09:14 13/06/2008

Cuộc chiến mới của FED

Mai Phương

Có thể nói, đến giờ phút này, Chủ tịch FED Ben Bernanke không còn là “người bạn thân thiết” của các nhà đầu tư ở Mỹ

Có thể nói, đến giờ phút này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke không còn là “người bạn thân thiết” của các nhà đầu tư ở nước này.

Sau 9 tháng liên tiếp cắt giảm lãi suất và liên tục bơm tiền cho các tổ chức tài chính trong nỗ lực cứu nguy nước Mỹ khỏi cuộc khủng hoảng tín dụng, FED đã bắt đầu đảo chiều xu hướng này.

Trong những tuần gần đây, ngài Chủ tịch Bernanke và các quan chức khác của FED đã đưa ra những dấu hiệu cho thấy, thay vì lấy mục tiêu ngăn chặn sự suy giảm tăng trưởng kinh tế làm ưu tiên, FED đã chuyển sang lấy mục tiêu chống lạm phát làm nhiệm vụ hàng đầu.

Phản ứng tiêu cực của thị trường

“Nguy cơ kinh tế Mỹ bước vào một thời kỳ suy thoái đã giảm xuống trong một tháng trở lại đây. FED không cho là những kỳ vọng lạm phát dài hạn sẽ giảm xuống”, ông Bernanke phát biểu trong cuộc họp vừa tổ chức tuần trong này tại Boston.

Sự chuyển biến này được những người ủng hộ đồng USD mạnh - những người từ lâu đã cảnh báo ông Bernanke về chính sách tiền tệ nới lỏng - hưởng ứng nhiệt liệt. Trước đây, dưới thời cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan, sự chuyển biến chính sách tương tự cũng đã diễn ra sau khi “bong bóng” chứng khoán và địa ốc “phồng to”, đe dọa sự “tái xuất hiện” của tình trạng lạm phát cao ngất ngưởng như ở thập niên 1970.

Gần đây, giá dầu thô tăng cao, đã có lúc vượt mức 136 USD/thùng, đã khiến những lo ngại như vậy thêm căng thẳng. Thậm chí ngay trong nội bộ FED, việc ông Bernanke liên tục hạ lãi suất cũng đã gây ra bất đồng. Trong hai lần cắt giảm lãi suất mới đây nhất, ông Bernanke đã vấp phải sự phản đối bất thường đến từ hai thành viên trong Ủy ban Thị trường mở - cơ quan hoạch định chính sách của FED.

Thị trường tiền tệ đã thể hiện sự vui mừng trước những lời nhận định có vẻ như mạnh mẽ mới đây của ông Bernanke, cho thấy quyết tâm của ông trong việc vực dậy đồng USD. Từ năm 2002 đến nay, “bạc xanh” đã liên tục trên đà trượt dốc so với Euro.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển đang tăng trưởng chậm lại và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Mỹ vẫn ở trong tình trạng bất ổn, việc nói tới sự mạnh lên của đồng USD vào lúc này đã gây ra những tác động tiêu cực. Mặc dù ông Bernanke đưa ra những bình luận khá lạc quan về kinh tế Mỹ và bày tỏ sự tin tưởng rằng, việc cắt giảm lãi suất và giảm thuế của Chính phủ sẽ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của sự sụt giảm của thị trường địa ốc trong nửa sau của năm nay, hành động của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ cho thấy, nhiều người đã thất vọng trước những phát ngôn từ FED.

“Hiệu ứng tức thời từ sự chuyển biến mạnh mẽ trong ưu tiên chính sách này đã “hút cạn” triển vọng, niềm tin và tính thanh khoản từ thị trường tài chính”, nhà kinh tế học Lena Komileva của tổ chức nghiên cứu Tullet Prebon nhận xét. “Với chính sách tiền tệ thực hiện vai trò của một nhân vật chèo lái rủi ro thay vì một nguồn giải nguy đối với các thị trường tài chính, những điều kiện hiện tại đang thực sự xấu đi so với hồi tháng 8 năm ngoái khi cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu xuất hiện”, nhà kinh tế nói trên bày tỏ quan điểm.

