đám. Nhưng chưa đầy một năm sau, do thiếu tiền để duy trì, Wang đã phải bán đi Xiaonei với giá vài triệu USD.

Tiếp đó, Wang và bạn bè của anh cho ra một phiên bản nhái mạng tiểu blog Twitter, trang Fantou. Tuy nhiên, do một vài trục trặc, Fantou đã không thành công như mong đợi. Trong khi, Xiaonei dưới sự dẫn dắt của những người chủ mới và dưới một cái tên mới Renren, đã phát triển mạnh.

Không nản chí, tháng 3/2010, Wang và những người bạn đưa ra Meituan, một phiên bản tiếng Trung của trang mua theo nhóm Groupon. Meituan hiện là một trong hai trang nhái mô hình Groupon có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Trung Quốc, doanh thu hơn 12 triệu USD/tháng.

Trung Quốc được đánh giá là thị trường rất tiềm năng cho các dịch vụ mua hàng qua mạng với hơn 457 triệu người dùng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Đã có không ít công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn không thể cạnh tranh lại các công ty trong nước.

Meituan là cỗ máy kiếm tiền tốt nhất của Wang trong "sự nghiệp" nhân bản vô tính các mô hình web thành công từ trước tới giờ. Nhưng để có được sự thành công đó, Wang đã phải đánh bại hàng loạt web nhái khác. Theo ước tính, chỉ trong vòng 1 năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến sự ra đời của 3.000 doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình Groupon.

Những doanh nghiệp kiểu này đã bung nở ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc. Không ít công ty đã phát triển thành những đối thủ cạnh tranh tầm cỡ. Chẳng hạn trang Lashou vừa thu hút được 111 triệu USD trong tháng 3/2010 và đã chi 10 triệu USD cho chiến dịch tiếp thị.

Trong khi đó, cũng từ đầu tháng 3, mạng Groupon "xịn" đã chính thức tiến quân vào thị trường Trung Quốc, thông qua địa chỉ Gaopeng.com. Tên miền Groupon.cn đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chân đăng ký mất. Trước mắt, Gaopeng.com sẽ hợp tác với Tencent.com, trang web chuyên cung cấp các dịch vụ giải trí và thương mại điện tử.

Groupon tuyên bố: "Liên doanh mới của chúng tôi ở đất nước đông dân nhất thế giới là sự kết hợp giữa những kinh nghiệm mua sắm của Groupon, một tập đoàn có quy mô toàn cầu, với những hiểu biết sâu sắc về thị trường của đối tác Tencent". Với khoản tiền đầu tư 950 triệu USD vừa nhận được hồi tháng 1/2011, Groupon đang có tiềm lực tài chính rất ổn định để mở rộng dịch vụ mới của mình.

Tuy nhiên, ngay cả khi Groupon xịn đã nhảy vào thị trường Trung Quốc thì cuộc chiến giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình này cũng không hề giảm nhiệt. Việc khẳng định mình mới là "trang Groupon của Trung Quốc" đã trở thành một cuộc "chạy đua vũ trang" đắt đỏ, bất kể thật hay giả.

Tiền mặt được đổ vào cuộc chiến giành giật khách hàng và nhân sự. Chiến thắng được xác định bằng việc doanh nghiệp nào phá sản trước đối thủ. Cuộc chiến đã khiến chi phí thuê nhân viên kinh doanh tăng cao, và thu hẹp khoản tiền mà các web này nhận được trên mỗi phiếu giảm giá.

Wang cho biết, khoản hoa hồng mà Meituan nhận được từ các phiếu giảm giá đã giảm mạnh từ 20% ban đầu xuống mức một con số. Các hãng đối thủ khác cũng đang nhận được khoản tiền lời dưới 10%. Trong khi, thông thường ở Mỹ, Groupon nhận được khoản chia lời 30% hoặc cao hơn.

Dẫu vậy, các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình này vẫn không ngừng bơm tiền. Chẳng hạn, khi Groupon "hàng thật" tung tiền cho chiến dịch tuyển dụng marketing. Các Groupon "hàng nhái" cũng tăng mạnh ngân sách cho quảng cáo. Ví dụ, Lashou tuyên bố sẽ chi ít nhất 30 triệu USD cho hoạt động quảng cáo trong năm nay.

Mô hình kinh doanh kiểu Groupon thu hút được nhiều doanh nghiệp trên thế giới bắt chước, là bởi nó mang lại lợi ích cho cả ba bên: Khách hàng chi trả ở mức giá thấp hơn; người làm kinh doanh có cơ hội tăng doanh thu và có thêm khách hàng tiềm năng mới; và trang web trung gian thì thu được phí từ chiết khấu của nhà cung cấp sản phẩm.

Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh mạnh mẽ và gay gắt nhất, cho tới lúc này, có thể không ở đâu bằng Trung Quốc, khi cả thật và giả đều không ngừng chạy đua ở mọi phương diện.

Là một quốc gia có thị trường nội địa lớn, dân số đông, doanh số mua hàng trên mạng ngày càng được mở rộng, trong khi Groupon là loại hình dễ sao chép, nên kiểu kinh doanh này càng có cơ hội bùng nổ và phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.