Nỗi lo ngại gia tăng có thể được nhận thấy rõ nét trong toàn ngành tài chính của Mỹ. Đầu tuần này, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ (tính bằng cách lấy tổng trái tức năm chia cho mệnh giá trái phiếu) đã tăng mạnh nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, phản ánh sự đi xuống của giá chứng khoán do những lo ngại về lạm phát.

Lãi suất cho vay địa ốc đang trên đà gia tăng, gây thêm áp lực giảm giá cho thị trường nhà đất. Giá cổ phiếu của nhiều tổ chức cho vay cầm cố đã sụt giảm mạnh mẽ, trong đó cổ phiếu của Ngân hàng Washington Mutual đã mất giá 11% chỉ trong phiên giao dịch thứ Tư vừa qua, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ do những lo ngại về số phận của ngân hàng này trong lĩnh vực cho vay cầm cố.FED khó tăng lãi suất?

Những dấu hiệu đáng ngại nói trên xuất hiện chỉ 3 tháng sau khi FED làm “môi giới” cho vụ giải cứu ngân hàng đầu tư Bear Stearns. Thỏa thuận này được đưa ra vào giữa tháng 3 - thời kỳ mà những nỗi lo ngại rằng hệ thống tài chính của nước Mỹ đang sắp sửa đổ nhào, khiến nền kinh tế này rơi tự do - đã lên tới đỉnh điểm. Kể từ đó, những nỗi lo về sự sụp đổ đã được hóa giải phần nào, một phần nhờ việc FED cho thấy rõ tổ chức này sẽ bảo vệ những tổ chức tài chính lớn là hạt nhân của hệ thống tài chính Mỹ trước nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, như những gì mà các nhà đầu tư của Bear Stearns rồi sẽ tới lúc hồi tưởng lại, các cổ đông rất có thể trả một giá đắt thậm chí cả khi FED có ra tay cứu giúp.

Và bất chấp sự lạc quan thận trọng của ông Bernanke, những lo ngại về nền kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn mất đi. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng 5 đã có bước tăng cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây, từ mức 5% lên mức 5,5%. Nếu con số này còn tiếp tục lớn lên, kết quả sẽ là có thêm nhiều vụ vỡ nợ, gây thêm áp lực đối với bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Tệ hơn, những ngân hàng kẹt vốn sẽ thu hẹp hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, khiến tăng trưởng kinh tế lại càng chậm chạp.

Bức tranh tín dụng xấu đi đối với các ngân hàng lớn là một lý do khiến rất ít nhà kinh tế học cho rằng ông Bernanke sẽ sớm làm đúng như những gì ông nói. “FED đang ở trong một tình thế khó khăn và không dễ ra quyết định tăng lãi suất cơ bản”, nhà kinh tế học Asha Bangalore của tổ chức Northern Trust nhận xét. Còn nhà kinh tế Komileva cũng cho rằng, “nhiều hậu quả ngoài dự kiến” của việc chống lạm phát - như giảm tính thanh khoản của thị trường tài chính và khiến lãi suất cho vay cầm cố tăng cao hơn - khiến việc tăng lãi suất trở thành điều khó xảy ra.

Nhưng thậm chí cả khi FED lúc này khó có thể tăng lãi suất, sự chuyển hướng sang lập trường ngầm thiên về chống lạm phát cho thấy ông Bernanke và các đồng nghiệp của ông đang bắt đầu nhận thức được tình thế đã thay đổi như thế nào. Những điều kiện cho phép FED áp dụng trơn tru chính sách ưu tiên phát triển kinh tế trong vòng 25 năm qua đã không còn nữa.

Theo nhà kinh tế David Rosenberg của Merrill Lynch, ngoài việc lạm phát tăng cao, hiện có thể sẽ sớm lần đầu tiên trong vòng 16 năm lên tới mức 5% so với cùng kỳ năm ngoái, những quý gần đây còn chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại đáng kể của lợi nhuận doanh nghiệp, trừ những doanh nghiệp dầu khí, và sự sụt giảm mạnh mẽ trong giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình tại Mỹ. Giá nhà tụt dốc đã khiến tài sản ròng của người dân nước này mất đi 1.700 tỷ USD trong quý 1 năm nay. Tất cả những yếu tố này cho thấy, giá trị tất cả các loại tài sản ở Mỹ có thể sẽ còn đi xuống trong thời gian tới.

(Theo Fortune)